Vung bạc triệu, nhận lộc bạc cắc
Theo dân gian, nghi thức hầu đồng gồm một chuỗi lễ tiết và do những người được “nhà Thánh chọn” để làm các công việc lễ bái, kính thỉnh các đấng thần linh thờ trong điện Mẫu.
Đây là một hình thức sinh hoạt tâm linh thuộc về văn hóa dân gian có từ lâu đời, có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của họ dưới hình thức nhập hồn và hát văn.
Đồng thời, thông qua hình thức này, người trần mắt thịt còn có thể “giao lưu” với “thần thánh”. Tuy nhiên, ngày nay, cái ý nghĩa thiêng liêng đó đã bị phá vỡ, không còn là hoạt động văn hóa tâm linh nữa mà đã trở thành trò mê tín dị đoan, hình thức kiếm tiền đúng nghĩa của các “Thánh”.
Cô N.T.C người dẫn tôi đến phủ cô Nam (quận Thủ Đức, TPHCM) vốn là dân kinh doanh bất động sản nên khá mê tín. Mấy năm nay, cứ độ gần rằm tháng Giêng, cô C lại tìm đến phủ cô Nam để “hầu”.
Bởi theo như lời cô, Phủ này không chỉ “thiêng” mà còn rất đắc lộc. “Đất đai, nhà cửa, xe cộ của cô là do thầy giúp cả đấy” - Cô C nói nhỏ.
Vốn không phải fan cuồng của Thánh mẫu, nhưng đây không phải lần đầu tôi đi xem hầu đồng. Tuy vậy, cái phủ hầu đồng của cô Nam đã khiến tôi rất ngạc nhiên.
Khác với sự mường tượng về độ bề thế và uy nghiêm nơi phủ thờ thì nơi cô Nam gọi đó là phủ đó gần như chỉ là căn phòng thờ ven con rạch đen ngòm, rộng chưa đến 20m2.
Căn phòng được trải những tấm chiếu mang đậm dấu ấn của thời gian, đến độ có lẽ chỉ cần rũ một cái sẽ văng thành 2 – 3 mảnh. Trên những tấm chiếu ấy, người ngồi la liệt, trông mặt ai cũng đầy vẻ đăm chiêu.
Là người hầu chính thứ hai nên chẳng đợi lâu cô C và tôi đã được sắp xếp một chỗ giữa chính điện để chuẩn bị hầu Thánh. Chẳng phải rào đón trước sau, cô C nói:
"Đây là thắng cháu con. Bố nó mất đã lâu nhưng sao nó vẫn làm ăn chật vật quá. Năm nay cả con và nó đều có sao xấu chiếu mệnh nên dẫn nó qua hầu Thánh, châm tuần hương lấy lộc".
Sau cái cười mỉm và gật đầu từ cô Nam bó hương to được châm, khói bay mùi mịt, thơm nức, ngột ngạt khắp căn phòng. Vừa mới châm hương xong, tôi còn chưa biết phải làm gì tiếp theo thì hàng chục “đệ tử” xung quanh đã vội khấn vái lầm rầm, nhạc chầu văn từ hai thợ hát cũng bắt đầu nổi lên khiến tôi ù hết cả tai cũng chẳng hiểu nổi nội dung.
Tiếp theo tới phần viết sớ và đặt lễ. cô C làm thủ tục đặt lễ cho cả phần của tôi. Chẳng biết cụ thể số tiền cô C đặt lễ là bao nhiêu, nhưng nhìn vào xấp tiền 200 ngàn đồng được đặt lên khay, tôi ước cũng phải đến 5 triệu đồng.
Sau phần sớ là màn nhập đồng được chờ đợi. Mâm lễ được các đệ tử của thầy chuyển lên với đầy đủ hoa quả, rượu, bánh… và tất nhiên là cả tiền mặt.Quan sát tội nhận thấy, lúc này mới là lúc để gần trăm đệ tử đang ngồi hầu thể hiện sự thành tâm. Cúng càng nhiều, lộc về càng ê hề.
Vì thế các mâm lễ mâm lễ có toàn các tờ tiền mệnh giá cao 100 – 500 ngàn đồng. Khi thấy các mâm lễ càng nhiều, thầy (cô Nam) lại như được tiếp thêm sức lực, lên đồng càng hăng.
Thầy thì quay cuồng nhảy múa theo 36 giá, trò thì phụ họa đàn ca, các gia chủ thi nhau rút tiền dâng lễ. Các làn điệu từ ca trù đến quan họ, chầu văn, chèo đều được thầy mang ra biểu diễn và đến lúc thầy đuối sức thì chỉ hoa tay, múa chân theo nhạc…
Cô C giải thích, theo quan niệm mỗi người vào mỗi năm đều có một ngôi sao chiếu mệnh, với 9 ngôi sao (tốt, trung bình, xấu) luân phiên nhau chiếu vào chủ mạng. Cũng chính vì thế, việc sắm lễ giải hạn đầu năm đã trở thành một việc bắt buộc đối với người "làm ăn".
Tuy nhiên, nếu như những người dân bình thường hay dâng sao giải hạn tại các đình, chùa, thì một bộ phận dân làm ăn lớn lại đến các phủ như của cô Nam hầu Thánh.
Chẳng biết Thánh có linh thiêng phù trợ và giải hạn cho tôi, chỉ biết là tôi phải ngồi trân mình chịu trận trong làn khói nhang, đèn, mùi mồ hơi người đặc quánh hàng tiếng đồng hồ để hầu.
Mua thần, bán thánh
Sau hàng tiếng hầu Thánh thông qua các điệu chầu văn, chèo, chiếu hầu chỉ thật sự xôm tụ và ồn ào hơn khi cô Nam “ban lộc” cho đám đệ tử.
Không gian phủ chật hẹp, ngột ngạt nhưng mọi người vẫn chen nhau xúm lại, càng gần cô càng tốt. Sau 1 vòng lầm rầm, các tờ tiền có mệnh giá từ 2.000 - 10.000 đồng chẳng biết cô lấy ở đâu ra nhanh chóng được ban hết cho đệ tử.
Cứ thế, sau một giá hầu, lâu lâu cô Nam lại cầm một xấp tiền mệnh giá 2.000 hoặc 10.000 đồng vung khắp phủ cho các đệ tử hầu Thánh thụ lộc. Mọi người xúm xít nhặt càng nhiều để cho có thật nhiều lộc.
Còn những tờ tiền mệnh giá cao đệ tử dâng cô giữ lại cả, gọi là để "trấn phủ". Đám đệ tử vừa bỏ từ vài trăm đến chục triệu vào lễ, giờ được ban lại chưa được 100 ngàn đồng nhưng mặt mũi ai nấy rất mãn nguyện.
Ngồi hầu đến giá thứ 12 (khoảng 3 tiếng) thì tôi bắt đầu đuối, xin được lui ra phía sau…Lúc này mới có không gian để thở và bắt chuyện với những người bên cạnh về cô Nam. Hóa ra trước khi có “vía” để hầu Thánh cô Nam làm nghề giúp việc theo tiếng với thu nhập mỗi tháng trên 5 triệu đồng.
Từ ngày đi hầu Phủ, nhang đèn cho Thánh tại các tỉnh phía Bắc cô Nam nhận thấy mình cũng có vía để trở thành người… của bề trên (tức thanh đồng).
Vì vậy, sau 2 năm ngược xuôi Bắc - Nam để thỉnh đủ các mẫu và tướng trấn yểm cho phủ thờ, cô Nam đã xin chủ nơi cô trọ ( có 30 phòng) cho mình xin một phòng sát mé rạch để lập phủ cúng cho gia chủ và độ xá thiên hạ.
Từ ngày lập được cái phủ từ cái phòng trọ cải tạo lại trên gốc một cây sung lớn ven sông, chẳng hiểu tiếng lành đồn xa thế nào mà phủ thờ của cô Nam mỗi lúc một đông.
Cũng từ đó, cô Nam phất nhanh như diều gặp gió, vận đổi không ngờ, từ thân phận ở thuê cô không những mua được nhà, mà còn tậu được đất ngay gần phủ chỉ sau 5 năm.
Ngồi quan sát và giật mình nhớ lại bảng sớ kê cụ thể số tiền những đệ tử đóng góp nhiều cho phủ trong buổi hầu đồng dán hai bên tường, tôi không khỏi giật mình.
Số tiền theo hai cái sớ mà cô Nam ghi để Thánh chứng giám tôi nhẩm không dưới 140 triệu đồng, người ít thì 200.000 đồng, người nhiều thì 2 - 5 triệu, thậm chí có người hầu đến 10 triệu đồng.
Trong khi đó, chi phí cho một buổi hầu Thánh mà cô Nam phải bỏ ra có lẽ không đến 1/10 con số ấy. Điều đó cũng lý giải một phần vì sao chỉ sau 5 năm phù Thánh, từ một người giúp việc theo giờ tại Sài Gòn với đồng lương khiêm tốn, cô Nam lại có thể tậu đất, mua nhà nhanh đến thế nếu không phải tiền từ việc “mua thần, bán thánh”, trục lợi từ niềm tin và sự mê muội của nhiều người.
Chuyện kiếm tiền triệu, thậm chí chục triệu trên chiếu đồng là chuyện bình thường. Anh Bùi Văn Thưởng – Người hát chầu văn cho cô Nam - nói:
Chiếu đồng này còn thấp ấy, nhiều chiếu đồng tôi theo có khi tiền đệ tử dâng đến hàng trăm triệu. Với một chiếu đồng trên 100 triệu như thế này thì trừ hết chi phí (mua đồ cúng, nhang đèn, tiền phát đệ tử thụ lộc) chánh phủ bỏ túi không dưới 100 triệu đồng.
Hầu đồng chủ yếu mạnh ở phía Bắc, nhưng vài năm trở lại đây tín ngưỡng hầu Thánh Mẫu Nam tiến cũng khá nhiều, riêng khu vực Thủ Đức và quận 9 này đã có tới 6 phủ hầu Thánh rồi đấy, nhờ vậy mà những người theo nghề hát văn như tôi cũng dễ sống.
Việc lợi dụng văn hóa hầu đồng để trục lợi là điều không mới. Nhưng vì sao nó vẫn được mọi người chấp nhận. Lý giải về hiện tượng bất thường này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam) cho rằng: Đó là chuyện hết sức bình thường khi người ta đã có niềm tin.
Ông phân tích: Hầu đồng vốn có bản chất là một tín ngưỡng dân gian với phương thức trao gửi vật phẩm để cầu tài cầu lộc. Lẽ thường, càng sắm sanh đồ lễ lớn bao nhiêu thì niềm tin tín ngưỡng càng được thỏa mãn bấy nhiêu.
Trong xã hội hiện nay, với gia tài kếch xù trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỉ của ai đó thì chuyện tốn một vài trăm triệu cho mỗi buổi hầu đồng hàng năm cũng không có gì làm lạ. Đó là một niềm tin hồn nhiên trong cuộc trao gửi, cầu xin - đón nhận tưởng tượng của con người.