Ngay từ tựa đề, Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh đã gợi lên nhiều liên tưởng thú vị lẫn sự háo hức trông đợi cho những độc giả yêu chuộng văn học Việt. Bởi sau nhiều tác phẩm thiên về nỗi buồn, có phải đã đến lúc nhà văn Anh Khang buông được nỗi buồn và trưởng thành hơn trong ngòi bút để thoát khỏi “trào lưu thất tình” trong đại đa số sách trẻ hiện nay?
Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh là quyển sách thứ sáu của Anh Khang-tác giả best-seller - chủ nhân của những tựa sách bán chạy nhất nhì trong cả những kỳ hội sách gần đây. Tác phẩm này đánh dấu chặng đường 5 năm kể từ ngày đầu tiên Anh Khang xuất hiện trên văn đàn vào năm 2012 với những trang viết như nói thay tâm tình của bao người trẻ Việt.
Gần 5 năm qua, Anh Khang đang dần tiến gần đến vị trí “nhà văn triệu bản” khi đã có hơn 600.000 bản sách được tiêu thụ trên thị trường: Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả, người thương thành lạ, Buồn làm sao, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em, Thương mấy cũng là người dưng… Và cho đến hôm nay với tập truyện ngắn Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh chúng ta sẽ nhận thấy có quá nhiều khác biệt so với Anh Khang đã viết trước đó.
Sách của Anh Khang luôn là sự lựa chọn của giới trẻ
Nếu nỗi buồn trước đây trong trang sách của Anh Khang là một thứ cảm xúc rất con người, rất nhân văn mà bất kỳ một người trẻ nào cũng phải trải qua trên hành trình trưởng thành, thì nỗi buồn trong Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh lại chính là sự cân bằng an nhiên của một người đã bước qua thăng trầm và đón nhận nỗi buồn như một cố nhân tri kỷ. Anh bảo: “Tôi xem nỗi buồn ngày cũ như một hành trang cần thiết để đến gặp niềm vui trong tương lai. Bởi phải làm lành với quá khứ, thì chúng ta mới có thể nhẹ nhõm tìm thấy hạnh phúc ở hiện tại”.
Mười truyện ngắn trong tập truyện này đều bắt đầu bằng một đoạn trích dẫn ngắn thể hiện quan điểm nhất quán của câu chuyện, nó như một lời tự sự của chính tác giả để khởi nguồn suy nghĩ cho nhân vật chia sẻ về cuộc sống, về tình yêu. Sau khoảnh khắc lắng đọng súc tích ấy là phần “Dẫn đề” với những chia sẻ quan điểm của Anh Khang về câu chuyện, vừa dưới góc nhìn của người ngoài cuộc, vừa dưới góc nhìn của người trong cuộc đã từng trải. Qua hai bước chuẩn bị trên, cuối cùng độc giả mới chính thức bước vào câu chuyện anh kể. Có thể tạm chia cấu trúc một truyện ngắn của Anh Khang thành ba phần như sau: Lời tựa – Dẫn đề – Câu chuyện. Ba phần này như ba góc khác nhau của một “kim tự tháp cảm xúc”, chúng va đập vào nhau tạo ra vọng âm đa thanh cho câu chuyện. Có thể nói, Anh Khang là nhà văn trẻ hiếm hoi trên thị trường sách trẻ hiện nay có thể biến hóa ngòi bút đa dạng với nhiều thể loại khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ viết sách tản văn để “chiều lòng” thị hiếu như nhiều cây bút trẻ đương thời.
“Sau tất cả, màu trời trên đầu chúng ta vẫn mỗi ngày còn đó thanh tân, thì cũng sẽ luôn còn đó một người vì ta mà ở lại. Bởi đến cuối cùng, cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, thì chỉ cần còn nhau là sẽ còn tất cả, có phải không?”