Bắc Giang: Vườn cây ăn quả của người dân bị phá hủy toàn bộ

Bắc Giang: Vườn cây ăn quả của người dân bị phá hủy toàn bộ

Hàng trăm cây ăn quả bị phá hủy toàn bộ

Trong đơn kêu cứu gửi Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Bá Văn (có địa chỉ tại thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Ông được hai cậu là Nghiêm Văn Đăng và Nghiêm Văn Ngọt ủy quyền trông coi thửa ao Dinh tại thôn Xuân Biều. Đồng thời, giám sát việc thuê ông Nguyễn Văn Huê trồng và chăm sóc 700 cây chuối, 80 cây bưởi tại khu vườn từ năm 2017”.

Tuy nhiên, ngày 13/3/2020, ông Nguyễn Văn Lâm, Ngô Đình Sỹ, Nguyễn Quốc Thịnh, Nguyễn Tiến Mạnh (cùng trú tại thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm) – là những người đang có tranh chấp quyền sử dụng ao Dinh với ông Ngọt và ông Đăng, đã thuê hàng chục người cùng máy múc phá hủy toàn bộ số cây mà ông Văn đang quản lý và trông nom giúp các cậu.

Khi sự việc xảy ra, ông Văn và ông Huê có trình báo với UBND, Công an xã Xuân Cẩm. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 13/3/2020, ông Nguyễn Minh Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm cùng lực lượng Công an xã đã đến lập biên bản sự việc.

Theo biên bản làm việc của UBND xã Xuân Cẩm, thời điểm xã có mặt tại thửa đất ao Dinh, có 1 máy múc do anh Nguyễn Văn Nam (SN 1987, quê ở Thái Nguyên) lái thuê cho các ông: Lâm, Mạnh, Sỹ, Thịnh. Anh Nam đang dùng máy múc xới, cuốc số cây chuối và cây cam, cây bưởi trên đất. “Thời điểm chúng tôi đến chỉ còn 3 khóm chuối, 2 cây bưởi nhưng anh Nam đã gạt nốt. Số cây chuối và cây bưởi trước đó có trên đất, chúng tôi không xác định được” – biên bản làm việc của UBND xã Xuân Cẩm nêu.

Liên quan đến sự việc nêu trên, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Ngô Khắc Tình – Chủ tịch UBND Xuân Cẩm cho biết: “Khi ông Văn ra gửi đơn trình báo, tôi có chỉ đạo Phó Chủ tịch xã Nguyễn Minh Phương và Công an xã phải vào ngay”. Tuy nhiên, theo ông Văn, mãi đến khi vườn chuối của gia đình ông bị phá gần hết, chính quyền xã mới có mặt.

Nói về sự việc này, ông Tình cho rằng: “Khu đất này đang tranh chấp, nhưng quan điểm của tôi là đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc và phải làm nghiêm, vì đây là việc phá hoại tài sản riêng của công dân. Khi họ phá hoại là xã đã điều cả một lực lượng vào. Nhưng lực lượng Công an xã mỏng nên không ngăn cản được, vì họ thuê cả “đầu gấu” rất đông, mấy chục người. Chính quyền xã vào can thiệp nhưng họ không dừng lại nên tôi cũng bảo anh Văn ghi hình lại sự việc”.

Có hay không việc thay chính quyền cưỡng chế

Bắc Giang: Vườn cây ăn quả của người dân bị phá hủy toàn bộ ảnh 1
Máy múc đang phá hủy vườn chuối tại khu ao Dinh của ông Ngọt và ông Nghiêm thuê ông Huê trồng và chăm sóc vào ngày 13/3/2020.

Sau 3 ngày sự việc xảy ra, ngày 16/3/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hiệp Hòa đã có thông báo gửi ông Huê và ông Văn trả lời về sự việc nêu trên. Theo đó, quá trình xác minh, Cơ quan CSĐT xác định: Năm 1992, Hợp tác xã thôn Xuân Biều chuyển nhượng quyền sử dụng lâu dài khu đất ao Dinh cho ông Lâm. Sau đó, ông Lâm chuyển nhượng cho ông Mạnh, Sỹ, Thịnh, mỗi người một phần để bốn người cùng sử dụng, thả cá.

Năm 2017, các ông Đăng, Ngọt, Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Văn Tình đã tự ý thuê máy múc đất khu ao Dinh với lý do ao Dinh là đất ông cha để lại, đã hết thời hạn giao thầu cho ông Lâm nên ông Lâm phải trả lại. Giữa hai bên đã xảy ra tranh chấp, UBND xã Xuân Cẩm đã tiến hành hòa giải nhưng không thành nên đã ra quyết định đình chỉ việc san gạt mặt bằng khu ao Dinh. Đồng thời, yêu cầu hai bên giữ nguyên hiện trạng.

Sau đó, ông Lâm làm đơn đề nghị TAND huyện Hiệp Hòa giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất ao Dinh. Tháng 2/2020, ông Lâm rút đơn, TAND huyện Hiệp Hòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Tuy nhiên, trong thời gian tòa án thụ lý đơn của ông Lâm và UBND xã Xuân Cẩm đã ra quyết định đình chỉ việc san gạt mặt bằng khu đất ao Dinh thì ông Huê đã tự ý trồng cây chuối, cây bưởi trên phần đất này với lý do ông Đăng đưa tiền nhờ Huê mua cây để trồng và trông hộ.

Như vậy, thời điểm ông Huê được ông Đăng nhờ trồng cây trên đất ao Dinh thì khu ao Dinh đang xảy ra tranh chấp giữa ông Lâm và ông Đăng, ông Ngọt, đang được tòa án thụ lý giải quyết. Do chưa xác định rõ chủ sở hữu của khu đất ao Dinh, việc ông Huê tự ý trồng cây trên khu đất ao Dinh là không hợp pháp.

Do vậy, Cơ quan CSĐT huyện Hiệp Hòa cho rằng, việc ông Lâm thuê máy múc phá cây chuối, cây bưởi do ông Huê trồng trong thời điểm xảy ra tranh chấp, chưa được xác định rõ chủ sở hữu của ai, nên không có dấu hiệu tội phạm hình sự. Căn cứ Điều 260 Bộ luật Dân sự năm 2005, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hiệp Hòa đề nghị ông Huê, ông Văn gửi đơn đến TAND huyện Hiệp Hòa để yêu cầu ông Lâm bồi thường thiệt hại.

Để làm rõ hơn sự việc, Báo GD&TĐ đã có buổi trao đổi với Thượng tá Thân Văn Lợi – Phó Trưởng Công an huyện Hiệp Hòa. Tuy nhiên, Thượng tá Lợi cho rằng, vụ việc nêu trên Công an huyện Hiệp Hòa đã có thông báo trả lời người dân và tài liệu sẽ chuyển sang tòa án nên không thể cung cấp thông tin và tài liệu cho báo chí.

Do không đồng ý với nội dung trả lời của Công an huyện Hiệp Hòa, ông Huê đã gửi đơn đến Công an tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, Công an tỉnh Bắc Giang trả lời: “Đã chuyển đơn của ông Huê đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Hiệp Hòa để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Việc Công an huyện Hiệp Hòa xác định không có dấu hiệu hình sự về hành vi hủy hoại tài sản như vậy đã đúng. Bởi, việc người dân sai khi trồng cây trên đất đang tranh chấp thì chỉ cơ quan có thẩm quyền mới được phép cưỡng chế. Những người tranh chấp liên quan không được phép phá hủy như vậy.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ