Trong nhiều năm, khách hàng của Apple luôn phàn nàn về “Apple Tax” - mức phí cao hơn các sản phẩm tương tự từ công ty khác mà họ phải trả cho thiết kế và phần mềm của Apple.
Đó là cái giá của sự danh tiếng. Sản phẩm Apple có giá cao và được bán như những món đồ xa xỉ, chẳng hạn những chiếc Apple Watch bằng vàng giá 20.000 USD.
Tuy nhiên, màn ra mắt sản phẩm lặng lẽ hôm 21/3, khi hãng tung chiếc iPad 9,7 inch rẻ nhất từ trước đến nay hay nâng cấp dung lượng cho chiếc Phone rẻ nhất, cho thấy Apple thực sự muốn cạnh tranh về giá. Ngành công nghiệp di động nên để ý đến điều này.
Nếu Apple ỷ vào lượng tiền mặt khổng lồ của mình để hạ gục các đối thủ cạnh tranh bằng cách giảm giá tất cả các sản phẩm còn lại, đó sẽ là vấn đề lớn.
Apple nâng gấp đôi dung lượng lưu trữ của iPhone SE nhưng giữ nguyên giá bán. Ảnh: TechCrunch.
Hôm 21/3, Apple đã hạ giá chiếc iPad màn hình lớn, thiết kế đẹp, cấu hình mạnh của mình xuống còn 330 USD - mức giá ngang ngửa với các sản phẩm từ Samsung hay Lenovo. Apple đã chiếm lĩnh thị trường máy tính bảng cao cấp và loại bỏ gần như hoàn toàn các đối thủ cạnh tranh.
iPhone SE cũng được nâng cấp, tăng gấp đôi dung lượng lưu trữ từ 16 lên 32 GB. Đó không phải cải tiến lớn nhưng cho thấy hãng vẫn dành nguyên vẹn tình yêu và sự chú ý đến cả chiếc iPhone rẻ nhất.
Giá bán khá rẻ cho 2 thiết bị này phù hợp với xu hướng mà nhà phân tích độc lập Neil Cybart đưa ra tuần trước: “Apple đang làm cho sản phẩm của họ dễ tiếp cận hơn nhờ mức giá phổ thông hơn”.
Ví dụ được ông này đưa ra bao gồm cả tai nghe AirPods. Sản phẩm vốn bị nhiều người gọi là đắt đỏ này thực chất rẻ hơn bất cứ mẫu tai nghe không dây nào hiện có mặt trên thị trường (159 USD). Ông này cũng khẳng định mức giá của Apple Watch (269 USD) rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh từ Samsung hay Fossil.
Bằng phân tích của mình, Cybart đưa ra một vài giả thuyết về thay đổi trong chiến lược của Apple. Các phụ kiện như AirPods hay Apple Watch sẽ là kẻ dẫn đường cho người dùng mua nhiều iPhone hơn.
Những tin đồn hiện tại khẳng định mẫu iPhone mới ra mắt tháng 9 có thể sở hữu giá bán trên 1.000 USD bởi màn hình OLED và những bộ cảm biến đắt đỏ.
Nếu thông tin này đúng, nó thể hiện sự khôn ngoan của Apple. Họ biết cách đưa sản phẩm nào xuống mức giá rẻ để làm hài lòng người dùng, cũng biết cách tăng giá ở chỗ nào để người ta vẫn mua sản phẩm không ngừng nghỉ. Đó cũng là lý do Táo khuyết trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới.
Họ cần bán sản phẩm đến càng nhiều người càng tốt, trên toàn thế giới. Tại những thị trường như Ấn Độ, chỉ có sản phẩm mức giá bình dân mới thu hút được người dùng.
Tuy nhiên, một công ty như Apple luôn cần giá trị lợi nhuận cao, bằng cách nhấn nhá thêm vào những sản phẩm cao cấp của mình. Nên nhớ, iPhone 7 Plus có giá 769 USD chứ không phải 749 USD như iPhone 6s Plus lúc ra mắt. Cũng nên nhớ, iPad Pro 9,7 inch có giá từ 600 USD, cao hơn 100 USD so với giá trước đây của iPad Air 2.
Cybart nói đó là cuộc chơi không phải ai cũng có thể chơi. Họ từ bỏ hình ảnh sang chảnh để tiếp cận nhiều người hơn, nhưng cũng không quên đi yếu tố cốt lõi của mình là lợi nhuận.
Tuy nhiên, đây cũng là cuộc chơi nguy hiểm. Nếu các sản phẩm giá tầm thấp của Apple vẫn đủ tốt như hiện tại để thuyết phục người dùng không nâng cấp, họ sẽ gặp không ít rắc rối.