Bài 2: Bí ẩn sự biến mất của tài liệu dự án

GD&TĐ - Nhằm thay đổi bộ mặt đô thị tại thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng, cách đây hơn 10 năm UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị phía Tây Quốc lộ 10 với quy mô hơn 37,6 ha. Dự án này có dấu hiệu làm thất thoát ngân sách Nhà nước khi chủ đầu tư được giao đất không thông qua đấu giá.

Bên trong dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị phía Tây Quốc lộ 10
Bên trong dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị phía Tây Quốc lộ 10

Mất tài liệu dự án?

Năm 2007, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 2791/QĐ-UBND phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị phía Tây Quốc lộ 10 với hơn 37,6 ha, thuộc thị trấn Đông Hưng và xã Đông Hợp. Trong đó, có khoảng 172.000 m2 là đất ở (hơn 800 lô nhà liền kề), hơn 155.000 m2 là đất hạ tầng kỹ thuật, còn lại là đất trung tâm hành chính, trung tâm công cộng. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 308,616 tỷ đồng, phục vụ cho 6.600 người ở. Dự án này là để thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và quy hoạch tổng thể huyện Đông Hưng.

Theo quan sát, vị trí dự án là khu “đất vàng” nằm đối diện cổng trụ sở UBND huyện Đông Hưng. Hạ tầng khu này đã được xây dựng, nhưng nhiều vị trí còn nham nhở. Bên trong dự án có nhiều công trình nhà chia lô được hoàn thành. Các lô đất ở đây được rao bán hàng tỷ đồng/lô.

Quá trình triển khai dự án liên tục chậm trễ, kéo dài do thiếu vốn, gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng do người dân quyết liệt phản đối và do cả những sai phạm tại dự án này. Có những hộ dân bị thu hồi hàng nghìn m2 đất ruộng cho dự án, trong khi chưa đồng thuận với phương án bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng nhưng đã bị đơn vị thi công vào san lấp và đắp thành đường đi. Những vấn đề này đã gây bức xúc trong người dân địa phương.

Trong giai đoạn đầu của dự án, UBND huyện Đông Hưng được giao làm chủ đầu tư. Nhưng do thiếu vốn, UBND huyện Đông Hưng đã ký các hợp đồng vay vốn với nhà thầu thi công. Số tiền đã huy động lên tới 50,33 tỷ đồng, tương ứng với diện tích 40.762 m2 đất mà UBND huyện Đông Hưng phải trả cho nhà thầu: Licogi số 2, Công ty Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát.

Làm việc với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Minh Báu - Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Đông Hưng phân bua: Những cán bộ liên quan đến dự án này đã nghỉ hưu hết, hiện tài liệu không biết nằm ở đâu, thế hệ lãnh đạo mới của UBND huyện cũng không nắm được. Theo ông Báu thì ngay cả Ban Quản lý dự án này của huyện cũng đã giải thể. “Hiện số tiền 50,33 tỷ đồng được sử dụng như thế nào, quyết toán ra sao chúng tôi cũng không nắm được”, ông Nguyễn Minh Báu nói.

Giao đất không qua đấu giá

Đất phân lô được rao bán
 Đất phân lô được rao bán

Điều 62, Nghị định 181/2004-NĐ-CP quy định rõ về việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất được sử dụng để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Hàng năm, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập và trình HĐND cùng cấp thông qua danh mục các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được sử dụng quỹ đất để tạo vốn và diện tích khu đất được sử dụng để tạo vốn thực hiện các dự án.

Hơn nữa, tại điểm C, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai 2003 cũng quy định rõ: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất trong trường hợp: Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Luật, nghị định quy định chặt chẽ như vậy để đảm bảo tránh thất thoát tài sản của Nhà nước, tuy nhiên, theo điều tra của Báo GD&TĐ, UBND tỉnh Thái Bình đã bỏ qua quy định này.

Cụ thể, sau một thời gian “nằm im”, bất ngờ đến ngày 6/5/2016, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 1072/QĐ-UBND giao cho liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần sản xuất nhập khẩu Phú Hưng và Công ty Cổ phần kinh doanh xuất nhập khẩu Lam Sơn Thái Bình 248.358,4m2 đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị phía Tây Quốc lộ 10.

Quyết định số 1072 nêu rõ, sau khi hoàn thành xây dựng, liên danh nhà thầu có trách nhiệm bàn giao cho UBND huyện quản lý 36.510,8m2, tương đương 322 lô đất ở để giao cho các nhà đầu tư góp vốn trước đây, gồm Công ty ĐTXNK Thăng Long, Licogi số 2, Công ty Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát. UBND huyện có trách nhiệm lập phương án trình UBND tỉnh giao đất cho các nhà đầu tư góp vốn.

Việc giao đất không qua đấu giá đất này được Thanh tra Chính phủ xác định là vi phạm Nghị định 81 và Luật Đất đai năm 2003 như đã nói ở trên. Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải tiếp tục kiểm tra, làm rõ việc quản lý, sử dụng số tiền 50,33 tỉ đồng của UBND huyện Đông Hưng nhận từ các công ty góp vốn và nhà thầu thi công liên quan đến quá trình thực hiện dự án.

Trách nhiệm này thuộc Sở TN&MT, Sở Tài chính, UBND huyện Đông Hưng, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Thái Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ