An toàn lớp học trực tuyến: Không chỉ là phần mềm

An toàn lớp học trực tuyến: Không chỉ là phần mềm

Phần mềm an toàn là quan trọng, nhưng quan trọng hơn, giáo viên phải nắm vững kỹ năng, tính năng khi sử dụng.

Dễ “out” vì Zoom miễn phí?

Thầy Võ Thiện Cang - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TPHCM) cho biết: Hầu hết GV của trường dạy học trực tuyến thông qua phần mềm miễn phí do VNPT và 789.vn hỗ trợ cùng các ứng dụng như Facebook chat, Zalo, email… “Trường chưa có chính sách sử dụng phần mềm dạy học có trả phí cho GV trong dạy online” – thầy Võ Thiện Cang chia sẻ.

Trong các phần mềm miễn phí, giáo viên thường chọn Zoom. Tuy nhiên, sau khi dạy học online một thời gian, cô Hồ Tịnh Văn - GV Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho hay: “Tôi đang tìm hiểu phần mềm khác để thay thế cho Zoom vì xài miễn phí không thuận tiện ở chỗ bài giảng bị ngắt nửa chừng, mất thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó nhiều trang cảnh báo Zoom bảo mật không an toàn nên tôi cũng thấy lo lắng...”.

Tình trạng sử dụng ứng dụng Zoom phiên bản miễn phí (free) nên hay bị “out” (thoát ra giữa chừng) cũng diễn ra với TS Hà Thị Kim Phượng - GV Trường THPT Gia Định (TPHCM). Theo TS Phượng, với sự nỗ lực của bản thân và hỗ trợ của đồng nghiệp, chị sử dụng phần mềm Zoom Club Meeting để dạy. Tuy nhiên, Zoom bị lỗi và hay hack liên tục, nên chị chuyển sang dạy bằng Microsoft Teams của bộ Office 365.

Phần mềm mất phí có tốt?

Với một số đơn vị tự chủ về tài chính, sử dụng Zoom bản quyền ít gặp lỗi bảo mật. TS Nguyễn Long Giang - Trưởng khoa In & Truyền thông, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cho hay: “Trường dạy học online qua Zoom nhưng chưa bị các trường hợp về an toàn bảo mật. Có thể do GV phổ thông sử dụng phiên bản miễn phí”.

Thực tế cho thấy, phần lớn các trường THPT tư thục dạy học online sử dụng phần mềm có trả phí cũng ít gặp những sự cố như “out” (thoát ra ngoài giữa chừng) khi đang dạy. Cô Lê Huỳnh Ngọc Phố - GV Tiếng Anh, Trường Hội nhập quốc tế iSchool Long An (iSchool Long An), cho biết: GV và HS sử dụng ứng dụng Microsoft Teams của bộ Office 365 để tạo lớp học và thực hiện dạy - học online rất hiệu quả và an toàn.

“Khi dạy học online bằng các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ chúng ta cần xem kỹ các thông tin về cách sử dụng, ứng dụng có trong phần mềm tương tác. Đồng thời, nên sử dụng ứng dụng, phần mềm có bản quyền. Nhằm hạn chế tối đa sự cố không mong muốn như xuất hiện các trang web không phù hợp, thầy cô cần tham khảo thêm cách để hạn chế quảng cáo, khi cài đặt phải lưu ý kỹ cũng như nghiên cứu về các phần mềm đã qua kiểm duyệt của Bộ GD&ĐT” - cô Lê Huỳnh Ngọc Phố chia sẻ.

Quan trọng là người sử dụng

Trong điều kiện các trường, nhất là trường công còn khó khăn về tài chính, chưa trang bị đầy đủ phần mềm có bản quyền, việc sử dụng các phần mềm miễn phí vẫn cần thiết. Tuy nhiên, khi sử dụng phần mềm này, giáo viên phải nắm rõ các kỹ năng, tính năng sử dụng.

TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) cho biết: Nhà trường yêu cầu GV và SV chỉ chia sẻ ID và mật khẩu phòng trong nhóm SV của lớp. Đồng thời tạo phòng chờ để GV kiểm tra tên và phê duyệt, SV mới tham gia lớp học được.

“Chỉ người điều khiển chính (GV) mới được phép share màn hình, điều khiển mở micro của SV để tránh trường hợp làm ồn lớp học hoặc share hình ảnh nhạy cảm (ai phát biểu mới mở micro). Nếu SV ăn mặc hở hang tham gia lớp học, GV cũng khóa luôn camera của SV đó. Hoặc khóa chức năng gửi tin nhắn của từng người nếu có ý định phá lớp học” - TS Nguyễn Vũ Quỳnh thông tin.

Cũng theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, nếu xảy ra tình trạng thêm nhầm SV, GV hoàn toàn có thể loại bỏ người đó ra khỏi buổi học (chức năng trên Zoom). Các chức năng này được Zoom hỗ trợ, quan trọng là GV có biết để khai thác hay không. 

Các trường nên tập huấn cho GV để họ sử dụng thành thạo phần mềm, lớp học online mới hiệu quả, tránh trường hợp GV vào lớp còn loay hoay xử lý mấy tình huống lặt vặt mất hết thời gian. - TS Nguyễn Vũ Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ