Ăn uống, đi lại và đồ dùng học tập trong ngày thi

Ăn uống, đi lại và đồ dùng học tập trong ngày thi
(GD&TĐ) - Trong cuộc chạy đua tiếp sức đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu thiếu sự chuẩn bị chu đáo và không có một tâm lý ổn định thì kết quả nhiều khi không được như ý muốn dù chỉ là những việc vô cùng đơn giản. Sau đây là những chia sẻ kinh nghiệm từ các giáo viên ở TPHCM.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1 lưu ý: Những ngày thi cha mẹ nên quan tâm và cố gắng giữ gìn sức khoẻ cho con em mình. Mấy ngày thi tốt nhất là có đồng hồ báo chuông mới chủ động được vì thức quá khuya hay dậy trễ. Nên cắt lịch dán vào trong bóp, hộp đựng bút hay góc học tập như vậy mới nhớ kỹ tránh được chuyện nhớ nhầm ngày thi và môn thi. Địa điểm thi cũng phải nhớ chính xác. Thời gian này cũng nên gác lại các trò chơi  giải trí không cần thiết như xem truyền hình, chơi game, đi chơi…

Những đồ dùng cần thiết như giấy báo thi, chứng minh thư, thẻ học sinh nên bỏ sẵn vào ví, cặp, giỏ cố định và không nên thay tới thay lui giỏ xách. Cũng đừng cho các em mang theo điện thoại cầm tay nếu lỡ mang thì để ngoài phòng thi và tắt nguồn.

Các bà mẹ nên chuẩn bị đồ ăn nấu tại nhà để đảm bảo vệ sinh. Tuyệt đối không được bỏ bữa nhất là ăn sáng dễ bị ngất xỉu trong khi làm bài. Nên chọn những món ăn dễ tiêu. Có người nhà đưa đi thì tốt hơn vì như thế mới kịp xử lý nhanh gọn những tình huống bất trắc ngoài ý muốn. Cũng cần thời gian trừ hao khi đi thi vì có thể gặp tình huống ngoài ý muốn như xe hư, tắc đường, lạc đường. Thí sinh đi thi dù hệ phổ thông hay GDTX cũng nên ăn mặc gọn gàng, kín đáo và tốt nhất là bận đồng phục nhà trường.

Tự tin, ổn định sức khỏe tâm lý là chìa khóa để đạt kết quả cao trong kỳ thi. Ảnh: Xuân Tùng
Tự tin, ổn định sức khỏe tâm lý là chìa khóa để đạt kết quả cao trong kỳ thi. Ảnh: Xuân Tùng
 

Về tâm lý, các em phải tự tin với chính bản thân mình, dù đề thi như thế nào dễ hay khó cũng cố gắng vượt qua. Các em nên tự bằng lòng với những gì mình đã nắm được. Nếu lo lắng thì cũng chẳng giúp ích được gì bởi không còn nhiều quỹ thời gian để học bài nữa. Điều quan trọng bây giờ là cách xử lý và vận dụng các tri thức đó vào bài thi như thế nào. Chuẩn bị tư thế sẵn sàng, vui vẻ lạc quan nhiều hơn hồi hộp. Chỉ có một suy nghĩ duy nhất rất có lợi cho bản thân là quyết tâm làm bài hết sức mình, không được lãng phí chất xám và thời gian cho mỗi môn thi.

Cô Lê Thị Nga – GV Trung tâm GDTX quận 1 cảnh báo: Qua kỳ thi học kỳ 2 vẫn còn 1 vài em chưa biết tô số ký danh và tô mã đề thi. Vì vậy khi nhận được đề thi trắc nghiệm công việc đầu tiên là phải tô chính xác mã đề và số báo danh theo thứ tự từ phải sang trái bắt đầu từ hàng đơn vị thay vì tô từ trái sang phải như một số em mắc lỗi. Cô Nga cũng khuyên không nên làm quăn giấy làm bài trắc nghiệm, nếu bỏ đáp án cũ thì phải xoá sạch rồi mới tô mới đáp án khác. Nhiều em sửa chữa nhiều nên phải thay giấy rất vất vả.
Thầy Lê Xuân Huy – Giảng viên Trung tâm luyện thi đại học 60 An Sương, Q.12 chia sẻ, những thí sinh bị điểm kém là những người thiếu kiên trì hay bỏ cuộc. Vì thế theo thầy Huy, khi vào phòng thi nên thể hiện rõ ý chí của mình theo kiểu “thắng không kiêu, bại không nản”. Làm bài chưa biết đúng sai thì vẫn chờ đợi có điểm còn bỏ cuộc đầu hàng để giấy trắng thì chắc chắn không hy vọng có điểm nào cả. Thầy Huy khuyên, các em nên đến trước phòng thi để xem rõ các nội quy trong đó có quy định về các vật dụng được mang vào phòng thi. Bút bi màu xanh phải cùng loại đề bài thi không bị chú ý. Thi môn Địa được mang Atlat vào phòng nhưng còn mới và không được viết vẽ gì thêm trong đó. Đặc biệt không sử dụng bút xoá vì các em thường ngày hay có thói quen này.
Nguyễn Hoàng Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ