Arrigo Sacchi: Gã bán giày và triết lý của thời đại

Arrigo Sacchi: Gã bán giày và triết lý của thời đại

Trên cương vị HLV đội tuyển Italia, ông cũng đưa Azzurri tới trận chung kết FIFA World Cup 1994.

 Gã bán giày vô danh

Arrigo Sacchi sinh ngày 1/4/1946 tại Fusignano, Italia. Ông rất thích bóng đá và đặc biệt chuộng lối chơi tấn công nên thường xuyên theo dõi các đội bóng có phong cách phóng khoáng như Budapest Honved, Real Madrid, Brazil hay Hà Lan. Đặc biệt, ông rất say mê Budapest Honved với những ngôi sao tấn công trứ danh như Ferenc Puskas, Sandor Kocsis hay Jozsef Bozsik.

Yêu thích bóng đá nhưng Arrigo Sacchi không đủ tố chất để chơi bóng. Vì vậy, ông quyết định theo nghiệp HLV và khởi nghiệp ở CLB địa phương có tên là Baracca Lugo. Thách thức lớn của Sacchi là ông quá trẻ để dẫn dắt một đội bóng, như ông chia sẻ: “Tôi mới 26 tuổi, thủ thành của tôi đã 39 và tiền đạo của tôi ở tuổi 32. Tôi phải dẫn dắt họ. Quả thực đó là thử thách lớn”.

Ở thời điểm đó, bóng đá Italia bị ảnh hưởng bởi triết lý thực dụng Catenaccio. Hầu hết các đội bóng đều chủ động chơi phòng ngự. Người hâm mộ bóng đá Ý cảm thấy nhàm chán và Sacchi cũng vậy. Như một nhà cách mạng, ngay từ thời điểm đó, Sacchi đã nảy sinh ý định thay đổi phong cách cho bóng đá Italia. Ông tin rằng, bóng đá Ý có thể thay đổi, vứt bỏ lối chơi thực dụng nhàm chán, thay vào đó là lối chơi pressing toàn sân, phản công nhanh và quan niệm rằng “bản thân mỗi hậu vệ đều có thể chơi tấn công”.

Thay đổi triết lý của một nền bóng đá là không dễ dàng. Càng khó với Arrigo Sacchi khi ông có xuất phát điểm khá thấp. Khi còn thi đấu cho CLB địa phương có tên Fusignano, ông là một nhân viên bán giày trong công ty của cha mình. Phải tới khi trở thành HLV, Sacchi mới có cơ hội để thực hiện giấc mơ cháy bỏng của mình.

Nhưng lúc này, Sacchi vẫn chỉ là một gã vô danh, một người đàn ông mang trong mình những ước mơ và mục tiêu to lớn, có những ý tưởng tuyệt vời, nhưng lại quá thiếu kinh nghiệm.

Cảm hứng từ những “người Hà Lan bay”

Arrigo Sacchi: Gã bán giày và triết lý của thời đại ảnh 1
Triết lý bóng đá của Arrigo Sacchi từ những năm 90 thế kỷ trước cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Triết lý của Arrigo Sacchi được lấy cảm hứng từ đội tuyển Hà Lan những năm 70 của thế kỷ trước. Ông thừa nhận: “Đó là điều bí ẩn với tôi. Tivi quá nhỏ. Tôi cần theo dõi toàn bộ sân đấu để hiểu rõ những gì họ làm và thích ứng với lối chơi đó”.

Vốn thích bóng đá tấn công, Arrigo Sacchi đã nghiên cứu rất kỹ lối chơi của những “người Hà Lan bay”. Ông tham khảo thêm cách chơi tấn công của nhiều đội bóng ở thời điểm đó, đặc biệt là Real Madrid. 

Những ý tưởng của ông lúc bấy giờ rất tiến bộ. Sacchi tin rằng có thể chơi pressing với đội hình 4-4-2. Sự táo bạo về tư duy chiến thuật giúp Arrigo Sacchi được nhiều CLB quan tâm. Từ HLV nghiệp dư, ông dần đi vào chuyên nghiệp. Nhưng do ít kinh nghiệm, Sacchi chỉ được trao quyền dẫn dắt các đội trẻ khi ấy ở Cesena và Fiorentina. 

Nhưng đó cũng là bước nhảy vọt của ông trong sự nghiệp. Từ dấu ấn tạo ra tại Fiorentina, Sacchi đã tới Parma, đội bóng khi đó còn chơi ở Serie C1 (hạng Ba).

Ngay ở mùa giải đầu tiên dẫn dắt Parma, Arrigo Sacchi đã giúp đội bóng này thăng hạng Serie B. Và ở mùa giải sau đó, chút nữa Parma đã đoạt vé lên chơi ở Serie A. Chưa thể thăng hạng cùng Parma nhưng Sacchi đã làm được điều kì diệu là đánh bại AC Milan ở Coppa Italia. Từng ấy là đủ để ông lọt vào tầm ngắm của tỷ phú Silvio Berlusconi.

Ngay ở mùa giải sau đó, Arrigo Sacchi đã cập bến AC Milan. Thách thức lớn nhất của nhà cầm quân này là thiếu kinh nghiệm và sự vô danh. Truyền thông Italia khi ấy đều tự hỏi gã HLV này ở đâu và tại sao Milan lại chọn nhà cầm quân đến từ giải hạng 2. Nhưng khi ấy, Sacchi đã đáp trả với một câu nói rất nổi tiếng: “Tôi chưa bao giờ nhận ra rằng để trở thành một tay đua, trước tiên bạn phải là một con ngựa”.

Chịu áp lực rất lớn ở San Siro nhưng Arrigo Sacchi vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Ông may mắn khi có trong tay nhiều cầu thủ chất lượng của bóng đá Italia thời điểm đó như Baresi, Tassotti, Maldini hay Costacurta… Quan trọng hơn cả, ông chủ Silvio Berlusconi đã mang về cho Sacchi 2 chất liệu cực kỳ quan trọng là Marco van Basten và Ruud Gullit.

Những ngày đầu tiên, Sacchi đề ra một phong cách luyện tập khá kỳ quặc và mới mẻ tại thời điểm đó, ông gọi phong cách này là “shadow play” (trận đấu ma). Ông cho các cầu thủ thi đấu như một đội trên sân tập mà… không hề có bóng. Việc làm sao để gắn kết một đội hình có các ngôi sao từ khắp nơi trong một đội bóng thường bị nhiều đội bóng bỏ qua cho đến khi Sacchi xuất hiện và gây chú ý với Milan.

Và ngay ở mùa giải đầu tiên, Arrigo Sacchi đã giúp AC Milan giành Scudetto sau 9 năm chờ đợi. Lối chơi pressing mạnh mẽ của ông có lợi thế khi đương đầu với các đối thủ ở châu Âu hơn là ở một Serie A thận trọng và ưa phòng ngự sâu. Đây là một trong những lý do khiến Sacchi chỉ duy nhất 1 lần giành Serie A trong 4 năm làm việc ở San Siro. Nhưng ở Champions League, ông cùng Milan đã có 2 năm liền vô địch (1989 và 1990).

Khi Sacchi chia tay Milan vào năm 1991, người ta không bất ngờ. Giống như cách Pep Guardiola phải rời Barcelona vì đội bóng không còn đáp ứng được những yêu cầu của ông sau một loạt thành công. Kể từ sau đó, Sacchi không tạo ra dấu mốc đặc biệt nào trong sự nghiệp ngoài tấm vé vào chung kết World Cup 1994 cùng đội tuyển Italia. 

Dấu ấn lớn nhất của Arrigo Sacchi là vận dụng triết lý “bóng đá tổng lực” (Total Football) của người Hà Lan và nó được coi là di sản lớn của bóng đá thế giới. Total Football mang tính thời đại bởi cho tới ngày nay, phong cách này vẫn hữu hiệu và được nhiều nhà cầm quân kế thừa và phát triển, trong đó có Pep Guardiola, Jurgen Klopp, Jupp Heynckes, Rafa Benitez, Fabio Capello hay Frank De Boer…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.