Lisbon ngập nắng và yên bình. Thủ đô Bồ Đào Nha không khác gì thiên đường mùa hè. Cứ đến trưa, hầu hết cư dân lại nằm dài bên bờ nước, nheo mắt nhìn theo chân trời với một điếu thuốc, ly rượu hoặc tách cà phê trên tay.
Chỉ vài thập kỷ trước đây, Lisbon vẫn là trung tâm hoạt động ma túy bất hợp pháp khiến HIV cùng các bệnh về gan bùng phát. Năm 2001, người Bồ Đào Nha thiết lập một chương trình quản lý ma túy khiến cả thế giới kinh ngạc.
Nhờ hợp pháp hóa ma túy và đưa người nghiện ra khỏi tù để đến bác sĩ chữa bệnh, tỷ lệ tử vong do HIV ở đất nước này đã giảm rõ rệt.
Đối phó với căn bệnh
João Goulão vốn là một bác sĩ gia đình trước khi tham gia chương trình cai nghiện Bồ Đào Nha. Trong 15 năm, Goulão đã chứng kiến sự thay đổi không ngờ của quê hương.
Ông cho rằng điều mấu chốt giúp Bồ Đào Nha thoát khỏi nỗi ám ảnh ma túy chính là việc coi nghiện như một căn bệnh chứ không phải tội ác. "Tại sao lại nhốt họ vào tù trong khi họ bị ốm?
Chúng tôi hình dung mình đang chống lại một căn bệnh mạn tính. Cũng như bạn không bỏ bệnh nhân tiểu đường vào nhà lao vậy", Goulão giải thích với Medical Daily.
Cuộc chiến với ma túy của người Bồ Đào Nha gắn liền với lịch sử. Sau 50 năm dưới quyền các chế độ độc tài, vào giữa những năm 1970, cư dân nơi đây háo hức thử nghiệm những thứ từ lâu bị cấm, trong đó có ma túy.
Các nam thanh niên trở về từ Angola, Guinea và Mozambique mang theo cần sa và từ đây xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm buôn bán heroin, cocaine.
"Chúng tôi đã quá ngây thơ", Goulão nói. Đất nước vốn bế quan tỏa cảng nay đột nhiên mở rộng cửa. "Tất cả mọi người lao vào thử mà không biết hậu quả. Sử dụng ma túy và lạm dụng rượu trở nên mất kiểm soát, thậm chí được khuyến khích".
Ma túy trở thành một đại dịch khiến Bồ Đào Nha loay hoay trong khi các nước châu Âu khác đã biết cách kiểm soát. Những năm 1990, gần 1% dân số Bồ Đào Nha nghiện heroin. Giới chức nhận ra sự nguy hiểm của đại dịch và ma túy trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Goulão, cùng với các thẩm phán, bác sĩ, bác sĩ tâm thần, nhân viên xã hội được triệu tập để tìm ra giải pháp. Đến cuối năm 1998, đội ngũ chuyên gia đưa ra chiến lược đột phá: hợp pháp hóa tất cả các loại ma túy, chăm sóc phục hồi người nghiện để đưa họ tái hòa nhập với xã hội. Sau vài năm thảo luận, chương trình chính thức có hiệu lực từ năm 2001.
Thay đổi
Hợp pháp hóa ma túy không có nghĩa là để ma túy bày bán tràn lan. Cũng không phải tất cả thuốc đều được cấp phép. Một người sử dụng ma túy chỉ được giao cho bộ phận hình sự trong trường hợp bị xác định là kẻ buôn bán heroin, cocaine; còn lại được đưa đến Bộ Y tế.
Quan hệ giữa thường dân với cảnh sát cũng được cải thiện bởi theo Goulão, việc tự trình diện khi biết rõ vấn đề của mình thay vì sợ hình phạt rồi bỏ trốn sẽ giúp người nghiện được điều trị sớm nhất có thể.
Tại Bồ Đào Nha, người nghiện được coi là bệnh nhân thay vì tội phạm và được hỗ trợ bởi các nhóm chuyên gia. Ảnh:Yes Magazine. |
"Sử dụng ma túy vẫn bị cấm, nhưng bạn không bị phạt hoặc đi tù nếu chưa từng có tiền án", Goulão giải thích. Thay vào đó, người sử dụng ma túy phải đến trình diện tại một trong 18 ủy ban khắp Bồ Đào Nha nơi một nhóm gồm nhà tâm lý học, nhân viên xã hội và đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật sẽ thảo luận, đánh giá hành vi nghiện để đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Trẻ vị thành niên bị bắt gặp hút cỏ thường được cho ra về sau một cái đánh vào tay. Những em đã nghiện được cho vào trại cai nghiện hoặc các trung tâm cộng đồng, dành thời gian để phục hồi.
Nếu tái nghiện, chúng tiếp tục ra trình diện ủy ban và quay lại trại cai nghiện nếu cần thiết mà không bị trừng phạt hay truy tố.
"Về cơ bản, Bồ Đào Nha đã tìm được câu trả lời", Brendan Hughes, chuyên gia phân tích khoa học tại Trung tâm Giám sát Châu Âu về Ma túy và Nghiện Ma túy (EMCDDA) cho biết.
Tuy không thể khẳng định biện pháp của Bồ Đào Nha thành công hơn các nước khác, các nhà khoa học vẫn ghi nhận tỷ lệ nhiễm HIV và tử vong do sử dụng ma túy quá liều ở quốc gia này giảm rõ rệt.
Chữa trị vượt lên trừng phạt
Điểm nổi bật nhất trong hệ thống quản lý ma túy Bồ Đào Nha là đưa người nghiện ra khỏi sự cô lập của nhà tù để đến với vòng tay rộng mở của các bác sĩ, nhà tâm lý học, nhân viên xã hội và chuyên gia điều trị. Họ được đối xử như bệnh nhân chứ không phải tội phạm.
Trong cuộc phỏng vấn với VICE, Marc Lewis, nhà thần kinh học, giáo sư tâm lý học phát triển tại Đại học Radboud, cũng là một người từng lạm dụng opioid miêu tả nghiện là "một vấn đề xã hội gây ra nhiều hậu quả y tế tai hại". Ông bổ sung, ném một người vào tù sẽ đẩy họ đến gần với tội ác hơn.
So với trừng phạt, điều trị cho người nghiện không chỉ nhân văn mà còn ít tốn kém hơn nhiều. Ở Bồ Đào Nha, từ sau khi chương trình quản lý ma túy khởi động, chi phí xã hội đã giảm đi đáng kể. 90% quỹ chống ma túy được sử dụng cho điều trị và phòng ngừa, chỉ 10% dành cho hình phạt.
Chương trình điều trị cho người nghiện ở Bồ Đào Nha hoàn toàn được triển khai bởi Bộ Y tế. "Khi được đào tạo về y học, bạn sẽ muốn chữa lành cho người khác", Hughes nhận định. "Bạn hiểu rằng đó là một căn bệnh mạn tính, phép thuật không hề tồn tại và người nghiện cần quay lại vài lần.
Đối với luật pháp, chỉ tồn tại sự trừng phạt. Một người tái phạm cho thấy hình phạt không đủ mạnh và bạn sẽ phải trừng trị họ nghiêm khắc hơn".
Goulão không biết liệu các quốc gia khác có thể áp dụng hệ thống tương tự, song ông tin rằng Bồ Đào Nha đã đi đúng hướng. Theo thời gian, người ta sẽ thấy lợi ích của việc đặt sức khỏe lên trên bạo lực.
"Tình trạng nghiện ma túy chưa bị xóa bỏ, nhưng chúng tôi đã có những chuyển biến tích cực", vị bác sĩ chia sẻ. "Theo một cách nào đó, chúng tôi đã tạo cảm hứng cho cả châu Âu khi lấy y tế làm nền tảng".