(GD&TĐ) - Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội trong tháng 3 vừa qua, có 102 học sinh vi phạm an toàn giao thông. Phần lớn những HS vi phạm đều nằm trong nội thành. Các lỗi vi phạm là không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ và lỗi chưa đủ điều kiện đi xe máy… Đó là thực tế nhức nhối hiện nay.
Nhiều học sinh đi xe máy đến trường ....và vi phạm luật an toàn giao thông như thế này! Ảnh: Minh Hằng |
Những vấn đề còn tồn tại
Tại Hội nghị trực tuyến về đảm bảo an ninh và trật tự trường học vừa qua, theo ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD&ĐT - những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện là: Một số trường đã có nhiều biện pháp phân định vị trí đứng đón con, nhưng nhiều phụ huynh vẫn đứng tràn xuống lòng đường, gây trở ngại cho các phương tiện lưu thông trên đường phố như tại Trường Tiểu học Bình Minh, Tràng An, Nguyễn Du, Trưng Vương (Hoàn Kiếm); Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Đống Đa)...
Công tác phối hợp với cha mẹ HSSV quản lý HSSV sử dụng các phương tiện đến trường ở một số trường làm chưa tốt, thiếu kiên quyết, triệt để vẫn để HS vi phạm nhiều như: THPT Trương Định, Thăng Long, Nguyễn Tất Thành Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Trung Văn, Cầu Giấy, Yên Hoà; Việc xử lý HSSV vi phạm ở một số nhà trường còn chậm chưa kịp thời, thiếu báo cáo thông tin; Một số trường xử lý HS vi phạm an toàn giao thông còn chưa theo sự thống nhất của Sở GD&ĐT, còn quá nặng hoặc quá nhẹ.
Bên cạnh đó thì số lượng các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn nhiều, sinh viên tham gia giao thông chiếm tỷ lệ khá lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường chưa quan tâm đến công tác quản lý SV ngoài nhà trường. Cụ thể trong việc thực hiện đổi giờ, nhiều trường không triển khai, hoặc triển khai còn chưa quyết liệt; những sinh viên vi phạm giao thông, lực lượng CSGT không có địa chỉ thông báo.
Bảo vệ an toàn cho trẻ phải bắt đầu từ ý thức phụ huynh |
Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành
Để giảm thiểu những vi phạm và đảm bảo an toàn giao thông, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động về an toàn giao thông tại các nhà trường. Ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Năm học 2012 - 2013, Sở đã tổ chức 8 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông và các văn bản chỉ đạo ATGT cho hơn 800 cán bộ quản lý, giáo viên, HSSV. Chỉ đạo 100% các đơn vị triển khai tuyên truyền tại các đơn vị và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên; phối hợp với Ban ATGT Thành phố xây dựng gần 400m2 pano tại các nhà trường trọng điểm có nhiều học sinh đi xe máy đến trường; phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông và Ban ATGT TP phát hành gần 400 đĩa CD tuyên truyền trên loa phát thanh các nhà trường vào đầu - cuối giờ học; Hàng tháng thông tin các hoạt động ATGT của Ngành; kịp thời biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt đi đầu trong công tác giáo dục ATGT.
Ông Phạm Văn Hậu - Phó phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội - cũng cho biết qua công tác kiểm tra trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những điểm trông xe nhận trông giữ xe máy của học sinh tại các trường THPT. Vì vậy nhà trường cần phối hợp chặt chẽ hơn với các đội cảnh sát giao thông để quản lý tốt các bãi trông xe nhằm hạn chế việc HS chưa đủ tuổi vẫn đi xe gắn máy đến trường. Phòng Cảnh sát giao thông cũng đã phối hợp với các phòng chức năng của Sở GD&ĐT với các nhà trường. Cụ thể yêu cầu cha mẹ HS phải ký cam kết về việc đảm bảo an toàn giáo thông; Thường xuyên lập danh sách HS vi phạm gửi về các trường; Bố trí cán bộ, tham gia bí mật ghi hình, nhận diện học sinh để xử lý vi phạm.
Như vậy để nâng cao nhận thức và đảm bảo an toàn giao thông cho HS khi đến trường thì công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh kết hợp với chế tài xử lý vi phạm hợp lý đối với những HS vi phạm.
Để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên (HSSV) trong dịp hè năm 2013, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT, các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho HSSV. |
V. Anh