Anh: Các trường đại học thiếu kinh phí trầm trọng

GD&TĐ - Theo một báo cáo mới đây, các trường đại học tại Anh đang gặp khó khăn khi không đủ ngân sách và ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên bị đuổi học, bỏ học hoặc quyết định theo học tại nhà trong những năm cuối THPT với lý do sức khỏe hoặc không đủ tiềm lực tài chính.

Các trường ĐH thiếu kinh phí trầm trọng và không thể hỗ trợ người học
Các trường ĐH thiếu kinh phí trầm trọng và không thể hỗ trợ người học

Số lượng HS rời trường tăng

Nhân viên trong các trường ĐH dạng thứ 6 (nơi SV từ 16 - 19 tuổi học các bằng cấp cao) tại Anh cho biết, họ không có đầy đủ thông tin về các SV trong trường, đặc biệt là những người bỏ học hoặc có vấn đề về sức khỏe. Trước tình hình này, Hiệp hội Các trường ĐH (AoC) nhận định, các cơ sở GD nước này cần có thêm kinh phí để mang lại sự hỗ trợ cần thiết cho người học, nhằm ngăn chặn vấn đề của SV trở nên tồi tệ hơn.

Báo cáo do AoC thực hiện đã cảnh báo, không ít SV đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc thậm chí là có mối liên hệ với các băng đảng. Tuy nhiên, điều bất cập là trường ĐH không có đủ thông tin về những người học này. Bên cạnh đó, các chuyên gia của Viện Chính sách GD (EPI) đã phát hiện rằng, cứ 10 SV tại trường ĐH dạng thứ 6 thì sẽ có một người bị loại khỏi nhà trường mà không rõ lý do.

Hơn 61.000 SV bị loại khỏi nhóm tham gia kỳ thi GCSE năm 2017 và có tỷ lệ 2/5 người không bao giờ quay lại trường. Thống kê đã chỉ ra rằng, 3/4 những SV rời khỏi trường là người dễ bị tổn thương, bao gồm cả người học được hưởng các dịch vụ xã hội hoặc được nhận các bữa ăn miễn phí tại trường. AoC đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với nhân viên tại nhiều trường ĐH trên khắp Vương quốc Anh và nhận thấy, số lượng SV bị gián đoạn việc học trong thời gian chuẩn bị bước vào kỳ thi GCSE đang tăng lên qua từng năm. Bà Stella McManus, Phó Hiệu trưởng của Trường CĐ Waltham Forest ở phía Đông Bắc London nhận định, ngày càng có nhiều SV ở độ tuổi 16 gặp phải các vấn đề phức tạp.

Phát biểu với truyền thông, bà McManus nhận định: “Rất nhiều SV tại trường chúng tôi có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Họ có thể có vấn đề về gia đình. Ngoài ra, một khó khăn khác là văn hóa băng đảng trong trường học. HS sẽ đến gặp bạn và nói: “Tôi gặp vấn đề với một băng đảng. Tôi cũng có vấn đề với thành viên trong gia đình và gặp vấn đề với sức khỏe tâm thần của chính mình”.

Trước những tình trạng này, nữ Phó Hiệu trưởng cho biết, số lượng nhân viên an ninh trong Trường Waltham Forest đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. “Chúng tôi không được tài trợ trong việc trả lương cho tất cả nhân viên cũng như nhận được hỗ trợ để giải quyết các trường hợp phức tạp. Đây là một vấn đề đáng lo ngại”, bà McManus bày tỏ.

Thiếu kinh phí – bài toán nan giải

Mới đây, Thủ tướng Anh Borris Johnson đã cam kết sẽ tài trợ thêm 400 triệu bảng cho các trường ĐH dạng thứ 6 và tổ chức GDĐH vào năm tới. Tuy nhiên, một báo cáo từ Viện Nghiên cứu tài chính (IFS) cho biết, ngay cả với số tiền này, các tổ chức GD vẫn sẽ cần thêm khoảng 1,1 tỷ bảng để phục vụ được những gì họ cần.

Báo cáo từ AoC cũng cho thấy, các trường ĐH đang phải đối mặt với những thách thức khi ngày càng có nhiều người học lựa chọn GD thay thế (AP). Điều này có tác động trực tiếp tới ngân sách hỗ trợ của các trường học khi bị thâm hụt khoảng 6.000 bảng/HS. Ông David Hughes, Giám đốc Điều hành của AoC đã cảnh báo về nguy cơ khi các trường ĐH tại Anh không thể hỗ trợ người học về mặt tài chính trong bối cảnh thiếu kinh phí.

Ông Hughes cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn lực kinh tế trong các trường ĐH, khi có thể giúp những người trẻ tuổi nhận thức được hướng đi và ngăn chặn họ bước vào con đường tội phạm hoặc ma túy. “Các tổ chức GD đang gặp nhiều thách thức khi số SV không đến trường tăng cao bao gồm nghỉ học, học tại nhà hoặc bị đuổi học. Để cho phép các trường ĐH có cơ hội đáp ứng nhu cầu của người học một cách tốt nhất, chính quyền địa phương cũng cần thực hiện các kế hoạch GD, y tế và chăm sóc khi được yêu cầu”, ông Hughes cho biết.

Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường học và ĐH (ASCL), ông Geoff Barton khẳng định sẽ không ngạc nhiên nếu số lượng SV rời trường tăng. “Chúng ta cần phát triển các hệ thống tốt hơn để cung cấp cho các trường ĐH thông tin họ cần về nhóm SV dễ bị tổn thương này. Đây là một thách thức bởi những người trẻ như vậy sẽ trải qua một thời kỳ khó khăn, đặc biệt là họ không có đủ kiến thức để liên hệ với các dịch vụ sức khỏe tâm thần và các cơ quan khác”, ông Barton nói.

Theo bà Angela Rayner, người phát ngôn về các chính sách giáo dục của Công đảng chia sẻ: “Các tổ chức GDĐH của chúng ta đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề sau khi bị cắt giảm ngân sách. Nhiều trường ĐH thậm chí đã phải ngừng hoạt động. Hiệu trưởng các trường đang được yêu cầu phải hành động nhiều hơn. Việc cấp ngân sách cho các trường là điều hết sức cần thiết để cho phép giáo viên và nhân viên nhà trường có thể hỗ trợ HS”.

Trước những ý kiến này, phát ngôn viên của Bộ GD Anh cho biết: “Các trường CĐ, ĐH nên trở thành nơi mà người trẻ cảm thấy họ có giá trị và được hỗ trợ. Chúng tôi mong muốn quá trình chuyển tiếp GD của HS sẽ diễn ra một cách suôn sẻ nhất có thể. Chúng tôi nhận thấy rằng, việc người học bị loại khỏi trường một cách không chính thức hoặc chính thức là bất hợp pháp và chúng tôi đang làm việc với Ofsted (Văn phòng Tiêu chuẩn về GD, Dịch vụ và Kỹ năng của trẻ em) để kiểm soát vấn đề”.

Người phát ngôn cũng tuyên bố, các nhóm hỗ trợ sức khỏe tâm thần mới đã được thành lập, nhằm cho phép người học được tiếp cận với các dịch vụ một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, chính phủ Anh cũng hỗ trợ 400 triệu bảng cho các trường ĐH dạng thứ 6. Đây là mức ngân sách hỗ trợ cao nhất trong suốt thập kỷ qua mà nước này đầu tư cho người học từ 16 – 19 tuổi.

Theo The Independent

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ