(GD&TĐ) - Bộ Y tế cần đúc rút những kinh nghiệm trong phòng, chống SARS để áp dụng cho việc phòng, chống dịch bệnh hiện nay; Xây dựng chính sách thu hút cán bộ giỏi làm việc trong các cơ quan phòng, chống dịch bệnh... Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khuyến nghị như vậy tại lễ kỷ niệm 10 năm Việt Nam phòng chống SARS thành công sáng 25/4.
63 người mắc SARS, trong đó có 37 người là bác sĩ, y tá, cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh và 5 người đã hy sinh cuộc sống của mình cho cuộc chiến chống SARS.
45 ngày đêm kinh hoàng
Dịch SARS xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc từ cuối năm 2002 và bùng phát thành dịch vào đầu năm 2003 với nhiều trường mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng không rõ nguyên nhân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: SARS là một trong những dịch nguy hiểm mới nổi đầu tiên được ghi nhận trong thế kỷ 21 khiến cả thế giới kinh hoàng khi chỉ trong thời gian ngắn đã lây lan ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với 8.422 người mắc, trong đó đã 916 người tử vong.
Ngày 26/2/2003, một bệnh nhân mắc bệnh này từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến Bệnh viện Việt - Pháp của Việt Nam và lây bệnh cho các nhân viên y tế của bệnh viện này. PGS Võ Văn Bản, nguyên Phó GĐ Bệnh viện Việt – Pháp cho biết: Sau nửa tháng tiếp nhận bệnh nhân SARS đầu tiên, BV đã phải đóng cửa, các bác sĩ, y tá điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm SARS đều phải lưu lại bệnh viện 1,5 tháng. “Đây là thời điểm khủng hoảng với Ban giám đốc và đội ngũ cán bộ y tá của BV bởi họ phải điều trị cho bệnh nhân, đồng nghiệp lại vừa bị cách ly hoàn toàn với gia đình. Tuy nhiên, ở thời điểm sự sống và cái chết mong manh như vậy, chúng tôi ghi nhận tinh thần đoàn kết, tích cực của cán bộ y tá. Rất nhiều người sau khi khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại để chăm sóc người mới nhiễm…”, PGS Bản nhớ lại.
Đại dịch SARS vào năm 2003 để lại cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm phòng chống các dịch bệnh về sau này. Ảnh: TL |
Điều dưỡng trưởng BV Y học lâm sàng nhiệt đới (nay là BV Bệnh nhiệt đới T.Ư) Nguyễn Thị Ngọc Dung tâm sự: Khi nhận được thông báo bệnh viện sẽ là nơi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân mắc SARS, các cán bộ y tế đều có chung cảm giác lo lắng và áp lực vì đây là bệnh siêu lây, nhiều đồng nghiệp mắc và tử vong. Tuy nhiên, với bản lĩnh của mình, các cán bộ y tá của BV đều vượt qua và hạnh phúc khi hoàn thành nhiệm vụ mà không có cán bộ y tế bị lây nhiễm, không có bệnh nhân chết và được trở về với gia đình.
Theo GS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, bài học thành công của Việt Nam trong trận chiến với dịch SARS là không giấu dịch, cập nhật thông tin về dịch bệnh thường xuyên, cách phòng chống để người dân chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sau 45 ngày đối chọi với dịch bệnh (ngày 28/4), Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.
SARS và bài học kinh nghiệm để đối phó với dịch bệnh mới nổi
Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam Takeshi Kasai chia sẻ: Thành công trong việc khống chế dịch SARS là minh chứng rõ nhất về thành tựu của y học Việt Nam, là niềm tự hào của Việt Nam với cộng đồng thế giới. “Với cam kết chính trị mạnh mẽ, sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ y tế và sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã tìm ra được các biện pháp hiệu quả để khống chế nhanh, kịp thời để bảo vệ sức khỏe người dân”, ông Takeshi Kasai nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Thành công trong phòng chống dịch SARS là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của ngành Y tế nước ta, khẳng định với bạn bè thế giới rằng Việt Nam là một nước luôn có trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế, đã không ngần ngại chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như tiếp nhận sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi có nguy cơ xâm nhập vào nước ta (H7N9, H5N1), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị ngành Y tế đúc rút bài học kinh nghiệm từ dịch SARS để áp dụng cho việc phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng cần xây dựng chính sách thu hút cán bộ giỏi làm việc trong các cơ quan phòng chống dịch bệnh, bố trí đủ ngân sách cho việc phòng bệnh chủ động, tăng cường cho nghiên cứu khoa học, trạng bị các phương tiện hiện đại… để từng bước đưa nước ta thành một nước có nền y học tiên tiến nhất trong công tác phòng, chống dịch.
Minh Ngọc