“Bám chuẩn, bám đề, bám kỹ năng”

GD&TĐ - Ngoài yêu cầu giáo viên phải có cái nhìn tổng quan cả chương trình lớp 12 và các lớp 10, 11 thì “bám chuẩn, bám đề, bám kỹ năng” đang là phương châm ôn tập của nhiều trường THPT khi tổ chức ôn tập cho Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Về lâu dài, các trường đều xác định phải đầu tư nâng cao chất lượng thực sự, đồng bộ cho cả 3 khối 10, 11, 12.

Cần xây dựng cho học sinh kỹ năng làm bài thi theo các dạng đề minh họa
Cần xây dựng cho học sinh kỹ năng làm bài thi theo các dạng đề minh họa

Bổ sung ngân hàng đề các câu hỏi của kiến thức lớp 11

Ngay sau khi phân tích kết quả của học kỳ I cùng với việc thống kê các buổi nghỉ học phụ đạo trái buổi, Trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng) đã mời phụ huynh học sinh của những em có nguy cơ rớt tốt nghiệp để bàn phương án phối hợp trong thời gian ôn tập còn lại.

Thầy Nguyễn Duy Thảo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài bàn về biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình, nhà trường cũng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của HS để có những điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn như các em đề xuất “giáo viên đừng “căng” quá, mong thầy cô dạy chậm lại và chỉ dạy những kiến thức căn bản”.

Từ đây, nhà trường cũng lưu ý thêm với giáo viên “ngoài kiến thức, kỹ năng cần thiết của bài dạy, trong quá trình dạy cần quan tâm bổ sung kiến thức cho HS yếu kém và lồng ghép việc dạy bù kiến thức hổng cho HS. GV phải gần gũi, tạo không khí thoải mái trong giờ học, khuyến khích HS bày tỏ quan điểm, lời giải của mình. Nên quan tâm, động viên các em học yếu để các em có niềm tin, phấn đấu nhiều hơn”.

Trường THPT Thanh Khê đã tổ chức cho HS đăng ký tổ hợp môn tự chọn ngay từ đầu năm học lớp 12: “Do đặc thù đầu vào của trường thấp, lại nằm ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối khó khăn, chúng tôi ưu tiên cho mục tiêu “chống liệt” và tập trung cho “mặt trận 5 điểm trở xuống” nên về cơ bản thì các lớp học được sắp xếp theo ban. Như vậy, HS sẽ được học sát với chương trình, học toàn diện nhưng sẽ không quá tải vì những môn không nằm trong khối thi của các em thì sẽ không đặt nặng quá.

HS sẽ phải hoàn thành chương trình với những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, không đặt nặng nâng cao, mở rộng với những môn không thi” – thầy Nguyễn Duy Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Với 4 tiết tự chọn, nhà trường sẽ không bố trí cho những môn mà HS không thi. “Sang đến học kỳ II, khi một số môn học đã giảm số tiết xuống, nhà trường sẽ bố trí ngày thứ 5 để tập trung cho việc ôn thi”.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng vừa mới bổ sung thêm 3.000 câu hỏi trắc nghiệm thuộc chương trình lớp 11 của các môn Vật lý, Hóa học, Toán, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân, Anh văn trên trang thông tin điện tử của ngành để giúp HS lớp 12 tự ôn tập. Trường THPT Nguyễn Hiền cũng chủ trương bổ sung vào ngân hàng đề của nhà trường những câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 11. “Trong quá trình ôn tập, GV sẽ nhắc lại những kiến thức lớp 11 để giúp HS tái hiện được kiến thức, ra những bài tập có liên quan để hướng dẫn HS tự học” – thầy Khánh cho biết.

Ưu tiên tối đa cho HS lớp 12

Từ thành công của năm 2017 trong tăng cường giáo viên là thành viên Hội đồng bộ môn của Sở để hỗ trợ chuyên môn cho một số trường THPT nằm ở địa bàn vùng khó, năm nay, Sở GD&ĐT Quảng Trị sẽ sớm tổ chức khảo sát các trường THPT ở những vùng khó khăn.

“Theo đó, ngoài việc kiểm tra, thẩm định nội dung ôn tập đã được GV các trường THPT biên soạn theo tiêu chí bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và bám sát đối tượng, đoàn sẽ dự giờ một số tiết ôn tập của GV. Tùy theo đặc thù của HS từng vùng miền, đoàn có thể kiến nghị GV thêm, bớt một số nội dung ôn tập theo hướng dạy đáp ứng đối tượng. Nếu trường nào cần tăng cường giáo viên hỗ trợ hướng dẫn thì Sở sẽ bố trí” - ông Lê Văn Tính – Trưởng phòng Phổ thông, Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, các trường phải thống nhất với cha mẹ học sinh và HS để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, hiệu quả nhưng không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe của HS; phổ biến kịp thời kế hoạch ôn tập thi THPT quốc gia năm 2018 của nhà trường đến cha mẹ HS và HS để tạo sự đồng thuận khi triển khai.

“Nếu trường nào có tổ chức ôn luyện thêm ngoài giờ, phải đảm bảo tính tự nguyện của HS và tính hiệu quả của nội dung dạy học; có biện pháp hỗ trợ đối với HS khó khăn; tuyệt đối không để xảy ra trường hợp HS có nguyện vọng nhưng không được ôn tập tại trường vì không có khả năng đóng học phí”, ông Nguyễn Đình Vĩnh nêu rõ. 

Thầy Nguyễn Duy Thảo chia sẻ: Ngoài đầu tư đội ngũ GV, chọn những GV có năng lực, có kinh nghiệm để giảng dạy lớp 12, nhà trường luôn động viên và tạo điều kiện cho HS khối 12, từ học bổng của các tổ chức đoàn thể, cá nhân cho đến quà hỗ trợ đều có sự ưu tiên nhất định cho khối 12. Ngay như phân công trực ban chào cờ đầu tuần, sang đến học kỳ II, khối 12 cũng không phải đảm nhận để các em có thời gian tập trung ôn tập. Tuy nhiên, những nỗ lực, công sức của GV chỉ có thể có hiệu quả thực sự khi HS chịu học và phụ huynh hỗ trợ cho nhà trường trong việc theo dõi, nhắc nhở HS tự học ở nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ