Bài 2: Giúp học sinh tự tin vượt qua hủ tục

GD&TĐ - Để tục trộm vợ giữ được nét đẹp của nó mà không bị biến tướng thành cướp vợ với hành vi vi phạm pháp luật và dẫn đến tảo hôn cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đoàn thể. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho học sinh - đối tượng chính của phong tục này.

Bài 2: Giúp học sinh tự tin vượt qua hủ tục

Từ “trộm vợ” thành “cướp vợ”

Người Thái ở Nghệ An gọi việc chàng trai đến bắt cô gái đem về nhà mình là “trộm vợ”. Theo lý giải của những người già, xưa kia hôn nhân ở vùng cao này có nhiều quy tắc khắt khe, cha mẹ ép duyên con cái, đòi hỏi môn đăng hộ đối, thách cưới cao… khiến cho nhiều đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau.

Bởi vậy, tục trộm vợ hình thành như một biện pháp để phá bỏ những quy tắc, lề lối làm rào cản hôn nhân.

Đặc biệt, việc “trộm vợ” thường đã được sự ngầm đồng ý của cô gái để tạo điều kiện cho chàng trai “trộm” mình đi. Khi đó, nhà trai sẽ bị nhà gái “phạt vạ” nhưng khoản phạt vạ này sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với thách cưới theo phong tục.

Thế nhưng qua thời gian, từ trộm vợ, nhiều trường hợp đã bị biến thành cướp vợ ở mức độ thô bạo hơn, khi không được sự đồng tình của người con gái. Và một mỹ tục nhằm giải phóng tình yêu, đem đến tự do hôn nhân cho các đôi trai gái đã bị một số thanh niên lợi dụng biến tướng thành hủ tục.

Trong clip được đăng tải trên mạng xã hội cách đây 1 năm, cũng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, một cô gái trẻ bị một nhóm thanh niên bắt, đưa lên xe máy chở đi, mặc cho cô gái vùng vẫy, phản kháng. Rất may, nhờ sự giúp đỡ của một số người dân, cô gái đã thoát được.

Chính quyền địa phương sau đó vào cuộc xác minh. Nhưng do việc bắt giữ người trái phép không xảy ra, cũng không có đơn tố cáo từ phía cô gái, nên việc xử lý nhóm thanh niên dừng lại ở việc phạt vì hành vi gây rối trật tự công cộng.

Nhiều trường hợp trộm vợ còn dẫn đến tảo hôn, vi phạm pháp luật khi một trong 2 người chưa đủ tuổi kết hôn như trường hợp Lữ Văn B. (Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Châu Tiến Quỳ Hợp bị kỷ luật về mặt Đảng, miễn nhiễm chức danh vì trộm vợ đang là học sinh)…

Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp, Nghệ An hiện đã ban hàng nhiều văn bản về việc xử lý nạn tảo hôn, trộm vợ trên địa bàn. Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, công an, chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tục trộm vợ, về nạn tảo hôn, về những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Nâng cao nhận thức, sự tự tin cho học trò

Những biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng, quan trọng nhất cần đến sự thay đổi từ chính trong nhận thức của học sinh, thanh niên… Bởi đây chính là đối tượng chính của tục trộm vợ.

Trường THPT Quỳ Hợp 3 (Nghệ An) năm học này có 973 học sinh, trong đó chiếm tới có 92% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái và Thổ.

Những năm qua, nhà trường rất quan tâm đến giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho học sinh một cách khoa học, nghiêm túc. Trong đó chú trọng đến giáo dục nhận thức cho các em biết thế nào là tảo hôn, những hành vi nào là biến tướng, làm xấu tục trộm vợ dẫn đến vi phạm pháp luật, những hệ lụy của kết hôn sớm đến sức khỏe, tâm lý và tương lai của chính các em… Từ đó, để giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng học sinh nghỉ học, lấy chồng, lấy vợ sớm theo phong tục địa phương, mà ở Trường THPT Quỳ Hợp 3 gần như năm nào cũng xảy ra.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học lấy chồng, lấy vợ, thì điều quan trọng không kém là phải giúp các em xác định được mục tiêu học tập, mục đích cho tương lai.

Nếu chỉ dạy học, mà các em không xác định được giữa đi học và không đi học khác nhau như thế nào, thì không thể giải quyết được sâu xa, tận gốc tình trạng học sinh bỏ học.

“Thực tế, nhiều học sinh hiện nay không biết học để làm gì, sau này đi đâu, hay học xong cũng ở nhà đi rẫy giống bố mẹ mình ngày xưa. Bởi vậy, chúng tôi ngoài việc tập trung dạy – học, trang bị kiến thức cho các em, thì còn chú trọng vào phân luồng, định hướng nghề nghiệp. Nếu những em nào có nhu cầu học lên cao, vào ĐH thì tập trung bồi dưỡng, nâng cao kiến thức. Những em không có nhu cầu học lên bậc cao hơn, thì hướng các em đi học nghề”, thầy Đạt cho biết.

Hiện Trường THPT Quỳ Hợp 3 cũng đang phối hợp với Trường CĐ Thương mại – Du lịch Nghệ An và Trường Trung cấp nghề miền Tây để dạy nghề, cấp chứng chỉ tại trường với các nghề: Nấu ăn, nghiệp vụ nhà hàng, điện, thú y, trồng rừng, bảo vệ thực vật…

Đây đều là những nghề phù hợp, thiết thực với học sinh vùng cao, nếu như sau THPT các em không học lên nữa, thì các em cũng đã có một nghề trong tay để đi làm, kiếm tiền. Bên cạnh đó, trường cũng kết nối với một số công ty tư vấn du học uy tín, có giấy phép hợp lệ dạy ngoại ngữ cho học sinh có nhu cầu du học…

Từ những hoạt động trên, chất lượng học sinh của trường đã có những chuyển biến tích cực. Quan trọng nhất, là nâng cao sự tự tin cho học sinh, tạo động lực, mục tiêu vào sự học, quyết tâm theo đuổi ước mơ trong tương lai của mình.

Và minh chứng rõ ràng nhất cho sự thay đổi này trong học sinh chính là việc năm học này là năm đầu tiên sau khi ra Tết, trường không có học sinh nào nghỉ học lấy vợ, lấy chồng.

Ngoài em Hà Thị Hồng T. 2 lần chống lại tục trộm vợ, thì còn có 2 nữ sinh khác cũng bị “trộm”. Nhưng bản thân các em, cùng với nhà trường và chính quyền địa phương đã thuyết phục được hai gia đình hoãn đám cưới và đồng ý cho các em tiếp tục học cho đến khi hoàn thành chương trình phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ