Ban hành Luật Giáo dục đại học là cần thiết

Ban hành Luật Giáo dục đại học là cần thiết

(GD&TD)-Sáng 30/9, tiếp tục phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Giáo dục đại học. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng điều khiển buổi thảo luận.

UBTV Quốc hội họp phiên thứ hai
UBTV Quốc hội họp phiên thứ hai

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Giáo dục đại học.

Theo Tờ trình, việc ban hành Luật Giáo dục đại học là cần thiết, nhằm thể chế hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển của giáo dục đại học và thực hiện các mục tiêu của giáo dục đại học.

Dự thảo Luật Giáo dục đại học bao gồm 13 chương, 72 điều quy định về tổ chức cơ sở giáo dục đại học; nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học; các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học; giảng viên; người học; tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Dự án Luật Giáo dục đào tạo có nhiều điểm mới như: những nội dung của dự án Luật đã cụ thể hóa các quy định khung của Luật giáo dục về giáo dục đại học. Nâng các quy định tại các văn bản dưới luật (nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ) đã được thực tiễn kiểm nghiệm và mang tính ổn định thành các nội dung của Luật giáo dục đại học. Bên cạnh đó, những nội dung quy định tại Luật giáo dục không còn phù hợp thì được sửa đổi, bổ sung tại Luật giáo dục đại học. Mặt khác, những vấn đề chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ trong Luật giáo dục đã được quy định mới và cụ thể hơn trong Luật giáo dục đại học.

Vấn đề quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học và Hội đồng trường được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học là một yêu cầu khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện nay. Đây phải được coi là tư tưởng xuyên suốt của dự án này.

Trong dự thảo luật không quy định về Hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục đại học công lập. Nguyên nhân là đến nay mới chỉ có 10/188 trường đại học, cao đẳng trên cả nước thực hiện Hội đồng trường. Cả 10 trường này đều đánh giá tác động của Hội đồng trường không lớn, các trường còn lại đều cho rằng thành lập Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đào tạo là không cần thiết. Theo điều 28 của Dự thảo Luật GDĐH, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các điều kiện bảo đảm chất lượng GDĐH, gồm: số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị.

Cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng GDĐH. Cơ sở GDĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh không căn cứ và điều kiện bảo đảm chất chượng GDĐH sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở GDĐH tổ chức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo quy định. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.

Nhất trí với Dự thảo Luật về các quy định tuyển sinh, tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi đề nghị: “Trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các cơ sở GDĐH trong công tác tuyển sinh. Cụ thể, các cơ sở GDĐH được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện do Bộ GD-ĐT quy định; giao cho các cơ sở GDĐH có đủ năng lực, kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh được tự chủ, tự chịu trách nhiệm lựa chọn phương thức, thời gian và tổ chức tuyển sinh theo các quy định chung của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Đề nghị, bổ sung chế tài nghiêm khắc đối với những vi phạm trong lĩnh vực tuyển sinh không đúng với các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo”.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị giữ quy định Hội đồng trường là thiết chế bắt buộc đối với cơ sở giáo dục được trao quyền tự chủ cao. Dự thảo Luật cần quy định rõ cơ cấu thành phần, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Hội đồng trường; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng trường; mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Hiệu trưởng và các tổ chức khác trong nhà trường để bảo đảm hiệu quả hoạt động.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, Luật giáo dục đại học cần thiết lập cho được “mức sàn”, làm sao để theo Luật này tất cả các trường đại học trên toàn quốc phải đạt được mức sàn tối thiểu để xã hội yên tâm.

Đánh giá chung về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của Dự thảo Luật, báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật giáo dục đại học của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chỉ rõ: nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như xã hội hóa giáo dục, phân tầng các cơ sở giáo dục đại học và trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo… còn chưa được thể chế hóa; một số vấn đề lớn của giáo dục đại học như về mô hình tổ chức, hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, về kiểm định chất lượng giáo dục, về đào tạo quốc tế… chưa được giải quyết đủ thấu đáo, triệt để; một số quy định không phù hợp với Luật Giáo dục; nhiều điều, khoản thay vì phải được quy định cụ thể ngay trong Luật thì lại được giao cho các văn bản dưới luật, gây khó khăn cho việc thi hành Luật trong thực tiễn.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh Dự án Luật để đáp ứng yêu cầu của một luật chuyên ngành và giải quyết có hiệu quả những vấn đề cơ bản, cấp bách của giáo dục đại học hiện nay.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ