(GD&TĐ) - Cha mẹ mất sớm, Hồ Văn Thành (25 tuổi), cựu sinh viên trường ĐHSP Huế đưa hai em đi thi đại học (ĐH). Anh em Thành gặp nhiều bất hạnh, khó khăn nhưng là điển hình của tấm gương hiếu học và tinh thần vượt khó.
Cố đô Huế nửa tháng trở lại đây càng nhộn nhịp hơn bởi đông đảo sĩ tử từ mọi miền đất nước đổ về theo đuổi giấc mơ giảng đường và các bậc phụ huynh cũng khăn gói đồng hành, làm hậu phương cho con cháu.
Tại phòng số 5 của Ký túc xá Trường ĐH Sư phạm Huế, Hồ Văn Thành (25 tuổi, người dân tộc Pa Kô, trú thôn 2, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đang đốc thúc hai đứa em ruột là Hồ Văn Thiêng (22 tuổi) và Hồ Văn Thang (20 tuổi) ôn bài để chuẩn bị thi ĐH đợt 2. Tháng 6 vừa qua, Thành tốt nghiệp ngành sư phạm địa lý Trường ĐH Sư phạm Huế và đang chờ việc làm.
Ba anh em dành dụm số tiền làm thuê, tiền bán lúa, bán hoa màu được 2 triệu đồng để làm kinh phí trong thời gian thi cử. Số tiền này ba anh em sẽ phải dè sẻn, tiết kiệm chi tiêu mới đủ chi phí ăn, ở, đi lại trong thời gian diễn ra kỳ thi. Thiêng dự thi vào ngành giáo dục quốc phòng trường ĐH Sư phạm Huế còn Thang dự thi ngành báo chí trường ĐH Khoa học Huế.
Thiêng tốt nghiệp cấp 3 năm 2010 nhưng do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện dự thi nên em đi làm thuê. Gần hai năm, Thiêng đã làm thuê mọi công việc, từ bốc vác, phụ hồ, phụ xe ở các tỉnh miền Nam. Xa nhà và công việc vất vả nên cuộc sống của em gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng với quyết tâm, Thiêng gắng làm việc tốt để chăm lo cho bản thân. Em dành dụm tiền gửi về nuôi anh trai học ĐH và em trai học cấp 3. Những lúc rảnh rỗi, em lại lấy sách vở ra học bài. Và mới đây, Thiêng dành dụm được ít tiền trở về quê đăng ký dự thi.
Thành (ngồi giữa) cùng hai em tại ký túc xá Trường ĐH Sư phạm Huế |
Còn Thang mang số phận bất hạnh hơn khi bị nhiễm chất độc da cam. Khuôn mặt khôi ngô của em bị biến dạng nghiêm trọng do vết thương ăn sâu ở bên phải. Thành có người em út là Hồ Thị Giáng (18 tuổi), bị câm điếc bẩm sinh. Khi các anh chị đã xây dựng gia đình và ra ở riêng, các anh trai đi học và đi thi thì mọi công việc trong nhà đều một tay Giáng lo liệu.
Các anh em Thành mồ côi cha mẹ từ rất sớm. Cha của Thành là một chiến sĩ cách mạng kiên cường với nhiều chiến công hiển hách. Ông lấy vợ sinh được 5 đứa con nhưng người vợ qua đời sớm. Ông đi bước nữa và người vợ thứ 2 sinh được 4 đứa con. Năm 2001, cha Thành đột ngột qua đời vì bệnh ung thư gan. Một năm sau, mẹ của Thành cũng ra đi vì đột quỵ hen suyễn.
Chín anh em Thành từ đó mồ côi nên cuộc sống bắt đầu gặp khó khăn. Dù anh em khác mẹ nhưng họ luôn sống hòa thuận, đoàn kết, không xảy ra mâu thuẫn. Không người cưu mang nhưng họ đùm bọc, dìu dắt nhau bước qua những ngày đói khổ, đau thương mất mát. Năm anh chị của Thành đã khôn lớn và xây dựng gia đình, ra ở riêng. Cuộc sống vật lộn chạy ăn từng bữa nên các anh chị cũng chẳng giúp gì được nhiều cho các em. Vì thế, Thành vừa làm cha vừa làm mẹ cho ba em. Lúc Thành bước chân vào giảng đường thì người em kế đi làm thuê kiếm tiền giúp anh ăn học và nuôi các em.
Thành chia sẻ khiến nhiều người xúc động, ghẹn ngào nước mắt: “Cha mẹ mất rồi, các anh chị cũng ra ở riêng, cuộc sống khó khăn, không ai lo được cho chúng em thì chúng em phải tự lo cho bản thân mình, đùm bọc, nhắc nhở nhau trong cuộc sống. Hi vọng các em học hành chăm chỉ, cố gắng thi đậu để tương lai về sau đỡ khốn khổ hơn và chăm lo, bù đắp cho em gái bị tàn tật”.
Ở một huyện miền núi, biên giới nghèo khó như A Lưới khi đời sống người dân còn nghèo khó và công tác giáo dục còn nhiều hạn chế mà có những người như anh em Thành, họ đã và đang làm khiến nhiều người phải khâm phục và noi gương. Cầu chúc cho các em của Thành đạt được thành tích cao trong kỳ thi lần này.
Bài, ảnh: Hồ Ân