Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB) phối hợp với Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - nhấn mạnh: Cây lúa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. Không chỉ có vai trò trong kinh tế mà còn là sinh kế của người dân, trong phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn.
Đến nay, mỗi năm ĐBSCL có hơn 25,7 triệu tấn lúa gạo (chiếm hơn 90% gạo xuất khẩu trong cả nước). Sản xuất lúa gạo không chỉ để đảm bảo lương thực trong nước, xuất khẩu mà còn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nền kinh tế lúa gạo đang đứng trước những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu nguồn nước và xuất khẩu... Một trong những thách thức lớn là làm sao để ứng dụng KH&CN trong sản xuất lúa.
Câu hỏi đặt ra là “Làm sao ứng dụng càng nhiều chất xám vào hạt gạo, làm sao ứng dụng từ chén cơm đầy sang chén cơm chất lượng, dinh dưỡng, trong điều kiện người nông dân vẫn khó khăn...”.
Theo TS Lâm Đạo Nguyên - Trung tâm ứng dụng Công nghệ Vệ tinh miền Nam (Trung tâm Vệ tinh Quốc gia), Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng nằm trong vùng nhiệt đới nên bầu trời thường xuyên có mây mù che phủ.
Đặc biệt là một trong những vùng trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự ấm lên của toàn cầu. Vì vậy cần phải sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh Radar (SAR) kết hợp với ảnh vệ tinh quang học để giám sát môi trường và thiên tai.
Hội thảo lần này, sẽ đóng góp những vấn đề hiệu quả cho phát triển nông nghiệp ở địa phương cũng như cả nước ứng phó trước những thách thức toàn cầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây lúa cũng như nâng cao chất xám trong sản xuất nông nghiệp; công nghệ viễn thám sẽ góp phần vào việc giám sát tài nguyên môi trường, thiên tại, sạt lở... những thách thức to lớn đối với ĐBSCL để kịp thời ứng phó.
Đặc biệt, ứng dụng hiệu quả nguồn dữ liệu viễn thám của Việt Nam và các dữ liệu Viễn thám nước ngoài còn góp phần quản lý tài nguyên thiên nhiên hỗ trợ quy hoạch lãnh thổ (quản lý đô thị, nông nghiệp, rừng, đất đai và tài nguyên nước...).
Tại hội thảo, khách mời cùng các nhà khoa học được giới thiệu về Dự án “Trung tâm vũ trụ Việt Nam”. Đây là dự án lớn nhất về khoa học công nghiệp Việt Nam với mức đầu tư 54,4 tỷ Yên (Nhật) do đơn vị Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) thực hiện đầu tư, từ năm 2012 - 2020.
Dự án được triển khai với các ứng dụng tiềm năng như: Quản lý thiên tai, nông nghiệp, địa hình, địa chất và thổ nhưỡng, thực phủ sử dụng đất…