Chúng ta đã từng được tìm hiểu qua về khái niệm "body hack" - lợi dụng những chức năng, cơ chế ít người biết về cơ thể, nhằm giúp bạn làm được những điều... không tưởng, khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ như tuyệt chiêu "điểm huyệt" của các cao thủ võ lâm ngày xưa cũng là một dạng body hack.
Còn hôm nay, chúng tớ sẽ giới thiệu một số tuyệt chiêu body hack - tất nhiên không phải điểm huyệt - các bạn có thể áp dụng ngay từ hôm nay, nhằm giúp cho cuộc sống của mình dễ dàng hơn rất nhiều.
1. Muốn học 1 nhớ 10 - chịu khó ngủ ngay sau khi học
Trước kỳ thi, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị thi đại học sắp tới, nhiều sĩ tử đang phải sấp mặt vào sách vở ôn luyện.
Có điều, một đặc điểm chung ở đây là nhiều lúc chúng ta càng học càng... quên, do não bộ phải tiếp nhận quá nhiều thông tin một lúc.
Và giải pháp cho chuyện này là gì? Hãy ngủ ngay sau khi học xong! Một nghiên cứu từ năm 2012 của ĐH Harvard (Mỹ) đã chỉ ra rằng việc ngủ luôn sau khi học sẽ giúp bạn dễ nhớ lại kiến thức hơn.
Các chuyên gia cho biết mỗi khi kiến thức nạp vào đầu, não bộ sẽ tiến hành quá trình "phân rã thông tin" - quá trình khiến chúng ta quên đi. Việc ngủ luôn sau khi học sẽ giúp làm chậm quá trình này lại, và bạn sẽ nhớ được lâu hơn.
2. Nên ngủ nghiêng bên trái
Đã từng có ý kiến cho rằng chúng ta nên nằm ngủ nghiêng sang phải, nhằm tránh ảnh hưởng đến cơ tim. Nhưng sự thật có thể thấy ngay trong bức ảnh dưới đây.
Sự thực là khi nằm nghiêng bên phải, bạn sẽ vô tình làm tăng nguy cơ bị trào ngược dịch vị dạ dày, gây ra hiện tượng ợ nóng, không hề tốt cho khả năng tiêu hóa của chúng ta. Trong khi đó, nằm nghiêng bên trái thì ngược lại, do đó các sản phụ cũng thường được khuyên nên nằm theo tư thế này.
Thậm chí, một số chuyên gia tin rằng tư thể ngủ nghiêng trái có thể cứu mạng chúng ta. Bên trái chính là nơi tế bào limpho bạch huyết thống trị.
Do đó khi nằm nghiêng trái, cơ thể sẽ có nhiều thời gian để lọc bỏ độc tố qua ống ngực và hạch bạch huyết. Nếu nằm ngủ phía bên phải, hệ thống này sẽ vận hành không tốt, và trong dài hạn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm do độc tố tích tụ quá nhiều.
3. Bị ngứa họng? Gãi tai là hết!
Chắc nhiều người cũng từng trải nghiệm cảm giác ngứa họng cực kỳ khó chịu mỗi khi bị cảm cúm. Cảm giác bạn có thể ho đến thối cả phổi, nốc cả cốc thuốc ho mà vẫn ngứa không thể chịu nổi.
Những lúc như vậy, hãy thử gãi đằng sau tai nhé. Ở tai, có một số dây thần kinh kết nối với mũi. Khi kích thích khu vực này, cổ họng của bạn sẽ co giật theo, giúp giảm bớt cơn ngứa.
4. Đi tất khi đi ngủ
Nếu muốn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, hãy làm như vậy. Nguyên do là vì khi chân bạn ấm, các mạch máu tại đây sẽ giãn ra, đồng thời gửi đi một tín hiệu đến não rằng đã đến giờ đi ngủ, và bạn sẽ ngủ nhanh hơn.
Ngoài ra, việc đi tất sẽ khiến thân nhiệt ấm lên, và cơ thể buộc phải tìm cách hạ thấp nhiệt độ xuống. Quá trình này cũng khiến bạn ngủ nhanh hơn.
5. Tìm cách nói vào tai phải người nghe
Thỉnh thoảng, chúng ta hay gặp rắc rối khi gặp phải những đứa bạn quá "cứng đầu", nói mãi nó vẫn không hiểu mình nói gì.
Lúc này hãy đứng nghiêng sang phía tai phải của họ và nói, vì thông tin thính giác bên tai phải sẽ đi trực tiếp vào khu vực xử lý bên trong não bộ, thay vì vòng vèo như tai trái.
Nói ở tai phải sẽ dễ đi vào lòng người hơn
6. Bạn sợ tiêm? Hãy giả vờ ho
Từ bé đến lớn không biết đã bao nhiêu lần chúng ta bị bác sĩ lừa rằng "Tiêm không đau đâu chỉ 1 giây là xong".
Sự thật thì tiêm đúng là chỉ mất vài giây và sẽ không đau nếu như bác sĩ có thể chọn đúng ven tĩnh mạch. Nhưng chỉ cần lệch đi 1mm, chúng ta sẽ được trải nghiệm cảm giác được nhiều người miêu tả là "như ong chích".
Tuy nhiên, các khoa học gia người Đức thuộc Khoa Gây mê và chăm sóc đặc biệt tại ĐH Ernst-Moritz-Arndt (Đức) cho biết, chúng ta có thể đánh lừa não bộ, giảm thiểu cảm giác đau bằng việc giả vờ ho.
Theo như thí nghiệm của họ, 20 tình nguyện viên cho biết cảm giác đau khi tiêm giảm xuống sau khi họ giả vờ ho một lúc. Nguyên nhân được đưa ra là vì lúc ho - dù chỉ là giả vờ - cũng khiến não bộ bị xao nhãng. Đồng thời, huyết áp úc này cũng tăng đột ngột, do đó cảm giác đau nhói sẽ giảm đi phần nào.
Tuy nhiên, có vẻ như đây là phương pháp không nên được áp dụng tùy tiện, bởi các bác sĩ có thể tiêm nhầm chỗ khiến cảm giác đau còn "thảm khốc" hơn nhiều.
7. Hãy thở thật nhanh trước khi đi lặn
Hãy thở thật nhanh, trước khi hít sâu một hơi cuối cùng rồi lặn, bạn sẽ giữ được hơi lâu hơn.
Đây thực chất là một cách đánh lừa cơ thể. Đầu tiên, cần biết rằng chúng ta có cảm giác cần thở là vì CO2 nhiều lên, không phải vì thiếu oxy. Bằng cách thở nhanh, chúng ta đã đẩy một lượng lớn khí CO2 trong máu ra bên ngoài, qua đó lừa cơ thể rằng chúng ta không cần thở nữa.
Tuy vậy, đây không phải là một phương pháp nên áp dụng thường xuyên, vì người lặn có thể không nhận thức được mình cần oxy lúc nào và tiếp tục lặn sâu hơn, để rồi không kịp trở lên, bất tỉnh hoặc thậm chí là chết đuối.
8. Khi chạy, hãy thở ra khi chân trái chạm đất
Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta không thể chạy được lâu là do cơn đau bụng ập đến. Không phải vì Tào Tháo đuổi, chỉ là phần bên bụng quặn lại, không thể đi nổi mà thôi.
Để tránh chuyện này xảy ra, hãy tập cách thở ra mỗi khi chân trái chạm đất, vì nguyên nhân gây đau bụng là vì cơ nội tạng bị giãn quá mức khi chạy, đặc biệt là gan. Nếu thở ra khi chân phải chạm đất, gan vô tình chịu nhiều áp lực hơn, dễ khiến chúng ta đau bụng.