Nông dân phản ánh bị thiệt hại sau những ngày mưa kéo dài
Trong mấy ngày qua, liên tục những trận mưa lớn kéo dài dội xuống địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhấn chìm gần 150ha lúa và ao tôm của huyện Xuyên Mộc; khoảng 250ha ruộng muối ở xã Tân Hải và hàng chục ha trồng rau xanh cũng bị bị ngập trắng và úng nước, dập nát.
Chúng tôi có mặt tại xã Phước Thuận (Xuyên Mộc) ngay sau những trận mưa lớn kéo dài. Trước nguy cơ tôm có thể bị trôi hết ra sông mất trắng, ông Lê Kim Thanh (tổ 6, ấp Ông Tô) đang huy động cả chục người đổ bao cát be bờ rồi giăng lưới vây kín các cống xả.
Ông Thanh buồn rầu tâm sự: “Còn vài ngày nữa sẽ đến đợt thu hoạch tôm, dự kiến cho sản lượng khoảng 8 tấn. Ấy vậy mà gặp ngay đợt mưa ngập dữ quá khiến tôm trong ao bị trôi ra sông gần hết, chỉ vớt được khoảng 2 tạ. 4 ao tôm của tôi bị thất thu khoảng hơn 1 tỷ đồng”.
Tương tự, kế bên là 2 ao nuôi tôm của gia đình bà Phan Thị Liễu cũng đã chìm trong biển nước mênh mông.
Do mưa kéo dài khiến tuyến đường vào thôn Nam Hải bị ngập nặng
Cùng chung thiệt hại trong đợt mưa lớn mấy ngày qua, nhiều hộ nuôi cua nước lợ không có cách nào cứu vãn.
Tại nhiều khu vực trồng rau trên địa bàn xã Châu Pha và Tân Hải (huyện Tân Thành), các trận mưa lớn trong vòng 10 ngày qua nước không thoát kịp khiến cho khoảng 22ha rau xanh trên địa bàn xã bị thiệt hại từ 50% trở lên.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Xuyên Mộc, nguyên nhân ngập lụt do mưa lớn kéo dài, triều cường xuất hiện đột ngột, cộng thêm việc xả lũ của đập Cầu Mới và hồ chứa nước Sông Ray.
Ngày 20/10, trên cánh đồng muối và các ao nuôi tôm của xã Tân Hải, huyện Tân Thành nước vẫn đang bị ngập trắng và chưa có dấu hiệu rút.
Nông dân phản ánh bị thiệt hại sau những ngày mưa kéo dài
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng muối thôn Nam Hải, ông Nguyễn Hồng Cường, cán bộ nông nghiệp xã Tân Hải bức xúc nói: “Mấy ngày qua mưa to kéo dài, lưu lượng nước rất lớn, nhưng không hiểu sao hệ thống cống, đập lại không được “lệnh” mở khiến toàn bộ cánh đồng gần 300ha của xã bị ngập nặng, gây thiệt hại lớn cho dân làm muối và nuôi thủy sản”.
Do mưa kéo dài khiến tuyến đường vào thôn Nam Hải bị ngập nặng
Ông Nguyễn Hồng Cường, cán bộ nông nghiệp xã Tân Hải:
Từ sau năm 1954, người dân đã vào khu vực thôn Nam Hải định cư và đắp đê ngăn mặn phục vụ sản xuất, trồng lúa. Năm 1978, bị vỡ đê khiến cánh đồng 300ha không sản xuất được lúa.
Sau đó, Nhà nước cho củng cố lại tuyết đê Chu Hải nhằm ngăn mặn, xả phèn, thoát lũ; đồng thời quyết định đầu tư dự án 400 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đê này.
Tuy nhiên, nhiều năm qua dự án vẫn “án binh bất động” chưa được triển khai nên toàn bộ hệ thống thủy lợi vẫn phải vận hành theo quy trình cũ, không hợp lý liên tục gây ngập úng thiệt hại lớn cho người dân”.