Australia: Các trường ĐH lập Quỹ đối phó Covid-19

Australia: Các trường ĐH lập Quỹ đối phó Covid-19

Bảo đảm tài chính

Theo số liệu được chính phủ Australia công bố, trong khi nhiều trường ĐH nước này phải đối mặt với tổn thất tài chính nặng nề khi 100.000 SV quốc tế bị cấm nhập cảnh vào đầu học kỳ, 10 tổ chức ĐH lớn có đại đa số người học Trung Quốc hiện có khoản tài chính dự phòng từ 48 triệu đến 3,9 tỷ USD.

Sau khi giới chức nước này ban hành lệnh cấm nhập cảnh, Nhóm 8 ĐH cùng với Trường ĐH RMIT và Trường ĐH Công nghệ Sydney là những tổ chức GD có nguy cơ cao phải chịu tổn thất tài chính. Số liệu thống kê cho thấy, số lượng SV Trung Quốc tại 10 ngôi trường này chiếm hơn 75% tổng số người học Trung Quốc tại Australia.

Tuy nhiên, Cơ quan quản lý ĐH và chính phủ liên bang nhận định, tình hình tài chính của các tổ chức này cho thấy, họ sẽ không cần tới sự can thiệp khẩn cấp từ chính phủ. Trong khi đó, các tổ chức này cũng đang tìm cách cắt giảm chi phí - bao gồm việc tạm dừng cải thiện cơ sở vật chất, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

Phát biểu trước truyền thông, ông Anthony McClaran - Giám đốc điều hành của Cơ quan Quản lý Chất lượng và Tiêu chuẩn GDĐH, cho biết nhiều trường ĐH nước này có xu hướng thiết lập các vị trí tài chính và dự trữ tiền mặt. “Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy rằng, các nhà cung cấp GD không gặp nhiều rủi ro tài chính. Nó sẽ thay đổi tùy theo các tổ chức GD, nhưng như một tuyên bố chung, khả năng của họ rất lớn mạnh”, ông McClaran nhấn mạnh.

Cũng theo ông McClaran, các trường ĐH tại nước này là những tổ chức mạnh mẽ và “phát triển tốt, có nguồn lực tốt”. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đang tiến hành khảo sát đối với các trường ĐH về tác động đối với GD và tài chính mà lệnh cấm nhập cảnh gây ra. “Chúng tôi sẽ tập trung vào những tổ chức GD có mức độ tiếp xúc cũng như phụ thuộc nhiều nhất vào SV Trung Quốc”, ông McClaran cho biết thêm.

Australia cho biết, ước tính sơ bộ về tác động tài chính của các việc hạn chế do Covid-19 gây ra đối với các trường ĐH nước này dao động từ khoảng 1 tỷ USD đến hơn 3 tỷ USD. Theo bản tóm tắt mới nhất về vị trí tài chính của các trường ĐH, ngoài một tổ chức GDĐH, những trường còn lại có liên quan đều có quỹ dự trữ trị giá 6 - 7 con số. Đây là quỹ có sẵn trong các tổ chức, nhằm giúp các nhà quản lý trường đối phó với những trường hợp không lường trước được.

Ông Andrew Norton - một nhà nghiên cứu GDĐH tại Trường ĐH Quốc gia Australia, cho biết các tổ chức phụ thuộc nhiều nhất vào SV quốc tế đều đang có khả năng tài chính vững vàng. Ngoài ra, ông Norton khẳng định, các ngân hàng sẽ cho những trường ĐH này vay tiền nếu cần. “Đặc biệt, các trường ĐH như Sydney và Melbourne có những khoản tài trợ khổng lồ vượt quá số tiền thiệt hại mà chúng ta đang nói đến vào lúc này”, ông Norton nhấn mạnh.

Giảm thiểu thiệt hại

Bà Vicki Thomson, Giám đốc điều hành của Nhóm 8 ĐH, khẳng định: “Thật sai lầm khi cho rằng, có những khoản tiền khổng lồ mà chúng tôi có thể dùng để cải thiện tác động đáng kể từ hạn chế đi lại”. Bà Thomson cho biết, các trường ĐH trong nhóm đang xem xét thực hiện một số giải pháp như vay lãi suất thấp, trì hoãn việc cải thiện cơ sở vật chất, hạn chế tuyển nhân viên mới hoặc đi du lịch.

Hiệu trưởng Trường ĐH Queensland, ông Peter Hoj cho biết: “Khả năng tài chính của chúng tôi trong vài năm qua khiến chúng tôi có thể vượt qua tình trạng giảm doanh thu trong học kỳ I”. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Trường ĐH Sydney nhận định: “Tác động của Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến ngân sách chúng tôi phải chi cho công việc giảng dạy, nghiên cứu và cơ sở vật chất. Do đó, chúng tôi có kế hoạch cho các thay đổi trong doanh thu hằng năm”.

Trước đó, Australia tiếp tục kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với những công dân nước ngoài đến từ Trung Quốc đến ngày 29/2. Vào thời điểm lệnh cấm được ban hành từ đầu tháng 2, khoảng 98.000 SV Trung Quốc tại các trường ĐH Australia đã không thể trở lại trường học. Nhà xã hội học Salvatore Babones của Trường ĐH Sydney đã ước tính rằng, lệnh cấm sẽ tiêu tốn chi phí xuất khẩu GD từ 2,8 tỷ đô la - 3,8 tỷ đô la Australia.

Trong một cuộc họp báo ngày 20/2, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, chính phủ đã rất cẩn trọng trong việc nhìn nhận những điều có thể làm để cố gắng và giảm thiểu tác động đối với từng lĩnh vực cụ thể. Thủ tướng Morrison nhấn mạnh, GD là một ngành nên được hưởng sự đối xử đặc biệt và thông báo, các trường học đã thảo luận về “sự sắp xếp” với Bộ trưởng GD Dan Tehan và Bộ trưởng Y tế Greg Hunt.

Mới đây, Bộ trưởng GD Australia Dan Tehan đã đề xuất các bước nên được thực hiện nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của lệnh cấm nhập cảnh đối với các trường ĐH nói tiếng Anh. “80% dân số thế giới không nói tiếng Anh và đây là ngôn ngữ phổ biến nhất trong học tập. Vì vậy, lĩnh vực này có tiềm năng rất lớn và chúng tôi sẽ đưa ra chiến lược nhằm tạo cơ hội để tăng dấu ấn trong việc giảng dạy tiếng Anh, cả trực tuyến và quốc tế”, ông Tehan khẳng định.

“Tài chính trong năm 2017 cho thấy, Trường ĐH Quốc gia Australia có 946 triệu USD dự trữ, Trường ĐH Sydney có 432 triệu USD, UNSW có 933 triệu USD, Trường ĐH Melbourne có 3,9 tỷ USD, Trường ĐH Monash có 1 tỷ USD, Trường ĐH Queensland có 1,7 tỷ USD, Trường ĐH Adelaide có 1,3 tỷ USD, Trường ĐH Tây Úc có 48 triệu USD, Trường ĐH RMIT có 1 tỷ USD và UTS có 840 triệu USD”.

Theo Smh; Times Higher Education

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ