Bài 1 - Những câu chuyện đẫm nước mắt: Khát vọng làm mẹ

GD&TĐ - Với bất kỳ người phụ nữ nào khi lập gia đình, có con luôn là khát vọng cháy bỏng nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng cảm giác viên mãn, hạnh phúc với điều tưởng như bình thường ấy.   

Tư vấn sức khỏe sinh sản nam tại ViCare. (Ảnh nguồn ViCare)
Tư vấn sức khỏe sinh sản nam tại ViCare. (Ảnh nguồn ViCare)

Ở Khoa Hiếm muộn, Khoa Chăm sóc trước sinh của Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, chúng tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện đẫm nước mắt…

9 năm tìm kiếm mụn con

Mỗi ngày tại Khoa Hiếm muộn, Khoa Chăm sóc trước sinh của Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận không dưới 500 ca tư vấn, điều trị và cả xử lý tổn thương thai nhi. Trong đó, người ngoại tỉnh chiếm phần đông.

Cá biệt có những trường hợp đến đây không biết bao nhiêu lần, với thời gian kéo dài cả chục năm, chỉ với mong muốn kiếm một mụn con để thoát khỏi miệng lưỡi cay độc của người đời rằng “cây độc không trái, gái độc không con”.

Lấy nhau từ lúc cả hai không còn trẻ, anh Trần Hoàng Quân và chị Nguyễn Văn Phụng (Tiền Giang) cũng như bao cặp vợ chồng khác đều rất mong chờ đón nhận tin vui và nghe tiếng khóc của đứa con đầu lòng.

Nhưng 2 năm sau ngày cưới, nỗi mong chờ ấy chuyển thành thất vọng khi vợ anh được bác sĩ xác định hiếm muộn do rối loạn nội tiết tố, muốn có con phải điều trị và thụ tinh nhân tạo.

Khát vọng có con thôi thúc cả hai vợ chồng anh Quân bước vào hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Năm năm ròng rã đeo đuổi khát khao là chừng ấy thời gian anh và vợ chìm trong sự tuyệt vọng, 5 lần thực hiện biện pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), 1 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nhưng đều thất bại khiến cho cả hai nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

“Nhiều lúc về nhà thấy vợ u buồn, ánh mắt tuyệt vọng, tôi vô cùng đau đớn. Tôi tìm tòi mọi phương pháp, đi thăm khám mọi nơi rồi lại động viên vợ cố gắng.

Đến năm thứ 6 vợ chồng tôi mới đón nhận được tin vui khi bác sĩ thông báo vợ đã có bầu. Nhưng cuộc đời hạnh phúc và đớn đau đôi lúc chỉ cách nhau trong nháy mắt, mang thai được 2 tháng vợ tôi bị sảy thai dù chỉ ở nhà không đi làm. Bác sĩ bảo do vợ tôi quá lo lắng, căng thẳng nên không giữ được”, anh Quân chia sẻ.

Đau đớn và tuyệt vọng nhưng với suy nghĩ vợ mình đã có thể đậu thai thì cơ hội có con của hai vợ chồng vẫn còn. Sau hơn một năm sốc lại tinh thần cho vợ, cũng như đưa vợ đi du lịch khắp nơi, thăm các nơi nuôi trẻ em mồ côi để vợ không còn quá đau đớn, hai vợ chồng anh Quân quay lại bệnh viện tìm kiếm cơ hội thêm một lần nữa. Và thật may mắn, ngay lần đầu tiên điều trị trong khoảng thời gian 3 tháng, vợ anh đã có tin vui.

“Vợ tôi đã mang thai ở tháng thứ 5 rồi, bác sĩ nói nguy cơ sảy thai sẽ không cao như trước 3 tháng thai kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, do xét nghiệm máu trước sinh vợ tôi có chút vấn đề về chỉ số dị tật thai cao nên hai tháng nay vợ chồng tôi quay lại bệnh viện làm các xét nghiệm.

Vợ tôi cũng đang lo lắm, nhưng tôi xác định rồi, con cái là trời cho, khó khăn lắm mới có được một đứa con, dù con có thế nào thì hai vợ chồng tôi cũng chấp nhận. Hai lần trước bác sĩ bảo không nên quá lo lắng vì chỉ số vẫn ở ngưỡng tốt”, anh Quân cho biết.

Không cặp vợ chồng hiếm muộn, lớn tuổi nào mong muốn phải đối mặt với việc thực hiện xét nghiệm di truyền học bất thường thai nhi Ảnh: Anh Tú.
Không cặp vợ chồng hiếm muộn, lớn tuổi nào mong muốn phải đối mặt với việc thực hiện xét nghiệm di truyền học bất thường thai nhi Ảnh: Anh Tú.

Vượt lên nghịch cảnh số phận

Không ròng rã đợi chờ, tìm kiếm niềm hạnh phúc như vợ chồng anh Quân chị Phụng, câu chuyện của anh T.T.L và chị L.H.T.M quê Đồng Tháp để lại cho người nghe nhiều dư vị đắng chát hơn nhiều.

Kết hôn khi cả hai mới 27 tuổi, một năm sau anh chị đón nhận niềm hạnh phúc tột cùng bằng sự chào đời của cậu con trai. Hạnh phúc và sự bình yên cứ thế trôi đi đến khi cậu con trai ngày ấy bước chân vào cấp 2. Một ngày định mệnh, số phận đã cướp đi đứa con duy nhất của anh chị khi cháu tắm sông cùng các bạn và đuối nước.

Quá sốc trước sự ra đi đột ngột của đứa con trai thân yêu, vợ anh L rơi vào trạng thái trầm cảm suốt 3 năm trời. Vừa chữa trị cho vợ, vừa mong nhớ về con, gia đình anh L khuyên anh nên kiếm thêm một cháu nữa cho có người bầu bạn lúc về già, một phần cũng là để giúp vợ anh nguôi ngoai nỗi đau.

“Quyết định có con khi vợ tôi bước vào tuổi 42 là quyết định rất khó khăn vì đối diện nhiều rủi ro thai nhi dị tật. Nhưng thật lòng tôi cũng sợ cảnh về già chỉ có hai vợ chồng lủi thủi bên nhau nên hai vợ chồng cùng quyết tâm” - anh L cho biết.

Chị M có thai ở đúng thời điểm bệnh trầm cảm vừa chữa trị hết, cộng thêm việc tuổi của hai vợ chồng đã khá lớn nên đối diện với không ít nguy cơ dị tật thai. Mang thai đến tuần thứ 16 chị được xác định thai đối diện nguy cơ dị tật cao (bệnh Down) nên buộc phải chọc ối, xét nghiệm.

Nhìn khuôn mặt đầy khắc khổ, ánh mắt vô hồn của người phụ nữ phải trải qua hai biến cố lớn của cuộc đời trước cánh cửa “phòng thủ thuật” của Bệnh viện Từ Dũ, không ai không thấy đau xót.

Theo BS Nguyễn Điền - Bệnh viện Từ Dũ, việc người phụ nữ có thai khi lớn tuổi đối diện với rất nhiều nguy cơ. Họ không chỉ không đảm bảo sức khỏe, sinh nở, mà thai nhi cũng dễ đối mặt với nhiều nguy cơ dị tật. Độ tuổi để người phụ nữ sinh đẻ phù hợp nhất là từ 22 - 32, sau tuổi 34 là đã đối diện tiềm ẩn rủi ro chứ không cứ phải là gen di truyền.

Những nghịch cảnh số phận chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến trong những ngày có mặt ở Khoa Hiếm muộn, Khoa Chăm sóc trước sinh của Bệnh viện Từ Dũ cho thấy, khát vọng cùng mong muốn chức phận được làm mẹ của người phụ nữ thiêng liêng đến nhường nào.

Khát khao ấy đôi lúc phải kiếm tìm trong tuyệt vọng, phải “chắp vá” lại do định mệnh nghiệt ngã của cuộc sống. Nhưng vượt lên trên tất cả những đớn đau, khổ hạnh, điều khiến những người phụ nữ ở đây hạnh phúc chính là được nghe hai tiếng mẹ ơi, được thấy con mình sinh ra mạnh khỏe và an lành. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ