Bàn chuyện trinh tiết, phim truyền hình gây tranh cãi

Phim truyền hình "Ode to Joy" của Trung Quốc gây tranh cãi khi đề cập đến quan niệm về chữ trinh trong xã hội hiện đại.

Bàn chuyện trinh tiết, phim truyền hình gây tranh cãi

Qiu Yingying - nữ nhân vật trong phim "Ode to Joy" vừa bật khóc vừa kể chuyện bạn trai hỏi còn trinh không sau khi nghe về cuộc tình trước đây của cô. Yingying đã từng có bạn trai trước khi quen biết Ying Qin và hẳn nhiên họ cũng có sinh hoạt tình dục.

Ngay khi tập phim trên phát sóng, một cuộc tranh luận rằng chữ trinh có còn là tài sản quý giá nhất của phụ nữ Trung Quốc hiện đại diễn ra sôi nổi.

Ban chuyen trinh tiet, phim truyen hinh gay tranh cai - Anh 1

Cảnh trong phim truyền hình gây tranh luận

Ban chuyen trinh tiet, phim truyen hinh gay tranh cai - Anh 2

"Ode to Joy" đang chiếu phần thứ 2, phim xoay quanh câu chuyện 5 người phụ nữ xinh đẹp tầng lớp khác nhau sống cùng tầng của một khu chung cư ở Thượng Hải. Nó là phiên bản của phim "Sex and the city" lừng lẫy một thời, tập trung vào sự nghiệp, tình bạn, tình yêu, những khó khăn người phụ nữ gặp phải trong một thành phố lớn.

Qiu Yingying là nhân vật nữ kiểu trẻ trung, ngây thơ, đánh giá cao mối quan hệ của cô hơn những điều khác. Trong tập phim phát sóng, cô tổ chức tiệc tối tại nhà để giới thiệu bạn trai Ying Qin với bạn bè mình. Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên khó kiểm soát khi hàng xóm của cô để lộ mối quan hệ giữa cô và bạn trai cũ. Bạn trai mới của Yingying giận dữ. Bạn cùng phòng với Yingying là Fan Shengmei đã tìm bạn trai cô khuyên nhủ và đoạn thoại được đưa ra bàn luận xoay quanh quan niệm về chữ trinh thời hiện đại.

Ying Qin nói: "Cô ta (Qiu Yingying - PV) không phủ nhận câu chuyện và cô ta cũng không thể đổ lỗi người khác vì phản ứng của họ". Fan Shengmei: "Anh không thể khoan dung với cô gái mình yêu hay sao và cô ấy cũng rất yêu anh?". Ying Qin: "Làm sao tôi có thể tin tưởng một người đánh mất lòng tự tôn của mình có trách nhiệm với tình yêu của tôi?". Fan Shengmei: "Anh cho rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều đáng hổ thẹn sao?"

Chuyện giáo dục giới tính ở Trung Quốc cũng như các nước phương Đông khác khá dè dặt. Cha mẹ cũng ít khi chia sẻ thông tin giới tính, tình dục với con cái mà đa phần chúng tự tìm hiểu. Quan niệm về chữ trinh theo truyền thống lâu nay luôn được xem trọng. Vì thế, những thông điệp trong phim truyền hình trên đang cho thấy sự thay đổi của quan niệm này trong xã hội hiện đại, những tư tưởng mới xuất hiện. Đây cũng là cửa sổ để khán giả trẻ nhất là phụ nữ trẻ hiểu về tình dục cũng như sự thay đổi trên.

Zi Yin, một trợ lý sản xuất phim, nói với BBC rằng thế kỷ 21 mà còn bàn luận về trinh tiết là lỗi thời. Ở các thành phố hiện đại, phụ nữ độc lập và tự do hơn. Vấn đề trinh tiết không làm phiền lòng phụ nữ tri thức ở thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến. Tuy nhiên, không phải ai cũng như Zi Yin, nhiều người không đồng ý mang chữ trinh ra tạo chủ đề trên phim truyền hình.

Ziye Pei, người hâm mộ phim "Ode to Joy" nói hoàn toàn hợp lý khi một người con trai đòi hỏi bạn gái của mình phải "nguyên vẹn" đúng nghĩa. Nhưng vấn đề chủ yếu, nó không phải một đòi hỏi công bằng, có qua có lại và thông thường người đàn ông chỉ yêu cầu trinh tiết từ phụ nữ mà không phải chính mình.

Một số người khác không chấp nhận những bình luận của nhân vật Ying Qin về việc phụ nữ quan hệ tình dục trước hôn nhân. Chủ đề này vẫn tiếp tục thu hút sự bàn luận trên mạng xã hội. Trong phim, bạn bè Qiu Yingying tập hợp an ủi và khuyến khích cô hy vọng về mối tình này khi Ying Qin hiểu rõ vấn đề.

Theo NLĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ