Ấn tượng đua thuyền Tết Độc lập ở Quảng Bình

GD&TĐ - Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Lệ Thủy – Quảng Bình) có lẽ là một trong những lễ hội ấn tượng nhất đối với người dân Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung. 

Ấn tượng  đua thuyền Tết Độc lập ở Quảng Bình

Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân Lệ Thủy. Nó chứa đựng sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan yêu đời và sự vươn lên mạnh mẽ của đất và người nơi đây.

Sử tích đền Bà Lỗ…

Tương truyền rằng, làng An Xá của Lộc Thủy (Lệ Thủy – Quảng Bình) có truyền thống bơi chải nổi tiếng nhất vùng, năm nào trai bơi, gái đua của làng cũng được xếp thứ hạng cao. Nhưng có mấy năm liên tục thuyền bơi của An Xá không biết vì sao không được về nhất ngược lại còn về trong tốp chót. Những năm đó, mùa màng ở làng An Xá thất bát, người dân lấy làm phiền lòng, còn các cụ cao niên muộn phiền ngã bệnh. Trai làng ở đây bất mãn, tự xấu hổ với làng nên bỏ xứ, còn gái làng bị chê bai, góa bụa… không khí của làng ảm đạm, u uất.

Vào mùa đua bơi năm đó, trai làng rất quyết tâm nhưng cũng vẫn không thoát được tâm lý đè nặng lên đôi vai của mình. Thời điểm đó, trong làng có một thiếu nữ xinh đẹp, vì thương cảm đò bơi của làng nên đã nghĩ ra cách để đò bơi của làng mà vượt qua để về đích như mong muốn của người dân ở đây. Người đàn bà đó vì làng vì xã nguyện hy sinh bản thân của mình để giúp đò bơi vô địch.

Đêm trước ngày cả làng tổng tổ chức đua bơi, thiếu nữ đến gặp từng trai bơi và dặn dò một điều gì đó mọi người cũng không biết được, trai bơi chỉ biết rằng khi đò bơi qua doi đất đầu làng thì cứ nhắm mắt, cúi đầu xuống tập trung chầm bơi còn tuyệt đối không được nhìn hai bên… thì tất được về nhất.

Đến khi đoàn thuyền bơi đến chỗ doi đất đầu làng mà thiếu nữ nói, trai bơi của các đội phát hiện một thiếu nữ khỏa thân trên người không có lấy miếng vải che đi những chỗ nhạy cảm. Phát hiện điều đó, trai bơi các thuyền cứ thế trố mắt lên nhìn và cười vui buông lỏng tay chầm, có thuyền vào cua còn bị lật nữa… Riêng đò bơi của An Xá, trai bơi nghe lời người thiếu nữ nên nhắm mắt, cúi đầu cứ thế chắc tay chầm băng băng về đích.

Mọi người hân hoan, trai bơi mừng rỡ cả làng chung nhau cuộc vui nhưng không mấy ai để ý đến người thiếu nữ kia. Khi trai bơi kể lại câu chuyện này, mọi người đổ xô đi tìm nhưng không bao giờ họ tìm được người thiếu nữ đó nữa. Câu chuyện về người thiếu nữ được truyền miệng, có người cho rằng, cô ấy đã quyên sinh ngay sau khi đò bơi của làng về nhất, có người cho rằng, người thiếu nữ ấy bỏ làng đi biệt xứ và sau đó lấy chồng sinh con và sống một nơi xa xôi hẻo lánh.

Cảm kích về việc vì xã tắc mà quên thân mình của người thiếu nữ nên người dân đã lập đền thờ nên đền thờ gọi tên là Đền Bà Lỗ (tiếng địa phương gọi Lỗ là ở truồng, ở trần) để ghi nhớ công ơn của người thiếu nữ... Kể từ đó, người dân cũng như trai bơi làng An Xá mỗi lần tham dự đều đến Đền Bà Lỗ thắp hương để cầu xin sự may mắn…

Đua thuyền mừng tết Độc lập

Lễ hội đua thuyền truyền thống của người Lệ Thủy có từ bao giờ thì chắc hẳn không ai biết chính xác, chỉ qua câu chuyện của Đền Bà Lỗ được người dân truyền miệng có lẽ lễ hội đã được diễn ra từ xa xưa bởi lễ hội được tổ chức sau mùa vụ nông nhàn của bà con nhân dân huyện Lệ Thủy. Trong quan niệm, nhiều người cho rằng đây cũng có thể là một lễ hội mừng lúa mới hay là lễ hội cầu mùa và làng nào về nhất lễ hội này thì năm đó cả làng sẽ được mùa, may mắn…

Sau Cách mạng tháng 8/1945, hội đua thuyền toàn huyện được tổ chức lần đầu tiên nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Từ đó về sau ngày ấy trở thành ngày hội đua thuyền truyền thống toàn huyện.

Nhiều vị cao niên kể lại rằng, mừng chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), nhân dân xã Phong Thủy nay là 3 xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy đã mở hội đua thuyền mừng chiến thắng trong khi đồn giặc Pháp ở Tuy Lộc chưa kịp rút. Trong kháng chiến chống Mỹ, có hai lần tổ chức cuộc đua. Một cuộc đua của xã An Thủy tổ chức vào năm 1970. Một cuộc đua thuyền toàn huyện tổ chức vào năm 1973, chào mừng Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc bấy giờ vào thăm Lệ Thủy.

Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hội đua thuyền toàn huyện được tổ chức thường xuyên và đông vui, náo nhiệt hơn. Có năm số lượng thuyền đua lên tới 22 chiếc của nam, 12 chiếc của nữ. Chính điều này đã làm cho lễ hội đua thuyền vốn đã đông vui, náo nhiệt lại càng rộn ràng hơn.

Cứ mỗi độ tháng 8 thu về, trên dòng Kiến Giang hiền hòa lại âm vang tiếng mõ, tiếng chiêng trống của ngày hội đua thuyền. Làng làng, xã xã tập trung tuyển chọn trai bơi, gái chèo để luyện tập nên dòng Kiến Giang đã “dậy sóng” ngay từ đầu tháng. Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân Lệ Thủy. Nó chứa đựng sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan yêu đời và sự vươn lên mạnh mẽ của đất và người nơi đây.

Có thể nói, lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Lệ Thủy là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Quảng Bình được tổ chức hằng năm. Điều đọng lại trong lòng du khách đó là những hình ảnh “trai bơi gái đua” cố gắng hết mình trên toàn quãng đường đua hàng chục km và có một điều đặc biệt là họ chưa bao giờ bỏ cuộc đua dẫu về cuối. Dưới sông là vậy, còn hai bên bờ người dân cổ vũ hết mình, họ lao ra giữa sông dùng nón lá hất nước sông lên cho trai bơi gái đua để tiếp sức cho vận động viên tranh tài…

Cứ mỗi độ tháng 8 thu về, trên dòng Kiến Giang hiền hòa lại âm vang tiếng mõ, tiếng chiêng trống của ngày hội đua thuyền. Làng làng, xã xã tập trung tuyển chọn trai bơi, gái chèo để luyện tập nên dòng Kiến Giang đã “dậy sóng” ngay từ đầu tháng. Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân Lệ Thủy. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.