Apollo: Bước đi dài của nhân loại

GD&TĐ - Ngày 20/7/1969, phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đặt dấu chân đầu tiên của nhân loại lên Mặt trăng. 50 năm đã trôi qua, nhưng hành trình của Apollo 11 vẫn được xem như là biểu trưng lớn nhất cho trí tuệ và khát vọng khám phá của con người.

Apollo: Bước đi dài của nhân loại

Di sản của Kennedy

Chương trình Apollo, diễn ra từ năm 1961 - 1972, là dự án du hành vũ trụ có người lái thứ ba của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). Được thảo luận lần đầu tiên dưới nhiệm kì của Tổng thống Dwight D. Eisenhower, chương trình là bước tiến tiếp theo để hoàn thành mục tiêu đưa con người lên Mặt trăng, được người kế nhiệm ông, John F. Kennedy, đưa ra trong bài phát biểu trước Quốc hội vào ngày 25/5/1961.

Dù vậy, khi còn là một thượng nghị sĩ, Kennedy đã thể hiện sự không đồng tình đối với các chương trình thám hiểm vũ trụ. Đến cả khi đã trở thành Tổng thống, ông cũng đã xem xét đến việc hủy bỏ các chương trình trên, và chỉ trì hoãn tiến trình nhằm thể hiện sự tôn trọng với Phó Tổng thống Lyndon Johnson, người đã rất ủng hộ các kế hoạch phát triển hàng không vũ trụ khi còn ở Thượng nghị viện.

Suy nghĩ của Kennedy đã thay đổi sau khi Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay lên vũ trụ vào ngày 12/4/1961. Điều này đồng nghĩa với việc Liên Xô đã vượt qua Mỹ trong cuộc đua về công nghệ, đặc biệt là ở sức mạnh tên lửa và các thiết bị hàng không. Mối lo ngại về một cuộc tấn công trực tiếp của đối thủ cùng những hệ quả về chính trị và kinh tế đã buộc vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ phải thay đổi chiến lược của mình.

Từ đây, ông cùng các cộng sự bắt tay vào kế hoạch thúc đẩy nước Mỹ trong cuộc đua vào vũ trụ. “Tôi tin rằng đất nước này nên cam kết để hoàn thành mục tiêu, trước khi thập kỉ này kết thúc, có thể đưa một người lên Mặt trăng và đưa anh ta trở lại Trái đất an toàn”. Kennedy trình bày ý tưởng của mình trong bài phát biểu nổi tiếng trước Quốc hội về vấn đề Mặt trăng. Ngay sau đó, NASA được phê duyệt một khoản kinh phí khổng lồ cho Chương trình Apollo, ước tính lên tới 40 tỷ đô la Mỹ vào năm 1961, tương đương với hơn 331 tỷ đô la thời nay. Các cuộc vận động ủng hộ của người dân, trong đó có bài phát biểu ở Đại học Rice, bang Texas, cũng liên tục được tổ chức. “Chúng ta chọn đi lên Mặt trăng trong thập kỷ này và thực hiện các công việc khác, không phải vì chúng dễ dàng, mà vì chúng là những thử thách”.

Ngày 22/11/1963, Kennedy bị ám sát tại Dallas, bang Texas. Vị Tổng thống trẻ tuổi để lại một di sản đồ sộ cho ước mơ vươn tới Mặt trăng của mình. Và 6 năm sau đó, ước nguyện của ông cuối cùng cũng được hoàn thành.

Đại bàng đã hạ cánh

Buổi sáng ngày 16/7/1969, Apollo 11 đang chuẩn bị những khâu kiểm tra cuối cùng trước khi xuất phát. Đây là chuyến bay có người lái thứ 4 trong tổng số 12 nhiệm vụ tính tới thời điểm đó của chương trình. Sau sự cố trong buồng lái của Apollo 1, dẫn tới sự hy sinh của cả ba phi hành đoàn, thì ba nhiệm vụ có người lái còn lại đều diễn ra suôn sẻ và hoàn thành được mục tiêu đề ra. Tất cả các sứ mệnh trên đều nhắm tới sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc đổ bộ Mặt trăng của Apollo 11.

Những người được lựa chọn cho nhiệm vụ lần này bao gồm Neil Armstrong - chỉ huy trưởng, Buzz Aldrin - Phi công Mô-đun Mặt trăng, và Michael Collins - Phi công Mô-đun Điều khiển. Sau Apollo 10, đây là phi hành đoàn thứ hai được chọn lựa từ các phi hành gia kỳ cựu trong lịch sử các chuyến bay không gian của loài người, khi cả ba người đều đã từng hoàn thành một nhiệm vụ bay trước đó.

Chuyến hành trình của Apollo 11 diễn ra suôn sẻ, cho đến khi chỉ huy trưởng Armstrong cùng Buzz Aldrin thực hiện các thao tác hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng. Do những trục trặc về hệ thống định vị, Armstrong buộc phải chuyển sang chế độ bán tự động và tự mình điều khiển Mô-đun Mặt trăng, hay còn được gọi dưới cái tên “Đại bàng”. Những sai sót trong định vị cũng khiến phi hành đoàn phải thay đổi vị trí hạ cánh của mình, qua đó làm xáo trộn những tính toán ban đầu về năng lượng. Trung tâm chỉ huy nín thở theo dõi quá trình hạ cạnh với nỗi lo rằng Mô-đun sẽ không có đủ nhiên liệu để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng may mắn thay, tất cả đã được thở phào nhẹ nhõm.

“Houston, đây là Trạm Yên Bình, Đại bàng đã hạ cánh”. Lời nói của Neil Armstrong qua bộ đàm xác nhận sự an toàn của phi hành đoàn sau quá trình đổ bộ gian nan lên Mặt trăng. Một chuyến bay thành công của vị chỉ huy trưởng, nhất là khi anh đã suýt bỏ mạng trong một bài thử nghiệm tương tự dưới Trái đất, và chỉ kịp thoát chết trong tích tắc. Sau khoảnh khắc ăn mừng ngắn ngủi, Neil và Buzz bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của mình. Lần đầu tiên, con người đặt chân lên Mặt trăng.

“Một bước nhỏ cho một con người, nhưng là một bước tiến lớn cho cả nhân loại.” Sau 7 giờ chuẩn bị bên trong Đại bàng, Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên xuống bề mặt Mặt trăng. Lịch sử khắc ghi những gương mặt đầu tiên của nhân loại đặt bước chân mình ở một thiên thể khác, và cả Michael Collins, “người đàn ông cô đơn nhất trong lịch sử” đang điều khiển Mô-đun chỉ huy trên quỹ đạo Mặt trăng và chờ đợi các đồng đội của mình. Sau hơn 2 tiếng thu thập dữ liệu, Neil Armstrong và Buzz Aldrin đưa Đại bàng quay trở lại với Columbia, tên gọi khác của Mô-đun Điều khiển. Phi hành đoàn Apollo 11 trở lại mặt đất vào ngày 24/7, kết thúc một cuộc phiêu lưu kì diệu của loài người.

Khởi đầu của lịch sử

Apollo 11 đánh dấu một bước ngoặt lớn của lịch sử loài người. Lần đầu tiên, con người thành công trong việc đặt chân lên một thiên thể ngoài vũ trụ. Đối với nước Mỹ, đây cũng là chiến thắng quan trọng thể hiện sức mạnh trước Liên Xô, cùng một lúc kết thúc cuộc đua lên Mặt trăng.

Mặc cho những học thuyết âm mưu cho rằng toàn bộ sự kiện chỉ là một màn kịch của chính phủ Hoa Kỳ, Apollo 11 đã mở đường cho các nhiệm vụ Mặt trăng khác ngay trong vòng ba năm sau đó. Sau Neil Armstrong và Buzz Aldrin, đã có tổng cộng 10 phi hành gia người Mỹ đặt chân lên Mặt trăng. Chương trình Apollo được dự kiến sẽ còn tiếp tục tới nhiệm vụ thứ 20, trước khi Tổng thống Nixon ban lệnh tạm dừng vô thời hạn đối với dự án. Tình hình chính trị quốc gia và Chiến tranh Việt Nam đầu những năm đã thay đổi cái nhìn của người Mỹ về các chuyến bay vào không gian. Người dân không còn quá mặn mà với ý tưởng phải đóng những khoản thuế khổng lồ chỉ để các phi hành gia có thời gian đi lại trên Mặt trăng rồi đem về không gì khác ngoài đất đá và những con số khô khan.

Phi hành đoàn Apollo 17 đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1972. Kể từ đó đến nay, vẫn chưa có thêm một người nào rảo bước trên tự nhiên duy nhất của Trái đất, bất chấp những tiến bộ khoa học vượt bậc so với 50 năm về trước. Trong tương lai, chắc chắn du hành không gian sẽ còn phát triển trở lại, với những công ty hàng không vũ trụ tư nhân như SpaceX của tỷ phú Elon Musk, hay Virgin của Richard Branson. Mặc dù vậy, Apollo 11 sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử, như là khởi đầu cho khát vọng vươn tới các vì sao của nhân loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.