Bài toán cần lời giải

GD&TĐ - Thương mại điện tử (TMĐT) mà cụ thể là hình thức kinh doanh trên mạng xã hội đang trở thành phương thức kinh doanh mang lại nhiều lợi ích. Điểm tích cực của loại hình kinh doanh này chính là chi phí đầu tư thấp, không cần thuê mặt bằng nhưng vẫn có thể tạo ra nguồn thu lớn. 

Bài toán cần lời giải

Tuy nhiên, để quản lý thuế sao cho hiệu quả, cũng như để thuế không phải là tận thu mà sẽ thúc đẩy tạo ra nguồn thu lớn vẫn luôn là “bài toán” chưa có lời giải đối với các nhà quản lý, các nhà làm luật...

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Hiện nay, sự phủ sóng của Internet và điện thoại thông minh đến đông đảo người dân đã và đang tạo ra thời kỳ bùng nổ các giao dịch kinh doanh trên nền tảng trực tuyến.

Đây là loại hình kinh doanh tiện ích, chi phí đầu tư thấp, không cần thuê mặt bằng nhưng vẫn có thể tạo ra nguồn thu lớn cho đông đảo những người kinh doanh.

Thế nhưng, đây còn là hình thức kinh doanh đầy biến ảo, có thể khuất tất những khoản doanh thu không nhỏ, gây khó trong công tác quản lý Nhà nước, gây thất thu ngân sách, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng khi có không ít cá nhân, đơn vị kinh doanh trên mạng không tự giác khai báo, đăng ký và kê khai tự nộp thuế dẫn đến Nhà nước thất thu.

Theo Tổng cục Thuế, trong quá trình phát triển TMĐT ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay xuất hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế. Trong đó, việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động TMĐT hay một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh.

Chưa kể đến việc quản lý cá nhân kinh doanh trên trang mạng xã hội còn nhiều bất cập. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế.

Trong khi đó, hiện nay chưa có chế tài bắt buộc các DN phải sử dụng hoá đơn điện tử. Vì vậy, cơ quan quản lý thuế gặp không ít khó khăn trong việc quản lý kê khai.

Cũng như khó khăn trong việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế hoạt động kinh doanh TMĐT, nhất là trong nền kinh tế chia sẻ, ví dụ như loại hình kinh doanh của Uber, Grab hiện nay vẫn đang còn tranh cãi nhiều, chưa có quyết định cuối cùng về việc đây là loại hình kinh doanh gì...

Rất cần một quyết sách tối ưu

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một phần hoạt động mua bán trực tuyến không dùng tiền mặt là điều kiện cần khác đối với quản lý thu thuế TMĐT. Chừng nào tỷ lệ thanh toán khi nhận hàng còn cao thì việc thu thuế đối với mua bán trực tuyến còn chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì cũng cần khuyến khích mọi đối tượng kinh doanh có uy tín bán hàng trực tuyến sẽ góp phần tạo ra nhiều khách hàng hơn và nguồn thu từ thuế chắc chắn sẽ tăng lên.

Chính vì vậy, làm thế nào để thuế không phải là tận thu mà ngược lại – thúc đẩy tạo ra nguồn thu lớn từ kinh doanh trực tuyến là vấn đề đang cần các nhà quản lý, người làm luật đưa ra một quyết sách tối ưu nhất.

Nhằm giải quyết tình trạng thất thu thuế, khó quản lý thuế TMĐT, các chuyên gia kiến nghị cơ quan thuế cần tập trung tuyên truyền phổ biến để khuyến khích DN cũng như người nộp thuế tự giác kê khai nộp thuế thu nhập.

Đối với bán hàng trên Facebook, Zalo hay các trang mạng xã hội khác… Cục Thuế 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cũng đã bắt đầu triển khai đến hàng chục nghìn tài khoản đề nghị các chủ tài khoản đến tự kê khai nộp thuế.

Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi một số quy định của các Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế… hướng tới mục tiêu khung pháp lý để áp dụng phổ biến và phù hợp thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các mô hình thu thuế điện tử, khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử để 100% người nộp thuế tiếp cận được với các giao dịch này.

Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, ngành TMĐT Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Đặc biệt, trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ