Thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (Tân Phú, TPHCM) Với đề thi Sinh học:
Đề phân hóa cao, đảm bảo cho việc xét tốt nghiệp và xét tuyển CĐ, ĐH cho các thí sinh. Số câu dễ lấy điểm khoảng 15 câu đầu. Còn bắt đầu những câu tiếp theo các em phải giỏi tính toán, tư duy mới có thể đạt điểm tốt ở từng câu.
Ở những câu về sau khá là khó, không những giỏi ở bộ môn này mà còn phải biết cách sắp xếp thời gian mới có thể điểm khá trở lên.
Đề Sinh học cho thấy phần bài tập khá nhiều so với năm trước nên nhiều thí sinh bị áp lực mặt thời gian.
Những thí sinh trung bình sẽ chỉ đạt khoảng điểm 5, đạt điểm cao ở môn Sinh học nhất là điểm 9, 10 thì rất khó.
Thạc sĩ Vật lý Phan Thị Hải Hà, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Đề có sự phân hóa rất cao, những câu cuối (khoảng 4 câu) của nhiều mã đề mà tôi xem qua hơi khó. Điều này đòi hỏi cá em phải tư duy tốt, kiến thức bao quát và biết cách sắp xếp thời gian mới có thể đạt điểm cao.
Các câu hỏi đã được dàn trải trong chương trình học, độ khó của các mã đề cũng tương đối tương đồng. Ở những câu đầu khá là dễ, nhẹ nhàng, nắm vững kiến thức trong SGK thì điểm 5-6 là điều có thể đạt được. Nhưng để đạt điểm 7-8 lại đòi hỏi phải là những HS giỏi, khá còn sẽ rất khó để đạt điểm tối đa với đề này.
Thây Trần Đình Hương, giáo viên môn Hoá, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1)
Số câu hỏi trong đề Hóa phù hợp với thời lượng, đề thi có sự phân hoá cao, Tuy nhiên độ khó vẫn còn bị chênh giữa các mã đề. Đề thi cũng hướng theo đề minh họa Bộ cho trước đó, đều là những câu hỏi quen thuộc nên thí sinh chỉ cần chịu khó, nắm vững kiến thức là có thể làm được. Theo thầy Hương nhận định, với đề này, thí sinh có thể sẽ đạt điểm tối đa nhiều hơn năm ngoái.
Đây là năm đầu tiên các em thi theo bài thi tổ hợp nên đề ra như vậy là hợp lý, không đánh đố hay gây áp lực cho các em.
Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú:
Đề thi môn Hóa học, tôi theo dõi mã đề 208 có khoảng 24 câu đầu là khá đơn giản, đây là những câu giúp các em ghi điểm. Những câu về sau sẽ tăng dần độ khó. Có khoảng 4-5 câu cuối là độ khó cao, đây là những câu phân hóa các thí sinh. Với đề thi này vẫn có thể đạt điểm tối đa vì thời gian làm bài cũng khá là phù hợp.Tuy nhiên, Bộ có thể xem xét về độ khó giữa các mã đề, vì qua xem một số mã đề khác đối chiếu tôi thấy vẫn có sự chênh lệch đôi chút.
Nga Phan (ghi)
Nhóm giáo viên trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng gồm: cô giáo Chu Mai Hương (môn Vật lý); cô giáo Vũ Thị Hương (môn Hóa học) và cô giáo Phan Thị Tuyết (môn Sinh học) cùng đưa ra nhận xét về bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) của kỳ thi năm nay.
Bài thi KHTN gồm 3 môn thành phần là Vật lý, Hóa học, Sinh học đều là các môn khoa học thực nghiệm. Nội dung kiến thức mỗi môn đều nằm trong chương trình lớp 12.
Tuy nhiên để làm tốt đề thi này, học sinh không chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa mà còn cần phải nắm vững kiến thức thực tiễn và kỹ năng thực hành môn học, biết tổng hợp các nội dung kiến thức đã học để giải quyết các câu hỏi lý thuyết và bài tập ở mức độ vận dụng.
Đề thi hay, phân loại được năng lực của học sinh, đảm bảo được cả 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH - CĐ.
Cấu trúc đề hợp lý, sát với cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Trong đề của mỗi môn thành phần có khoảng 60% số câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu.
Đối với môn Vật lý và Hóa học, số câu ở mức độ vận dụng chiếm khoảng 30% , vừa sức với học sinh, 4 câu cuối cùng (chiếm 10%) là những câu vận dụng cao, nhưng cũng không quá khó.
Đối với môn Sinh học, số câu vận dụng cao là 10 câu (chiếm 20%) , tuy nhiên, những học sinh có năng lực tư duy tốt, chăm chỉ và rèn luyện nhiều với các đề thi thử có thể làm được đáng kể.
Điểm mới của đề thi nằm trong bài thi tổ hợp KHTN: Phong phú về dạng câu hỏi, có sự đổi mới về cách đặt vấn đề, đáp ứng sự đổi mới về kiểm tra, đánh giá theo định hướng đánh giá năng lực học sinh.
Cụ thể: môn Hóa học và Sinh học có dạng câu hỏi cho thông tin dưới dạng sử dụng hình vẽ và bảng số liệu, sơ đồ .... tạo thành bộ câu hỏi sát với thực tiễn, có tác dụng kiểm tra các kỹ năng thực hành, thực nghiệm tổng hợp, có dạng câu hỏi chọn mệnh đề, ….
Trong đề thi môn Sinh học có khá nhiều câu hỏi lý thuyết cung cấp thông tin và hỏi thí sinh các kiến thức liên quan tới thực tiễn sản xuất, (chọn giống, môi trường...), ứng dụng cao trong đời sống . Môn Vật lý có câu hỏi yêu cầu tính sai số của thí nghiệm thực hành.
Theo dự đoán của nhóm giáo viên, phổ điểm sẽ trải đều và biên độ khá rộng. Nếu tính điểm của mỗi môn thành phần theo thang điểm 10, Môn Vật lý và Hóa học sẽ có nhiều học sinh đạt điểm 6- 7, số học sinh đạt điểm 8- 10 sẽ tăng so với năm 2016.
Riêng đối với môn Sinh học: những thí sinh có học lực trung bình sẽ không khó để đạt điểm 5-6 (vì có khoảng hơn 20 câu dễ trong đề thi), những học sinh có học lực Khá mới có thể đạt điểm 7-8. Chỉ những học sinh thực sự nắm chắc kiến thức, có kỹ năng làm bài thi thành thạo và nhiều kinh nghiệm mới có thể đạt điểm 9-10.