Chọn SGK lớp 1 mới
Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết: Năm học 2020-2021, các trường học được lựa chọn SGK lớp 1 dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Trên cơ sở quy định Thông tư 01 vừa ban hành của Bộ, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh quy định tiêu chí cụ thể lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục có lớp tiểu học.
Sở GD&ĐT Bắc Giang sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thành lập Hội đồng, tổ chức lựa chọn và công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo khách quan, nghiêm túc và đúng quy định.
Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp cùng các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Việc tổ chức lựa chọn và sử dụng SGK phải đảm bảo tính chủ động của các nhà trường.
Đại diện Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng chia sẻ, Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 15/3/2020, trong đó thời gian yêu cầu các trường phải lựa chọn xong sách giáo khoa trong tháng 3.
Ông Bạch Đăng Khoa - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang |
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường chủ động nghiên cứu kĩ các văn bản hướng dẫn chọn sách giáo khoa của Bộ, của Tỉnh. Hiệu trưởng nhà trường tổ chức cho giáo viên đọc trước 32 cuốn sách giáo khoa, do đó các nhà trường sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định.
Thuận lợi lớn nhất của Bắc Giang trong chuẩn bị “đón” SGK lớp 1 mới đó là nhiều năm qua, ngành GD tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học của các cấp, các ngành.
Các trường học đã có nền tảng tốt về cơ sở vật chất. Đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục được quan tâm, tăng cường về cả số lượng và chất lượng, cơ bản đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Chất lượng GD toàn diện ngày càng được nâng cao.
Phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra mạnh mẽ đã và đang tác động tích cực đến việc xây dựng cơ sở vật chất trường học. Nhân dân ngày càng quan tâm, tạo điều kiện cho con em học tập.
Tháo gỡ khó khăn
Tuy nhiên, ông Bạch Đăng Khoa nhận định, Bắc Giang vẫn còn đối diện không ít khó khăn, khi thời điểm triển khai SGK mới đang đến gần. Những năm gần đây, do số lượng học sinh của tỉnh tăng đột biến, dẫn đến một số trường thiếu phòng học, thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn.
Có những trường khuôn viên chật chội, phần lớn các trường chưa có nhà đa năng, bể bơi, sân chơi bãi tập đáp ứng yêu cầu GD theo định hướng phát triển năng lực HS.
Đội ngũ giáo viên hiện còn thiếu, chưa bảo đảm đủ về số lượng chỉ đạt 1,39 GV/lớp. Một bộ phận giáo viên duy trì thói quen cũ, dạy học theo lối mòn, tâm lý ngại thay đổi, chậm đổi mới phương pháp cũng như hình thức tổ chức dạy học.
Giáo viên Trường Tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) xem SGK mới và bàn bạc về chọn SGK trong mùa dịch corona |
Một trở ngại nữa là phụ huynh chú trọng việc học văn hóa mà chưa quan tâm đúng mức cho con em tham gia các hoạt động GD nhằm phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất.
Ông Bạch Đăng Khoa cho biết, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Sở đã tham mưu UBND tỉnh tuyển biên chế giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu. Đồng thời chỉ đạo các trường ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho các lớp thay sách để dạy học 2 buổi/ngày.
Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ, phát huy nội lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tiếp tục đổi mới sinh hoạt chuyên môn, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường theo định hướng phát triển phẩm năng lực của học sinh.
Để chủ động và khách quan hơn, Sở GD&ĐT Bắc Giang thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình SGK mới, lộ trình triển khai, thực hiện. Nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác GD. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới phương pháp GD.