Vải còn gọi là lệ chi, có thể ăn tươi hay sấy khô. Hạt vải (lệ chi hạch) thái mỏng phơi hay sấy khô được dùng làm thuốc. Trong hạt vải có tanin, độ tro, chất béo.
Theo Đông y, hạt vải vị ngọt chát, tính ôn, có tác dụng tán hàn, chữa tiêu chảy ở trẻ em. Để chữa mụn nhọt, lấy múi vải giã nát với ô mai, tạo thành cao đắp lên mụn; hoặc lấy 5 - 7 múi vải giã nát với ít hồ nếp, dàn thành miếng cao, dán lên nơi mụn nhọt.
Phần áo hạt vải thường gọi là múi vải, thành phần chủ yếu là đường, ngoài ra có vitamin A, B, C. Vitamin A và vitamin B chỉ có trong múi vải tươi.
Múi vải cũng là một vị thuốc trong Đông y, vị ngọt chua, tính bình, có tác dụng dưỡng huyết, giảm cơn khát, chữa những bệnh mụn nhọt. Ngoài ra, người ta còn dùng hoa vải, vỏ thân và rễ cây vải sắc lấy nước dùng súc miệng có thể chữa viêm miệng và đau răng.
Vải giúp ngăn ngừa quá trình phát triển của các tế bào ung thư vú
Theo hai nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Đại học Zhejiang Gon Shang và Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc), vải cũng chứa nhiều flavonoid.
Flavonoid có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư do nó có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, từ đó giúp ức chế sự tăng trưởng và lây lan của các tế bào ung thư.
Ngoài flavonoid, trong quả vải còn chứa các loại vitamin C, đây là nguồn dưỡng chất mà cơ thể không thể sản xuất được, có tác dụng giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh ung thư, tim mạch.
Ngoài ra nó còn tốt cho xương, da và các mô cơ thể giúp ngăn ngừa các chứng bệnh như cảm lạnh, sốt, viêm họng, giảm đau.
Lưu ý khi ăn quả vải
Khi ăn vải, bạn nên chọn những quả còn tươi, không bị dập nát.
Không nên ăn quá nhiều vải trong một lúc, bởi nó có thể gây nóng, rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, gây hiện tượng dị ứng.
Các triệu chứng thường thấy là buồn nôn, mồ hôi ra nhiều, khát, khô miệng, mệt mỏi và ở thể nặng có thể gây nhức đầu, mê man, nhất là trẻ nhỏ và nhóm người mắc bệnh tiểu đường.