Anh hùng Lao động Lê Công Cơ: Bỏ biên chế giáo viên sẽ có lợi...

GD&TĐ - Liên quan đến chủ trương bỏ biên chế công chức, viên chức giáo viên, NGƯT. Anh hùng Lao động Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân - cho rằng: Việc bỏ biên chế thay bằng ký kết hợp đồng sẽ có lợi cho giáo viên.

Anh hùng Lao động Lê Công Cơ: Bỏ biên chế giáo viên sẽ có lợi...

Không sợ hiệu trưởng lạm quyền

Cụ thể, nó sẽ tạo động lực thi đua và cạnh tranh lành mạnh cho đội ngũ giảng dạy. Họ sẽ phải tự phấn đấu, học tập nâng cao trình độ và năng lực, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

"Nhiều người nói, nếu chuyển sang ký hợp đồng với hiệu trưởng thì đồng nghĩa trao cho hiệu trưởng quá nhiều quyền năng, điều này khó tránh khỏi hiện tượng lạm quyền của người đứng đầu. Nhưng theo tôi, điều đó không đáng lo ngại. Việc chúng ta cần quan tâm lúc này là coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục" - NGƯT Lê Công Cơ trao đổi, đồng thời phân tích: Việc ký kết Hợp đồng Lao động được thực hiện theo Luật Lao động và Hiệu trưởng là người ký, nhưng bên cạnh đó còn có Thỏa ước Lao động Tập thể dưới sự bảo hộ của Công đoàn và sự giám sát của các câp có quyền như: Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Do vậy sẽ không có chuyện lạm quyền ở đây.

Nên có luật về giáo chức

Cũng theo thầy Lê Công Cơ, lâu nay Nhà nước có cơ chế biên chế, dẫn đến tư tưởng: đã vào biên chế là "chắc chân" và không thể bị cho nghỉ việc bởi sẽ gây nhiêu khê trong cơ quan sử dụng lao động; do đó tạo sức ì không nhỏ trong bộ máy tổ chức. Mặt khác còn có hiện tượng cào bằng, nghĩa là người giỏi cũng như người bình thường, người làm được việc cũng không hơn người không làm được việc. Chính vì vậy sẽ không tạo được động lực thi đua trong nội ngành.

Nhưng nếu chuyển sang ký Hợp đồng Lao động, thì người lao động mà cụ thể hơn là giáo viên sẽ phải thực hiện theo hợp đồng và đúng với quy định của Luật Lao động. Khi đó, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là mối quan hệ pháp luật, nên dễ giải quyết khi có xung đột. Đồng thời tạo sự phát triển, lành mạnh hóa bộ máy.

Thầy Cơ cho biết thêm, thực hiện xã hội hóa giáo dục từ năm 1994, các trường tư thục, ngoài công lập ngày càng nhiều và Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng cũng như các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trong hệ thống này cũng đã tiến hành tuyển chọn đội ngũ giảng viên, giáo viên dưới dạng hợp đồng lao động và đã tạo nên một đội ngũ giảng dạy, làm việc rất hiệu quả. Đó là minh chứng sinh động để thấy rằng, nếu bỏ biên chế thì các trường vẫn hoạt động tốt không kém gì các trường công lập, thậm chí có những trường còn tốt hơn trường công.

Tuy nhiên, theo tôi việc bỏ biên chế giáo viên thay bằng ký kết hợp đồng lao động phải có lộ trình và không nên giải quyết bằng hành chính mà giải quyết bằng Luật Lao động, do đó không có gì phải phân vân.

"Tôi cũng đề xuất, để thực hiện việc này và tạo được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của lực lượng giáo viên đang giảng dạy thì nên có luật về giáo chức" - thầy Cơ nêu ý kiến.

 "Nếu chủ trương bỏ biên chế giáo viên được chấp thuận, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Khó khăn ở chỗ, với những người mà trước đó đang là biên chế thì khi chuyển sang ký kết hợp đồng phải giải quyết như thế nào cho phù hợp các vấn đề về chế độ, chính sách và quyền lợi của họ. Nhưng tôi tin Bộ GD&ĐT sẽ có cách làm thấu tình đạt lý" - NGƯT Lê Công Cơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ