Áp lực dạy con thời hiện đại

Áp lực dạy con thời hiện đại

Cha mẹ có thật sự hiểu con?

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung cho biết, chưa bao giờ giáo dục gia đình lại quan trọng như lúc này. Trong bối cảnh thực tế có rất nhiều bức xúc, dồn nén với hệ thống giáo dục, không thể mong chờ nhiều vào nhà trường thì giáo dục gia đình chính là "cứu cánh" của mỗi đứa trẻ.

Ông Trung nhận định, đây là thời đại của sự hoang mang khi mà thế giới biến động không ngừng, mọi giá trị, niềm tin bị thách thức, đảo lộn. Ông Giản Tư Trung nói thêm, chúng ta chỉ nói nhiều đến triết lý giáo dục của nhà trường, của nền giáo dục quốc gia. Trong khi một trường học cũng cần có triết lý giáo dục của riêng mình, một giáo viên cũng cần triết lý giáo dục của mình để dạy học trò, một gia đình, cha mẹ dạy con cũng cần có triết lý giáo dục của riêng mình; bản thân mỗi người cũng cần phải có triết lý để giáo dục bản thân... Có như vậy mới trả lời được các vấn đề cốt lõi như thế nào là con người? Muốn đứa trẻ trở thành con người như thế nào? Và làm thế nào để đứa trẻ trở thành được con người như vậy?

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TPHCM cho biết, hiện nay có những chương trình, phương pháp mới dạy trẻ 6 – 12 tháng biết đọc chữ, biết nói tiếng Anh, biết làm toán… Đó là một sự “cưỡng bức’’, làm cho não của trẻ phát triển lệch lạc. Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một trong những lỗi cha mẹ thường gặp trong giáo dục con cái hiện nay là muốn con trở thành thiên tài, không phải tự nhiên mà các nhà khoa học đặt ra mốc trẻ 6 tuổi mới nên học lớp 1, vậy mà nhiều cha mẹ muốn con 3 - 4 tuổi đã phải biết mặt chữ, 5 tuổi đã đọc viết thành thạo. Vô tình, bố mẹ đã bắt con phải stress từ quá nhỏ.

Ngoài xu hướng biến con thành thiên tài, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn chỉ ra một số lỗi khác thường gặp trong việc nuôi dạy con. Ông cho rằng, nhiều phụ huynh thời nay ít tiếp xúc với con nên giao những thiết bị công nghệ để con chơi điện tử. Chính vì không có thời gian gần gũi nên họ dễ bị gãy đổ trong truyền thông giao tiếp với con.

Bên cạnh đó, có những cha mẹ khá giả muốn bù đắp cho con bằng vật chất, nhất là những người luôn nhớ về thời khốn khó của mình. Họ quên đi những nhu cầu cơ bản khác mà bất cứ ai cũng cần có, đó là tình cảm, an toàn, quan hệ xã hội, chuyện sinh hoạt thân thiết hằng ngày… “Hãy đặt mình vào vị trí của con để thấy rằng ngày xưa chúng ta cũng từng có lúc hư hỏng, từng có lúc học dở, thất bại. Từ đó, mới có sự thấu cảm và chia sẻ thật sự với con”.

SAD là viết tắt của ba chữ: Stress, Anxiety, Depression, nghĩa là Căng thẳng, Lo âu và Trầm cảm. Đây là căn bệnh của thời nay, với người lớn có nguồn gốc từ công việc, với trẻ em có nguồn gốc từ học hành và từ sự đòi hỏi của cha mẹ đối với chúng. Có nhiều cha mẹ từ thuở nhỏ học không giỏi, khi sinh con ra thì muốn con học thật giỏi và phải theo nghề mà mình mong muốn để “phục thù”. Sai lầm lớn nhất nằm ở chỗ chỉ mong cho con mình làm theo đúng ý mình và lần hồi, cho rằng ý mình mới là đúng và bắt con phải xem ý muốn của mình là chân lý. Sự tôn trọng quyền làm người được là chính mình là điều thiết yếu nhất để giải toả căng thẳng trong mối quan hệ này.

Ngoài ra, việc dạy con theo “ông Google” cũng là một quan niệm sai lầm mà hầu hết các bố mẹ trẻ hiện nay đều mắc phải. “Cái gì không biết thì tra Google”, một câu dân gian mới của thời nay. Nhưng với hàng triệu kết quả cho mỗi câu hỏi của mình thì mình sẽ chọn câu hỏi nào, hay bắt đầu rối loạn trí nhớ, và cuối cùng chọn đại một cách để áp lên con mình thay vì lắng nghe chính con, là điều đầu tiên để “chẩn đoán” để có cách giao tiếp.

ThS Russell Freyer – chuyên gia tư vấn tâm lý, Trường Quốc tế Concordia (Anh) cũng thừa nhận ngay cả đối với các bậc cha mẹ phương Tây thì những vấn đề này cũng đang là thách thức: “Bản thân Internet đôi khi dẫn đến tác động: Tạo ra thế giới riêng nhưng thực ra ai cũng phải can thiệp. Chúng ta có quá nhiều thông tin về việc nuôi dạy con cái và như vậy dễ lạc hướng. Chỉ nên tập trung vào những kỹ năng cơ bản như tính trung thực, kỷ luật, lòng thương người, sự ham hiểu biết…”.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Dạy con thế nào cho đúng?

Trong buổi nói chuyện về “Nghệ thuật làm cha mẹ - Giáo dục con trong một thế giới đang thay đổi”, PGS. TS Lê Văn Hảo (Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khẳng định: “Nuôi dạy và giáo dục trẻ là công việc kéo dài suốt đời và không được trả công xứng đáng”.

Người Việt có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, vì thế dạy con như thế nào cho đúng và hợp lý là tùy thuộc vào nhận thức, điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình. Một trong những yếu tố dường như có tính quyết định cho hiệu quả trong cách dạy con là nắm bắt tâm lý của con theo từng giai đoạn tuổi.

Khi con ở độ tuổi mầm non, tiểu học, mục tiêu của giáo dục trong giai đoạn này là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách; giúp trẻ phát triển cơ thể cân đối, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn; biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông, bà, cha, mẹ; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu thích cái đẹp; ham hiểu biết và thích đi học.

Rèn cho trẻ những thói quen về sự tự giác, biết sắp xếp những đồ chơi và đồ dùng cá nhân khác một cách ngăn nắp, sự đúng giờ. Đặc biệt bố mẹ cần làm gương, nghiêm túc trong cách sống là rất cần thiết đối với con trẻ trong giai đoạn đó.

Thái độ cư xử của người lớn sẽ là một liều thuốc tác động tích cực đối với quá trình hình thành nhân cách của con trẻ khi đó, có một vấn đề cần lưu ý, việc học thêm là không cần thiết đối với con trẻ ở độ tuổi này.

Khi con ở độ tuổi trung học, đây là độ tuổi nhạy cảm nhất trong cuộc đời của con người, có ý nghĩa quyết định hình thành nhân cách, phát triển thể chất, hình thành nhận thức của con cái.

Cùng với nhà trường, bố mẹ ở giai đoạn này cần củng cố những kỹ năng sống và vốn sống cho con; đặc biệt, hiểu con, biết con mong muốn gì. Ở độ tuổi đó diễn biến tâm sinh lý của con thay đổi từng ngày, nếu không có sự quan tâm đúng mức dễ dẫn đến con cái lệch lạc về tư tưởng sống. Đặc biệt, thời điểm cuối của giai đoạn là thời điểm dậy thì và bắt đầu hình thành quan niệm về giới của con cái nên bố mẹ cần lưu ý.

TS Lê Văn Hảo cho biết, đứa con ở khoảng 12 - 18 tuổi là giai đoạn nhiều thử thách, sống độc lập hơn nhưng dễ va chạm, xung đột với bố mẹ. Vì thế, chọn những thời điểm đắt giá để giáo dục con mới có tác dụng nhất định chứ không phải lúc nào cũng “lên lớp” và “thao thao bất tuyệt” về yêu sách của mình, khiến con cảm thấy ngột ngạt, ức chế và sinh ra thái độ chống đối, phản kháng.

Khi đứa con thất bại hay thành công thì “lỗi” cũng như “công lao” của mẹ cha không nhiều như bấy lâu nay chúng ta nghĩ. Cha mẹ chỉ có khả năng tác động, định hướng con, giúp con tiến bộ hằng ngày chứ yếu tố sống còn vẫn là do chính nội lực của đứa trẻ.

Yếu tố nền tảng, quan trọng chính là dung hòa mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, làm sao để con tin tưởng và có thể mở lòng với cha mẹ thì trước nhất gia đình phải luôn là nơi an toàn, tôn trọng lẫn nhau và tràn đầy yêu thương. Ông Hảo đã ví việc nuôi dạy con giống một người làm vườn. Chăm sóc, giáo dục con cũng giống như một cái cây, cần làm đất, tưới nước, cung cấp đủ ánh sáng. Nhưng thành quả của đứa trẻ cũng giống như cái cây có sai quả hay không do nội lực của chính nó.

Mặc dù không phải chuyên gia hay nhà tâm lý học về trẻ em nhưng qua chiêm nghiệm, quan sát và học hỏi, GS Trương Nguyện Thành đã làm thí nghiệm dạy con từ những phản ứng của chính hai người con của mình. Ông có hai con trai là Taki và Takara; trong đó, Taki là trẻ tự kỷ, sống trong thế giới riêng của mình, thường hành động theo bản năng, không thích tiếp xúc với người khác, không có khả năng hiểu cảm xúc cũng như tương tác không lời.

GS Trương Nguyện Thành nhìn nhận, những mong đợi của gia đình và xã hội đặt ra cho bậc cha mẹ ngày xưa khá đơn giản, thường chỉ yêu cầu: Chăm sóc tốt sức khỏe của con cái, cho con cái ăn uống đầy đủ, cho con cái ăn mặc đàng hoàng và dạy con cái nói năng lễ phép. Cha mẹ thời xưa không bị áp lực nặng nề về việc nuôi dạy con và trẻ em cũng không chịu nhiều áp lực về việc học hành. Tuy nhiên trong thời đại số, dưới tác động của công nghệ, trẻ em ngày nay dễ thiếu ngủ, kém tập trung; thiếu kiên trì; không biết mình là ai, chẳng rõ mình muốn gì; mất cân bằng trong phát triển tâm sinh lý; có nguy cơ béo phì…

Đó chính là những thách thức của các bậc cha mẹ hiện đại. Nhất là khi đa phần phụ huynh ngày nay thường bận rộn vì công việc nên ít có thời gian dành cho con, thường đem công việc về nhà khiến không gian vui đùa của trẻ trong nhà bị thu hẹp, nhiều ông bố hay bà mẹ đơn thân nuôi con, nhiều bậc cha mẹ lại chạy đua đầu tư giáo dục cho con cái mà bắt con trẻ học hành quá sức... Những điều kiện đó khiến trẻ em không có không gian để phát triển lành mạnh, không nhận được sự quan tâm và giáo dưỡng phù hợp, kịp thời.

Từ chính những trải nghiệm của bản thân, GS Trương Nguyện Thành đã rút ra một số tính cách, kỹ năng và cơ hội mà cha mẹ cần trang bị cho con cái để chúng có thể thành công và hạnh phúc trong thời đại số 4.0 bao gồm: Kỹ năng: Độc lập trong suy nghĩ, hành động và trong cuộc sống, có khả năng thích nghi với những thay đổi trong môi trường sống; Tính cách: Tư duy cầu tiến (growth mindset), ham học hỏi, kiên trì, sáng tạo và có khả năng kháng bại; Nhân cách: Sống trung thực, có khả năng thấu cảm và có ý thức cộng đồng, sống làm người có giá trị với chính bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; Cơ hội: Có cơ hội sống với đam mê và phát huy được tiềm năng của bản thân.

Theo GS Trương Nguyện Thành, để trao truyền được cho con những điều ấy, cha mẹ không chỉ cần biến mình trở thành tấm gương để con cái noi theo, mà còn phải tạo ra những “bài học tình huống cố ý” để con được có cơ hội trải nghiệm và thực tập trước khi thực sự đối phó với những khó khăn trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...