Bám đảo, bám biển

Bám đảo, bám biển

(GD&TĐ) - Hằng ngày nơi đảo xa vẫn có những con người thầm lặng lao động, góp sức mình để giữ sự bình yên và giúp người dân yên tâm bám biển, bám đảo. Trong đó có những bác sĩ từ đất liền lặn lội ra đảo để chăm sóc sức khỏe của nhân dân và có những ngư phủ gan dạ hằng ngày góp công, góp sức giữ gìn biển đảo quê hương…

Bác sĩ nơi đảo xa 

Họ sống, lao động bằng bầu nhiệt huyết và mong muốn rằng dù nơi đảo xa, cách trở nhưng bệnh nhân được đảm bảo an toàn và yên tâm vì bên họ có những thầy thuốc giỏi. Chúng tôi đã đến gặp một trong những thầy thuốc đầy nhiệt huyết, đó là bác sĩ Phạm Thành Công - Trưởng trạm Y tế xã Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang).

Bám đảo, bám biển ảnh 1
Bác sĩ Phạm Thành Công - Trưởng Trạm Y tế xã Thổ Châu (Phú Quốc) đang khám bệnh cho bệnh nhân Huỳnh Chí Công, ngụ xã Thổ Châu  

Quê ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Phạm Thành Công tình nguyện ra đảo công tác tại Phòng khám khu vực thị trấn An Thới (Phú Quốc) để đảm nhiệm khám, điều trị bệnh cho nhân dân ở đây. Năm 2009, bác sĩ Công được điều chuyển ra Trạm Y tế xã Hòn Thơm. Dù nơi đảo xa dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng bác sĩ Công vẫn bám đảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân. Đến năm 2010, bác sĩ Công được phân công làm Trưởng trạm Y tế xã Thổ Châu. Chia sẻ với chúng tôi, dù bất cứ nơi đâu, vị trí nào, bác sĩ Công cũng tâm niệm: “Phải vận dụng những gì đã học được ở trường và những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để vận dụng vào việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là những bà con nghèo…”.

Thổ Châu là xã đảo có thể nói là xa nhất, đảo cách TP Rạch Giá khoảng 205 km, cách Phú Quốc trên 100 km, hiện nay xã có trên 1.700 khẩu. Đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, dù nơi đảo xa đất liền, giao thông cách trở nhưng bệnh nhân chuyển đến trạm không có trường hợp nào tử vong. Hiện Trạm Y tế xã Thổ Châu có 2 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1 dược sĩ, 1 nữ hộ sinh… 

Chỉ tính riêng năm 2012, bác sĩ Công cùng đồng nghiệp đã khám và điều trị cho trên 2.200 lượt bệnh nhân. Riêng bác sĩ Công trực tiếp phẫu thuật thành công một ca lấy thai nhi do bất xứng đầu chậu, đã kịp thời cứu sống một ca ruột thừa hoại tử… “Khi đó, tôi nghĩ mình sẽ chết, tôi đau lắm. Con tôi định chuyển tôi ra Bệnh viẹn đa khoa Kiên Giang nhưng đường xa, 5 ngày mới có một chuyến tàu, nếu muốn đi nhanh thì phải thuê tàu cá nhưng số tiền phải trả là rất lớn... May nhờ bác sĩ Công quyết tâm điều trị, tôi mới được cứu sống…” - Bà Nguyễn Thị Vui, 62 tuổi, ngụ ấp Bãi Ngự (xã Thổ Châu), bệnh nhân đau ruột thừa hoại tử, kể lại.

Được sự quan tâm các cấp, ngành, Trạm Y tế xã Thổ Châu được đầu tư trên 7 tỷ đồng, xây mới 26 phòng, phục vụ khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu, khám phụ khoa… Đội ngũ y, bác sĩ được tập huấn làm chủ được các trang thiết bị hiện đại. Theo bác sĩ Công, năm 2013, trạm phấn đấu đạt 10 tiêu chí quốc gia về trạm y tế xã; nâng cao năng lực quản lý và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ với nhân dân; thực hiện tốt công tác khám và phòng bệnh cho nhân dân, hạn chế thấp nhất các ca tử vong...

Anh Nguyễn Văn Mọi bắt đầu cho một chuyến ra khơi
Anh Nguyễn Văn Mọi bắt đầu cho một chuyến ra khơi

Công tác tại Trạm Y tế xã Thổ Châu trên 10 năm, trong đó có 3 năm là đồng nghiệp với bác sĩ Công, nữ hộ sinh Vũ Thị Liễu cho biết: “Khi tiếp nhận công việc tại trạm, bác sĩ Công tổ chức bộ máy trạm đi vào nền nếp, tận tình hướng dẫn y, bác sĩ phương pháp điều trị mới, sử dụng trang thiết bị hiện đại. Nhiều ca bệnh phức tạp của bệnh nhân được bác sĩ Công xử lý khéo léo, bình tĩnh. Bác sĩ Công được đồng nghiệp và bà con xã yêu quý”…

Tình nguyện làm “mồi nhử” bắt cướp biển

Những chiến công thầm lặng trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc của ngư dân Nguyễn Văn Mọi, 45 tuổi, ngụ ấp Đá Chồng (xã Bãi Thơm, Phú Quốc) từ nhiều năm nay vẫn được nhiều người biết đến...

Quê miền Trung, ra Phú Quốc lập nghiệp bằng nghề ngư phủ trên 20 năm, dù nay không còn khỏe mạnh như thời trai trẻ, nhưng anh Mọi vẫn tự tin khẳng định sẽ bám biển trọn đời. Bởi theo anh, nếu biết chịu khó, chắt chiu bám biển thì vừa mang lại lợi nhuận đáng kể nuôi sống cả gia đình, đồng thời còn góp phần khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vùng biển anh Mọi có được những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió đến hôm nay là nhờ Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn ra sức bảo vệ ngư dân, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của chính anh. Anh Nguyễn Văn Mọi cho biết: Từ năm 2002 trở về trước, vùng biển Phú Quốc, nhất là vùng biển Xà Lực có một nhóm hải tặc chuyên cướp tài sản của ngư dân. Không những lấy hết cá, ghẹ của ngư dân đánh bắt được, chúng còn buộc nhiều chủ tàu phải đưa tiền chuộc. Nhiều chủ tàu bị cướp bóc, phá hoại không còn vốn đành bán tàu và giải nghệ luôn. Điển hình là ông Sáu Xuân, ngụ ấp Đá Chồng, có 2 chiếc tàu, mỗi chiếc 25 tấn, bị cướp vào các năm 1994, 1997 đành bỏ luôn nghề đánh bắt và lên bờ sinh sống. “Năm 1996, vừa đóng tàu 15 tấn, ăn tết xong tôi cùng một số ngư phủ lại ra khơi. Đánh được một mớ ghẹ là cướp biển chạy canô gắn hai máy Honda lao ra khống chế, rồi bọn chúng lôi tàu của tôi qua phía nước bạn. Phải mượn hết mấy lượng vàng đem ra chuộc, chúng mới cho tàu về…” - Anh Mọi kể.

“Từ những bức xúc trên, anh em ngư dân chúng tôi bàn nhau phải báo ngay với lực lượng biên phòng ra ứng cứu. Thậm chí có lúc tụi tôi phải quyết định liều mạng làm “mồi” để nhử cướp biển cho bộ đội biên phòng bắt” - Anh Mọi cho biết. Anh Mọi kể tiếp: “Thấu hiểu những bức xúc của ngư dân, năm 2002, lực lượng biên phòng Bãi Thơm đồng ý cử 4 chiến sĩ, trang bị vũ khí theo chúng tôi đi bắt cướp biển. Lần đó, tưởng “ngon ăn”, chúng áp sát tàu tôi chuẩn bị qua khống chế như những lần trước. Không ngờ bị các anh biên phòng kêu đầu hàng, ban đầu chúng chống cự nhưng sau đó chúng bỏ vũ khí đầu hàng. Cũng từ đó không còn cướp biển nữa…”.

“Từ năm 2002 đến nay, vùng biển lân cận đảo Phú Quốc không còn xảy ra cướp biển, đó là sự đóng góp báo tin của ngư dân, điển hình là anh Nguyễn Văn Mọi. Anh Mọi nhiều lần chủ động trong việc cùng với lực lượng biên phòng tích cực bảo vệ an ninh, trật tự trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - Thượng tá Đặng Văn Thống, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhận xét. Sau sự kiện làm mồi “nhử” bắt cướp biển, ngày 17/6/2002 anh Mọi được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Hiện nay, từ chiếc tàu 2,5 tấn đánh bắt ghẹ, hải mã và mực, anh Nguyễn Văn Mọi cùng người con rể có thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng, đủ nuôi sống cả gia đình 5 người. Ấp Đá Chồng hiện giờ đã có tổ tàu thuyền đoàn kết do ngư dân thành lập để giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn trên biển, đồng thời cung cấp thông tin cho nhau cùng đánh bắt. Tổ cũng thống nhất phân công trực ứng cứu tàu hoặc ngư dân gặp nạn do thời tiết cho lực lượng bộ đội biên phòng nơi gần nhất.

Lê Vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ