(GD&TĐ) - Sau khi “xâm thực” khá thành công vào giới nhân viên văn phòng, nghề bán hàng đa cấp (BHĐC) đang có dấu hiệu mở hướng sang chiêu dụ cả giới sinh viên. Không ít bạn trẻ chân ướt chân ráo từ quê lên thành phố theo học bị choáng ngợp bởi những lời rủ rê đường mật đã lao vào vòng xoáy, nhiều người trong số họ đến khi “tỉnh” ra thì đã phải trả những cái giá rất đắt...
Sinh viên kiêm “chuyên viên kinh doanh”
Phòng trọ của Nguyễn Diệu Kiều Trang (SV năm 2 Trường CĐ Công nghệ kinh tế Hà Nội) nằm sâu trong một ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Đồ đạc trong căn phòng rộng chưa đầy 10m² khá sơ sài. Nhưng gắn bên bàn học lại nổi bật một chiếc máy lọc nước tiền triệu. Trang tâm sự, đây là sản phẩm của một lần Trang bị chèo kéo tham vào mạng lưới BHĐC của công ty T.N.M.U chi nhánh Hà Đông – Hà Nội.
Ảnh minh họa/internet |
“Năm nhất, đứa bạn thân cấp hai rủ em đi làm thêm. Nó đưa em đến công ty T.N.M.N và bảo đây là cơ hội tốt để có nhiều tiền. Sau khi nghe diễn thuyết, có mấy anh tự xưng là “tuyến trên” ra giới thiệu sản phẩm, làm quen và nói cho em nghe về những lợi ích “trên trời” do công ty mang lại. Nhưng, để có được những lợi ích đó, đầu tiên em phải trở thành người của công ty – rất đơn giản, chỉ cần mua một sản phẩm của công ty” – Trang kể về lai lịch chiếc máy lọc nước lạc lõng.
Cũng như Trang, rất nhiều SV đã "được" bạn bè giới thiệu vào các công ty BHĐC khác nhau. Ngoài T.N.M.U, hàng loạt công ty BHĐC rộ lên như nấm sau mưa, kéo theo không ít SV trở thành “chuyên viên kinh doanh” cấp 1. Với nhiều thời gian rảnh, cần tiền, và đặc biệt… dễ bị thuyết phục, SV trở thành “mồi ngon” cho các anh chị “tuyến trên”.
Nhưng nếu đổ cho bị rủ rê hết thì cũng không hẳn, vì có nhiều bạn vì cần một “nghề” làm thêm trang trải cuộc sống học hành mà tự mình tìm đến với các công ty BHĐC. Minh Phương (SV năm thứ 3 Trường ĐHKHXHNV, ĐHQG Hà Nội) kể: “Em hay dùng mỹ phẩm nên làm chuyên viên kinh doanh luôn cho công ty Oriflame, giờ chuyển sang bán hàng cho Amway. Kiếm cũng được, nhưng hơi mệt một tý. Được cái mình cũng khéo mời nên được nhiều người mua”.
Không khó để nhận biết những SV – “chuyên viên” này: Đến đâu cũng thấy họ thậm thụt nhỏ to, giới thiệu hàng hóa này nọ. Trong lớp thì túm năm tụm ba bàn về điều kiện tham gia, những lợi ích khi là “thành viên chính thức”. Ra khỏi lớp thì các bạn lại say mê mời mọc bạn bè, kể cả những người vô tình họ quen trên xe bus. Vậy là các công ty “bất chiến tự nhiên thành” khi sử dụng được cả một mạng lưới SV “dụ” SV. “Với đà này, chẳng mấy chốc mà những SV y dược, báo chí, sư phạm… đều trở thành “chuyên viên kinh doanh” hết ráo trước khi trở thành các kỹ sư, bác sĩ, nhà báo tương lai” – một bạn trẻ ngao ngán vì phải “chịu trận” nhiều lời mời.
“Vỡ mộng làm giàu”
Điều kiện để được làm chuyên viên kinh doanh cấp 1 của công ty T.N.M.U, theo Trang, “cần phải mua 1 chiếc máy lọc nước với giá 4,5 triệu đồng hoặc một sản phẩm khác giá tương đương. Muốn thăng chức cao hơn, muốn lương cao hơn cần mời thật nhiều người mua hàng. Cứ mời được 3 người là được lên một cấp mới theo hình tháp tưởng tượng. Giá sản phẩm đắt khủng khiếp. Để có tiền mua máy, em phải đi vay khắp mọi người, phải ăn cơm với nước mắm suốt mấy tuần để có tiền trả bạn bè”.
Không phải bấm bụng xài máy lọc nước như Trang, nhưng ôm một đống hàng hóa của Amway mà chẳng tiêu thụ được cho mấy ai, Minh Phương cũng phải khuân cả thùng hàng về quê gạ bán cho những người thân, họ hàng, với hi vọng mọi người nể mặt mà mua giúp cho mình.
Nhiều bạn sinh viên lỡ đi vào “con đường” này rồi mới méo mặt khóc than. Minh Thu, SV Trường ĐHKHXHNV vay tiền bạn mua máy nhưng không mời bán được cho ai, ngày nào bạn bè cũng réo đòi tiền. Trang thì sau khi mời được 4 bạn mua máy, gỡ hòa vốn liền “chạy mất dép” vì cảm thấy mệt mỏi, bỏ bê học hành. Có những người còn bị mất hết các mối quan hệ bạn bè tốt đẹp vì cứ nài nỉ bạn bè mua hàng hòng được lên chức, có thêm tiền…
Biết là SV đi làm thêm để giúp đỡ bố mẹ phần nào, nhưng làm gì, làm như thế nào thì cần phải cân nhắc kỹ, kẻo “tiền mất tật mang”, học hành bê trễ….
Tố Uyên