Ăn Tết ở miền Tây

Ăn Tết ở miền Tây

Ở miền Tây, việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán bắt đầu từ lúc đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp). Lúc này nhà nhà cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, quét dọn phần mộ ông bà, tổ tiên.

Lặt lá mai vàng để nở hoa đúng dịp Tết.
Lặt lá mai vàng để nở hoa đúng dịp Tết. 

Người lớn tuổi thì đem những câu đối, cặp liễn treo trên nhà trước xuống lau chùi; sau đó chùi bộ lư đồng và bàn thờ gia tiên.

Mỗi nhà đều trồng cụm hoa phía trước trưng Tết.
Mỗi nhà đều trồng cụm hoa phía trước trưng Tết. 

Trẻ nhỏ, thanh niên thì cùng nhau ra sân trước nhà lặt lá mai vàng để kịp trổ bông ngay ngày Tết. Riêng phụ nữ trong gia đình có nhiệm vụ quan trọng là làm các loại bánh, mứt và nấu các món ăn.

Quết bánh phồng - một loại bánh không thể thiếu ngày Tết ở miền Tây.
 Quết bánh phồng - một loại bánh không thể thiếu ngày Tết ở miền Tây. 

Món ăn ngày Tết ở miền Tây rất đa dạng, phong phú, trong đó món chủ lực phải có là bánh tét, thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, các loại khô, mắm… Món ăn chơi có mứt dừa, bánh bông lan, bánh ống, bánh kẹp cuốn… Ngày xưa, tất cả các món này được làm bằng thủ công truyền thống.

Mâm cúng tiễn ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp.
 Mâm cúng tiễn ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp.

Công tác chuẩn bị xong cũng đến ngày giáp Tết, thông thường vào ngày 28 tháng Chạp là tất cả mọi người trong gia đình sum họp bên bàn trà rồi cùng ăn cơm.

 
Trước Tết, phụ nữ, trẻ em trong gia đình chuẩn bị làm các loại bánh, mứt.
 Trước Tết, phụ nữ, trẻ em trong gia đình chuẩn bị làm các loại bánh, mứt.

Ngày cuối năm (29 hoặc 30 tháng Chạp) mỗi gia đình đều làm mâm cơm gồm thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, gà luộc, dưa hấu, bánh tét, bánh mứt… cúng lễ “rước ông bà” - rước ông bà đã quy tiên về cùng ăn Tết với con cháu.

 
Các món ăn truyền thống như gói bánh tét, khổ qua dồn thịt được người lớn tuổi truyền dạy lại cho người trẻ.
Các món ăn truyền thống như gói bánh tét, khổ qua dồn thịt được người lớn tuổi truyền dạy lại cho người trẻ. 

Đến đêm giao thừa tất cả mọi người trong gia đình sum họp bên chén trà, ăn bánh mứt chờ thời khắc giao thừa để cùng nhau thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cầu chúc cho năm mới an lành, hanh thông và thuận lợi.

 
Mai vàng, cúc vàng, vạn thọ không thể thiếu trước nhà ngày Tết.
 Mai vàng, cúc vàng, vạn thọ không thể thiếu trước nhà ngày Tết. 

Ngày mùng 1 Tết ở miền Tây mọi người thường ở nhà để nghỉ ngơi sau một năm làm việc. Ngày đầu năm mọi người dành những lời tốt lành cho nhau, mọi việc buồn vui đều bỏ lại phía sau. Người lớn, trẻ nhỏ cũng chọn những bộ đồ mới để mặc. Nhà cửa cũng tạm gác lại việc lau chùi, dọn dẹp vừa để nghỉ ngơi, vừa để đón lộc đầu năm.

 
Mâm ngũ quả và mâm cơm cúng ngày Tết ở miền Tây
 Mâm ngũ quả và mâm cơm cúng ngày Tết ở miền Tây

Sau ngày mùng 1, miền Tây bắt đầu nhộn nhịp với các hoạt động du xuân, chơi Tết. Người về thăm ông bà, nội ngoại, người đi thăm họ hàng, làng xóm. Một hoạt động không thể thiếu của nhiều gia đình là đi chùa cầu may, xin lộc, xin chữ đầu năm…

Thịt kho Tàu, món ăn đặc trưng ngày Tết ở miền Tây.
 Thịt kho Tàu, món ăn đặc trưng ngày Tết ở miền Tây.
Mâm cơm ngày Tết.
 Mâm cơm ngày Tết.

Tết ở miền Tây đến nay vẫn còn giữ được cái hồn của Tết xưa, không ít người dân thị thành cũng chọn về nhà người thân, bạn bè ở miền Tây “ăn Tết”. 

Ngày đầu năm, nhiều người đi chùa cầu an, xin chữ đầu năm.
 Ngày đầu năm, nhiều người đi chùa cầu an, xin chữ đầu năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ