Bà lão nhặt ve chai nuôi cháu học đại học

GD&TĐ - Nhà nghèo, bệnh tật nhưng từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya, bà vẫn cần mẫn nhặt ve chai kiếm tiền nuôi hai cháu ăn học. 

Bà lão nhặt ve chai nuôi cháu học đại học

Bà là Phan Thị Hường, 76 tuổi, trú tại số nhà 1 kiệt 60 (đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Thành, thành phố Huế).

Nghe tiếng có người lạ đến, cụ bà khập khiễng từng bước nặng nề ra mở cửa. Vào đến nhà bà Hường nhăn nhó: “Hôm bữa đi nhặt ve chai, trời tối quá trượt chân ngã bị ngã phải nằm giường mấy hôm nay”.

Đời tủi cực

Trong căn nhà nhỏ lụp xụp nằm sâu trong hẻm, đồ đạc không có gì giá trị ngoài chiếc giềng ọp ẹp và cái xe đạp cũ kĩ bà Hường kể lại cuộc đời tủi cực của mình.

Bà cho biết từ nhỏ bà đã sống trong khổ cực. Nhà nghèo, mồ côi mẹ từ khi lên 7 tuổi. Cha đi bộ đội mãi không thấy về. Được vài năm người em trai cũng bỏ bà ra đi do bệnh nặng. Bà một mình quạnh quẽ làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày..

Năm lên 18, bà gặp ông Năm rồi nên duyên chồng vợ. Gia cảnh của ông Năm cũng chẳng hơn gì bà, bố mất sớm, mẹ đi tu trên chùa. Hai ông bà cố gắng làm lụng xây dựng hạnh phúc gia đình và có với nhau 4 mặt con. 

Nhưng số phận nghiệt ngã không chịu buông tha người đàn bà khắc khổ. Khi đang mang bầu đưa con út thì ông Năm – Chồng bà chết do tai nạn.

Theo bà Hường, chỗ ở hiện tại của bà trước chỉ là phòng cho thuê nhưng từ khi mất chồng thấy hoàn cảnh khó khăn nên chủ nhà không lấy tiền thuê nhà nữa.

Chồng mất, không còn họ hàng thân thích bà một mình tần tảo nuôi con. Những tưởng sau này các con khôn lớn sẽ báo hiếu mẹ già. Nhưng khi các con khôn lớn người thì bị bệnh, kẻ bỏ đi biệt xứ.

“Thằng cả bị bệnh bỏ vô Sài Gòn, thằng thứ ba thì bỏ đi biệt xứ, đứa út đi lấy chồng xa mấy năm nay không thấy về. Chỉ còn mỗi thằng thứ hai ở lại nhưng nó làm thợ nề ở xa, cả tháng mới về một lần”.

Bà Hường nghẹn ngào: “Thằng hai lấy vợ có với nhau hai đứa con thì không hiểu lí do gì vợ nó bỏ đi. Từ đó nó chán nản ít khi về nhà để lại hai đứa con cho tui nuôi nấng. Cực lắm nhưng vì thương cháu nên tui cố gắng chắt bóp từng đồng để lo cho cháu ăn học đàng hoàng”.

Bà Chế Thị Thủy - 74 tuổi, hàng xóm của bà Hường - cho biết: “Dù nắng hay mưa lạnh ngày nào bà Hường cũng bì bõm ở ruộng rau muống cấu từng mớ rau đem đi chợ bán. Đến tối lại mon men ra mấy thùng rác nhặt ve chai”

“Ngày nào tui cũng dậy từ sớm. Lưng đau, chân mỏi nhưng thương cháu việc gì tui cũng ráng làm” - bà Hường chia sẻ. Bán rau, nhặt ve chai một ngày được khoảng 25 nghìn đồng. Hôm nào may mắn thì được 30 nghìn. Tằn tiện lắm thì mới đủ để ba bà cháu sống qua ngày.

Hiện cháu của bà là em Trần Hữu Nhân đang là sinh viên năm hai trường Đại học Sư phạm Huế và em Trần Hữu Hân đang học lớp 4 trường Tiểu học Trần Quốc Toản. 

Do tuổi cao, sức đã yếu, nhà cửa chật chội bà phải gửi em Hân lên ở nhờ nhà người bạn trên phường Tây Lộc, Thành phố Huế. Hàng tuần bà gửi tiền chu cấp để Hân ăn, học.

Cháu là niềm vui

Tuy vất vả nhưng hai đứa cháu là niềm vui, hi vọng, an ủi bà Hường. Cả hai đều học rất giỏi. Riêng em Trần Hữu Nhân từ tiểu học đến đại học luôn là học sinh giỏi của trường.

Bà tâm sự: “Nhiều khi cũng có ý định cho tụi nó nghỉ học vì cái nghèo cái khổ. Nhưng nghĩ ngày xưa tui đã không được đi học rồi, nên bây giờ tui quyết không để chúng nó thất học. Già rồi, sống được bao lâu nữa, ngày nào còn lo được cho hai cháu ăn học là tui mừng lắm”.

Gia cảnh bà Hường vào diện khó khăn của phường. Chúng tôi hi vọng cộng đồng, bà con chia sẻ, giúp đỡ bà vượt qua khó khăn

Ông Nguyễn Cảng - Tổ trưởng Tổ dân phố Phường Thuận Thành

“Bố mẹ em không hợp nhau rồi chia tay, mẹ bỏ đi biệt xứ bỏ em vất vơ cùng bà nội, bố cũng buồn lòng đi làm xa, thỉnh thoảng mới về. 

Thương lắm chị ạ, ngày nào bà cũng dầm mưa dãi nắng ngoài đường, em thiệt không nỡ. 

Hồi năm một em cũng hay đi làm thêm nhưng giờ lo cho bà tuổi già, sức yếu nên em ở nhà phụ bà nấu cơm và chăm sóc bà những khi ốm đau” - Hữu Nhân tâm sự.

Hè là lúc chúng bạn được nghỉ ngơi nhưng Nhân lại đi xin làm phụ xây để lấy tiền đong gạo, dư dả thì để dành lo cho năm học mới. Nhắc đến tương lai Nhân bộc bạch: “Em chỉ cố gắng học thật giỏi để sau này ra trường có việc làm ổn định. Có thể kiếm tiền lo cho bà và thằng Hân”.

Bà Chế Thị Thủy cho biết: “Đến tuổi này rồi lẽ ra phải được con cái chăm sóc phụng dưỡng, nhưng bao nhiêu năm nay tôi thấy bà Hường sống khổ cực quá. Là hàng xóm thi thoảng tôi cũng cho bà lon gạo, bát canh gọi là một miếng khi đói bằng môt gói khi no”.

Được biết, bà Hường thuộc diện hộ nghèo của phường, dịp tết được nhà nước hỗ trợ một bao gạo và 50 nghìn đồng. 

“Ngày trước hàng tháng tui được Nhà nước hỗ trợ 180.000 đồng nhưng không hiểu vì sao mấy tháng nay tui bị bắt khoản tiền hỗ trợ ấy” - Bà Hường cho biết.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Cảng - Tổ trưởng Tổ dân phố Phường Thuận Thành nói: “Đúng là khi trước phường có hỗ trợ bà Hường số tiền là 180.000 đồng/tháng. Nhưng sau này có quy định mới nên phường chỉ hỗ trợ cho những người già neo đơn trên 80 tuổi”.

Mọi sự ủng hộ xin liên hệ bà Phan Thị Hường, số nhà 1, kiệt 60, đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Thành, thành phố Huế. Số điện thoại: 0987098044 (gặp em Nhân)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.