I. Công tác chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng
1. Ở cấp trung ương
Ngày 15/5/2008 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (XDTHTTHSTC) trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013. Từ đó đến nay, hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch được triển khai gắn với kế hoạch năm học để triển khai những nội dung cụ thể của phong trào. Ngoài việc phát huy sức mạnh nội lực của ngành, các hoạt động ở cấp trung ương được phát triển mạnh nhờ sự tiếp tục tham gia của 4 đơn vị phối hợp chính và các bộ ngành như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC, Tập đoàn FPT..., phong trào còn được sự hưởng ứng tham gia của toàn thể cộng đồng dân cư ở các địa phương. Các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã đóng góp kinh phí hỗ trợ cho các nhà trường tăng cường cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường phục vụ học tập và hoạt động ngoài giờ của học sinh. Việc kiểm tra đánh giá thực hiện phong trào được thực hiện hàng năm để kịp thời điểu chỉnh, rút kinh nghiệm.
2. Ở cấp tỉnh
Ngành giáo dục ở tất cả các địa phương đều nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo địa phương cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của các ban ngành đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc triển khai phong trào thi đua.
Các địa phương đã tổ chức Hội thảo về việc triển khai phong trào thi đua, Hội nghị triển khai phong trào thi đua, Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua. Một số địa phương đã tổ chức thi tìm hiểu về phong trào thi đua “XDTHTTHSTC” ở cấp tỉnh nhằm tuyên truyền sâu rộng về phong trào thi đua. Một số tỉnh ngành giáo dục phối hợp với ngành văn hóa tổ chức thi “Tìm hiểu về di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh”.
Một số ngành giáo dục địa phương đã phối hợp với tỉnh Đoàn tiếp tục tổ chức “Lớp học kỳ trong quân đội” nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của phụ huynh và học sinh. Một số nơi ngành giáo dục phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp dạy bơi, dạy múa, hát và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ.
II. Kết quả nổi bật sau 3 năm triển khai phong trào:
Sau 3 năm triển khai, phong trào đã có sức lan tỏa rộng lớn, 63/63 tỉnh, thành phố tham gia, trong đó 54/63 tỉnh thành phố có 100% cơ sở giáo dục tham gia.
- Quan niệm mới về cách làm giáo dục thân thiện, tích cực và về xã hội hoá giáo dục.
- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể các ban ngành đoàn thể cùng tham gia thực hiện phong trào thi đua. Ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động giáo dục được cải thiện. Công tác xã hội hoá giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động các ban ngành đoàn thể, các lực lượng xã hội cùng toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành địa phương đã đảm bảo tốt “3 đủ” cho học sinh. 54/63 tỉnh đạt tỷ lệ 100% cơ sở giáo dục không còn tình trạng học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở.
- Ngành giáo dục có nhiều điều kiện thuận lợi và nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội trong đầu tư kinh phí xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn. Năm 2008, số lượng trường học có nhà vệ sinh chỉ đạt 65%, sau 3 năm triển khai đến nay 100% các trường học có nhà vệ sinh trong đó có trên 80% nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Một số nhà trường đã có công trình nước sạch cho cán bộ giáo viên và học sinh sử dụng.
- Triển khai giáo dục kỹ năng sống theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ động phối hợp giữa các ngành, các tổ chức ở địa phương và gia đình học sinh trong việc giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động của học sinh. Thành lập tổ cán bộ, giáo viên tư vấn cho học sinh. Xây dựng văn hóa học đường. Kiên quyết ngăn chặn học sinh tham gia trò chơi điện tử có nội dung bạo lực hoặc không lành mạnh khác ở trong và ngoài trường học. Mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh đã thân thiện, cởi mở hơn trước rất nhiều. Học sinh đã có tiến bộ nhiều trong giao tiếp, tự tin khi học tập và rèn luyện, vui chơi. Hầu hết các nhà trường đều chú trọng tới việc giáo dục kỹ năng sống.
- Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã ổn định về số lượng, đồng bộ về chất lượng, trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh triển khai áp dụng các phương pháp dạy học hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được bắt đầu từ nhận thức và chỉ đạo của hiệu trưởng nhà trường. Trong nhà trường đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học thông qua phong trào áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp công nghệ của giáo viên được chú trọng và có tác dụng thúc đẩy chất lượng giáo dục của nhà trường. Việc sử dụng CNTT trong dạy học, hoạt động vui chơi là yếu tố mới thúc đẩy chất lượng giáo dục của một số nhà trường. Việc áp dụng các phương pháp dạy học như như bản đồ tư duy và nhiều phương pháp dạy học tích cực khác đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học cũng như tạo không khí thân thiện trong nhà trường, tạo động lực đẩy mạnh chất lượng giáo dục.
- Các hình thức hoạt động ngoại khoá và câu lạc bộ của học sinh ở nhà trường bước đầu có hiệu quả, tạo sự hứng thú cho các em học sinh tham gia. Việc đưa trò chơi dân gian, hát dân ca và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian khác vào trường học được hầu hết các nhà trường triên khai. Việc giáo dục truyền thống thông qua giao lưu, trao đổi, tham quan, chăm sóc các di tích lịch sử văn hoá, chăm sóc gia đình thương binh liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng được chú trọng và có hiệu quả thiết thực. Các em được học từ thực tiễn cuộc sống.
- Chuẩn hóa các nội dung về quản lí, tổ chức dạy học và hoạt động của nhà trường. Tăng cường vai trò của Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, Bí thư Đoàn, Tổng phụ trách Đội trong việc thực hiện phong trào thi đua. Phát huy tính tích cực của học sinh, tăng cường rèn luyện thói quen và năng lực tự học, làm việc theo nhóm, hỗ trợ nhau trong nhóm học tập, rèn luyện ở trường, ở nhà và ở cộng đồng.
Học mà chơi - chơi mà học tại các trường Mẫu giáo ở Hưng Yên |
Năm học 2010-2011, phong trào thi đua xây dựng THTT,HSTC đã có những kết quả đặc biệt:
Tiếp tục phát huy những kết quả tốt của phong trào trong 2 năm học 2008-2009 và 2009-2010, năm học 2010-2011, cùng với các cuộc vận động chung của ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban chỉ đạo Trung ương phong trào thi đua “XDTHTTHSTC” của các bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch với nội dung tập trung vào các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, trong đó đặc biệt tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường tính tích cực, chủ động của học sinh; biến học sinh thành các chủ thể trong các hoạt động của phong trào. Điểm nhấn nữa của phong trào trong năm học này là thực hiện đi học an toàn (giảm tai nạn giao thông và các tai nạn khác, phòng chống thương tích trong và ngoài nhà trường...). Các nội dung của phong trào đã làm chuyển biến tích cực các hoạt động phong trào ở địa phương cũng như hoạt động giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng học tập, tạo niềm tin cho nhân dân. Chất lượng cuộc sống của các em học sinh và gia đình khó khăn được nâng cao tạo dự ổn định cho toàn xã hội.
III- Hiệu quả của việc thực hiện phong trào
Hiệu quả về công tác xã hội hoá:
Trong 3 năm qua, thông qua việc ký kết liên ngành, việc huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia thực hiện phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC, chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện một cách sinh động trong các hoạt động thực tiễn thông qua 5 nội dung của phong trào.
Ngoài 5 Bộ ngành chính tham gia ký kết thực hiện phong trào, phong trào thi đua THTT, HSTC còn nhận được sự ủng hộ, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, các cơ quan truyền thông, các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, của phụ huynh học sinh. Ở cấp trung ương, các Cục, Vụ, Viện, Dự án thuộc các bộ ngành đều hoạt động tích cực, đưa vào kế hoạch chung tạo ra sự đồng bộ thống nhất cao chỉ đạo phong trào thi đua này. Ở cấp địa phương, Ban chỉ đạo phong trào các cấp cũng thể hiện tính xã hội hóa như vậy.
Hiệu quả về môi trường giáo dục thân thiện:
Cảnh quan trường học xanh sạch đẹp đã trở nên phổ biến, không chỉ tập trung vào một số trường điểm, trường chất lượng cao, trường vùng thuận lợi; và cũng chính từ hiệu ứng này mà số trường đạt chuẩn quốc gia đã tăng lên đáng kể. Môi trường vật chất. Quan trọng hơn, môi trường tinh thần trong giáo dục cũng đã có những chuyển biến hết sức tích cực thể hiện trong các mối quan hệ trong nhà trường và giữa nhà trường với cộng đồng dân cư và chính quyền các cấp.
Tính thân thiện là một tiền đề, là môi trường để tính tích cực được thể hiện và phát huy.
Hiệu quả về tính tích cực của HS:
Mọi sự đầu tư cho tính thân thiện của môi trường giáo dục cả về vật chất và tinh thần, việc rèn luyện cho các em những kỹ năng sống cần thiết, việc tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh cũng là nhằm hướng tới nhân vật trung tâm là các em học sinh, làm sao để các em có thể phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động, để các em được là chính mình. Đây là những phẩm chất, năng lực rất quan trọng cho các em trên những bước đường đời tiếp theo làm chủ nhân của đất nước. Chỉ khi học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo thì việc dạy học tích cực mới có hiệu quả, kết hợp với các hoạt động ngoài giờ lên lớp khác để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
***
Ba năm đã trôi qua, nhìn lại những thành quả mà phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC, thẳng thắn tiếp thu và khắc phục một số tồn tại, chúng ta hoàn toàn có thể vững tin để bước vào giai đoạn tiếp theo, trước hết là năm học 2011-2012, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào này, đưa những thành quả đã đạt được đi vào bền vững với tinh thần “5 xây”, hướng về phía trước, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục.
Tổ thư ký Ban chỉ đạo phong trào Thi đua xây dựng THTT, HSTC