Ba tâm điểm của đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là công việc rất lớn của cả xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cả xã hội và cả xã hội phải chung sức chung lòng để đổi mới.

Ba tâm điểm của đổi mới giáo dục

Dấu ấn giáo dục vẻ vang

Giáo dục của nước nhà, từ những ngày đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho đến khi đất nước thống nhất và cả những năm sau đó đáp ứng rất tốt yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Chính sản phẩm của giáo dục là nhân tố quan trọng nhất giúp cho dân tộc ta đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ.

Chỉ lấy một ví dụ: Khi không quân Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng các kỹ sư của Viện giao thông thủy đã chế tạo ra tàu phá ngư lôi không người lái giải tỏa bến cảng cho tàu các nước xã hội chủ nghĩa cặp bến.

Không phải đợi đến khi kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm trên không năm 1972, người Mỹ đã không hiểu tại sao quân đội nhân dân Việt Nam lại có thể sử dụng tên lửa SAM2 để bắn rơi máy bay B52. Sự sáng tạo, linh hoạt của kỹ sư Việt Nam ngày ấy là như thế...

Giáo dục phổ thông trước năm 1986 và đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể nói đầy chất nhân văn. Cẩm Bình, Bắc Lý là những tấm gương sáng về giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội. 

Tôi còn nhớ, ngày đó, trong lớp luôn có các cán sự môn học. Bạn học giỏi giảng giải cho bạn chưa giỏi, bạn biết dạy cho bạn chưa biết. Bất cứ nơi nào trên sân trường, giờ ra chơi cũng đều là lớp học cả. Tư tưởng “Bình dân học vụ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm vào từng nhà trường, mỗi gia đình.

Sách vở, tài liệu học tập trong ngày ấy thật hiếm hoi, sách giáo khoa được dùng đi, dùng lại hàng chục năm. Học sinh ngày ấy biết nâng niu từng cuốn sách cũ bởi vì nếu không nâng niu thì không có gì để học.

Giáo trình, tài liệu giảng dạy ở trường đại học phần nhiều dịch từ các tài liệu của Liên xô cũ và các nước Đông Âu do bạn viện trợ và do các thầy cô đi học nước ngoài mang về. Chương trình đào tạo và tài liệu học tập được sao chép nguyên bản từ Liên xô và Đông Âu góp phần mang lại những thành công cho ngành GD&ĐT...

Ba tâm điểm đổi mới GD&ĐT

Thế rồi trào lưu phụ huynh học sinh muốn con mình phải giỏi hơn con người khác theo kiểu luyện gà nòi đã làm thay đổi nhanh chóng giáo dục phổ thông. Dạy thêm, học thêm theo nhu cầu của xã hội, kinh doanh giáo dục đã tạo tiền đề để xã hội đẩy hẳn, khoán trắng việc giáo dục con, cháu mình cho nhà trường. 

Các thầy cô giáo ở bậc phổ thông đang phải làm việc hết mình và quá nghiêm túc nhưng lại phải chịu áp lực không nhỏ từ xã hội.

Với giáo dục đại học, quy mô sinh viên tăng nhanh buộc không ít trường phải tuyển ồ ạt giảng viên. Có giảng viên đứng lớp khi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng đã tạo ngộ nhận về nghề dạy học...

Vậy tâm điểm của đổi mới giáo dục chỉ nằm ở 3 điểm chính:

Thứ nhất, xã hội phải nhận thức rõ giáo dục nhà trường chỉ là một trong 3 chân kiềng của giáo dục đó là nhà trường, gia đình và xã hội và chung tay đổi mới giáo dục.

Thứ hai, chấm dứt việc biến giáo dục và đào tạo thành một nghề kinh doanh lợi nhuận cao.

Thứ ba, phải đưa được tiến bộ khoa học kỹ thuật và tri thức thế giới vào nước ta như trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước thông qua con đường phải triển khai thành công Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đối với thầy cô và người học bằng mọi giá.

Điểm thứ nhất đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước. Một mình ngành GD&ĐT không thể làm được. Phải xây dựng một xã hội “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thông qua việc thực hiện kỷ cương, phép nước nghiêm. Hãy lo việc này trước và việc này đặc biệt quan trọng đối với giáo dục phổ thông. Các bậc phụ huynh đừng khoán trắng con cái cho thầy cô. 

Điều thứ hai Bộ GD&ĐT đã làm, đó là khống chế quy mô sinh viên và chỉ tiêu tuyển sinh. 

Đừng lo giảng viên không có việc làm, không giảng dạy thì làm nghiên cứu khoa học và tự bồi dưỡng, đây là hai nhiệm vụ còn quan trọng hơn cả nhiệm vụ dạy học vì nó giúp cho các thầy cô vươn lên nganh tầm của thời đại. Cùng với đó, phải xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng coi giáo dục và đào tạo là một nghề kinh doanh có lợi nhuận cao.

Điều thứ ba, phải mang nền giáo dục tiên tiến áp dụng thành công vào nước ta thông qua nâng cao được năng lực ngoại ngữ của đội ngũ các thầy cô giáo đồng thời giữ gìn được bản sắc dân tộc, đặc biệt là bản sắc dân tộc dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp – ĐH Thái Nguyên đã làm những việc này và đã đạt được những thành công nhất định.

Nếu chúng ta giải quyết được 3 tâm điểm này thì tất cả những gì đang tranh luận về đổi mới GD&ĐT sẽ tự nhiên được giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.