Ấn tượng cái tên “lạ” của giảng viên sư phạm

Ấn tượng cái tên “lạ” của giảng viên sư phạm

Thành tích cá nhân là nỗ lực của tập thể

Thầy Phạm Văn Giềng là giảng viên khoa Giáo dục Chính trị, nguyên Bí thư Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội 2. Trong thời gian đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy cũng như là cán bộ Đoàn, thầy Giềng đã lãnh đạo Đoàn thanh niên trường trở thành đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên thành phố Hà Nội năm 2019 và được đón nhận Huân chương Lao động hạng III. Ngoài ra, thầy Giềng còn công bố gần 30 công trình khoa học trên các tạp chí uy tín, 2 đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở (đã nghiệm thu). Đặc biệt, thầy hướng dẫn đội tuyển Olympic các môn Khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của thành phố Hà Nội đạt giải Ba toàn quốc.

Thầy Giềng chia sẻ: "Sự ghi nhận dành cho cá nhân cũng chính là thành tích của tập thể. Những gì tôi làm được đều có sự ủng hộ và dấu ấn rất lớn của cán bộ, giảng viên và SV trong trường. Tôi luôn cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn nữa với danh hiệu này".

Khi được hỏi về cái tên ấn tượng của mình, thầy Giềng cho biết: "Lúc mới sinh, cha mẹ muốn đặt tên con xấu với quan niệm dễ nuôi. Tên của tôi bắt nguồn từ đó. Nó không chỉ thân thuộc với những người ở quê, mà còn có ý nghĩa là "Giềng mối" chỉ khuôn phép, kỉ cương của đạo đức. Giềng nằm trong từ tháng Giềng, sau gọi tháng Giêng, là tháng đầu tiên trong năm, mở đầu những gì tốt đẹp… Tôi đã từng mong muốn được đổi tên khi còn nhỏ, bởi nghĩ tên xấu. Nhưng lớn lên, tôi vô cùng tự hào với tên do cha mẹ đặt cho".

Sinh ra và lớn lên ở Móng Cái (Quảng Ninh), nơi vùng biên có giao thương buôn bán nên bạn bè của thầy Giềng đều chọn ngành kinh tế và du lịch để theo học. Vốn không thích ồn ào, lại rất thích nghề giáo nên thầy Giềng chọn ngành sư phạm. Thầy giáo trẻ chia sẻ: "Tôi thấy mình hợp với nghề giáo. Quãng thời gian 4 năm gắn bó với Trường ĐHSP Hà Nội 2, tôi yêu mảnh đất này lúc nào không hay. Vậy là tôi quyết tâm ở lại trường tham gia giảng dạy".

Tâm huyết với hoạt động cộng đồng

Ấn tượng cái tên “lạ” của giảng viên sư phạm ảnh 1
Thầy Phạm Văn Giềng tại lễ tuyên dương.

Là một giảng viên trẻ, với lòng nhiệt huyết và tinh thần học hỏi cao, thầy Giềng luôn cố gắng trau dồi bản thân để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời là tấm gương sáng cho SV noi theo.

Kể về những ngày tham gia bồi dưỡng đội tuyển Olympic các môn khoa học Mác – Lênin, đại diện cho thành phố Hà Nội tham gia cuộc thi toàn quốc, thầy Giềng cho biết: Mỗi tỉnh thành chỉ có một đội tuyển nên cuộc thi vòng loại rất căng thẳng. Đối với các môn Lí luận chính trị, SV phải có trí nhớ tốt và khả năng phân tích vấn đề nhạy bén. Các thầy cô trong Khoa Giáo dục Chính trị, Khoa Lịch sử của Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã cùng tham gia huấn luyện đội thi. Hàng tuần, các nhóm sẽ thi đấu vòng loại, từ 500 người xuống còn 50 người. Cuối cùng, đoàn đã chọn được 7 thành viên chính thức cho đội tuyển. Sau đó là chuỗi 2 tháng sinh hoạt tập trung, ôn luyện theo từng môn học. Thầy Giềng chia sẻ: "Tôi đã cho các em thi theo dạng mô phỏng để các em tập phản ứng và cũng để loại dần. Kết quả là các em đã xuất sắc giành giải Ba toàn quốc. Đó là sự nỗ lực của cả đội trong quá trình tham gia cuộc thi. Thành tích này cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, ham học hỏi của các em nên chúng tôi rất tự hào về SV của trường".

Nói về các hoạt động xã hội, thầy Giềng cho biết: "Tôi đã tổ chức nhiều các lớp học dành cho HS phổ thông có hoàn cảnh khó khăn trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Các bạn giáo sinh không chỉ dạy học mà còn sinh hoạt chung với các em, sáng ngủ dậy sớm, cùng tập thể dục, lên lớp, tham gia các hoạt động thể dục thể thao và quản lý HS. Nhờ các hoạt động xã hội này mà nhiều giáo sinh được các tổ chức phi chính phủ tiếp tục tài trợ cho những dự án thiện nguyện. Các giáo sinh khác cũng được tuyển dụng, giảng dạy trong các trung tâm, trường học lớn ngay sau khi tốt nghiệp".

Thầy Phạm Văn Giềng đang có kế hoạch phát triển các Dự án giáo dục cộng đồng và xây dựng hệ thống hỗ trợ SV sư phạm và đồng nghiệp những tài liệu, sách, tranh ảnh… trên nền tảng mạng xã hội. Tương lai xa hơn, thầy giáo trẻ hi vọng sẽ xây dựng 1 team để tạo ra các App dành riêng cho thầy cô sử dụng miễn phí trên các thiết bị thông minh. "Kỉ nguyên giáo dục số đã mở ra từ lâu. Để đuổi kịp cuộc cách mạng 4.0, GD- ĐT phải đi nhanh hơn các lĩnh vực khác. Tôi hy vọng, dự án này sẽ thu hút được nhiều thầy cô tham gia" – thầy Giềng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.