Ăn hoa quả sau bữa ăn
Ăn hoa quả sau bữa ăn là thói quen nhiều người vẫn làm. Không ít người cho rằng đó là cách để tráng miệng hiệu quả. Nhưng mấy ai biết được đây là thói quen gây ảnh hưởng đến dạ dày và hệ tiêu hóa.
Sau khi ăn, có nghĩa bạn đang cảm thấy no với cơm và thức ăn vừa đưa vào cơ thể. Khi ăn quá nhiều hoa quả sẽ đưa thêm một lượng đường, fructose, glucose hoặc tinh bột. Khi đó, dạ dày và hệ tiêu hóa bị quá tải đột ngột, gây gánh nặng. Khi các bộ phận này làm việc quá sức sẽ gây bệnh về sau.
Đặc biệt, tinh bột có nhiều trong những trái cây chưa chín hẳn nên khi bạn ăn sau bữa cơm có nghĩa cơ thể phải thêm một lượng tinh bột nhiều hơn bên cạnh tinh bột từ cơm, phở, mỳ... khiến dạ dày phải "tốn sức" để tiêu hóa.
Gọt nhiều hoa quả để ăn dần
Nhiều người có thói quen cắt hoa quả nhiều cùng một lúc để đựng trong bát, đĩa rồi ăn dần trong ngày. Thói quen này tưởng như tiết kiệm được thời gian, phù hợp với người lười. Nhưng thực tế lại không tốt và đang tự làm mất đi dinh dưỡng, độ ngon của hoa quả.
Theo các nghiên cứu, với các loại trái cây khi tiếp xúc với nhiệt độ bên ngoài hoặc ánh sáng sẽ bị nhũn, hỏng, bốc mùi hay biến chất. Đặc biệt là các loại quả chứa nhiều vitamin C, nhiều đường dễ gặp phải điều này.
Nếu như để nguyên cả vỏ thì quá trình này diễn ra chậm. Còn khi bạn đã gọt vỏ, có nghĩa bề mặt sẽ tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài càng làm cho quá trình phá hủy nhanh hơn.
Chưa kể trong không khí có nhiều vi khuẩn khác nhau chực chờ thâm nhập vào bề mặt. Khi ăn chúng sẽ đi vào cơ thể qua đường tiêu hóa.
Trái cây không ăn kèm với hải sản
Trái cây luôn hấp dẫn mọi người vì vị ngọt cũng như độ giòn, chua hay thơm, màu hấp dẫn khi chín tới. Tuy nhiên, khi ăn hải sản, tuyệt đối không ăn trái cây. Bởi vì, trong hải sản có chứa các chất dinh dưỡng như canxi, sắt. Trong khi trái cây chứa đường, chất xơ và kể cả axit.
Khi đi vào cơ thể, sắt, canxi kết hợp với axit càng làm cho bạn cảm thấy ì ạch ở dạ dày và khó tiêu hóa. Nếu nặng hơn sẽ cảm thấy buồn nôn hay nôn do khó hấp thu. Đặc biệt, bạn tránh ăn mơ, chanh, bưởi... khi ăn hải sản do những trái cây này chứa axit tannic.
Ăn dứa khi đói
Dứa là loại quả bình dân được bán nhiều dọc các vỉa hè. Thêm nữa đây là loại quả có vị thơm, ngon nên có thể nấu thành canh, xào hay ăn vặt. Tuy nhiên, bạn khó nhận ra, dứa là loại quả không được ăn lúc đói. Với người đau dạ dày, chỉ cần ăn một miếng dứa nhỏ cũng khiến cơn đau quay lại.
Nguyên nhân do axit trong dứa khi đi vào dạ dày sẽ tác động lên niêm mạc gây viêm, đau, loét hang vị. Không chỉ ăn dứa mới gọt mà cả nước dứa xay sinh tố cũng không nên uống khi đói, bởi dù đã xay thì các yếu tố gây hại cho dạ dày, đường ruột vẫn còn.
Bạn cũng nên tránh ăn các quả dứa dập nát. Trên bề mặt các quả dập nát sẽ ứa nước, đây là môi trường lý tưởng cho các nấm, vi khuẩn tấn công và trú ẩn để đi vào cơ thể khi ăn.