Ân nhân của học sinh nghèo

Trở về đời thường khi đã cụt một tay, một chân và mất một mắt, cuộc sống không vợ con đầy khó khăn, với các chế độ thương binh 5,9 triệu đồng/tháng, ông vẫn dành dụm tiền để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. 

Ông Tám Ý với các em học sinh nghèo.
Ông Tám Ý với các em học sinh nghèo.

Thương binh hạng 1/4 Lê Văn Ý ngụ ở ấp Mỹ Sơn Ðông, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre là tấm gương điển hình làm theo lời Bác dạy "Thương binh tàn nhưng không phế". 

Ðối với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở ấp Mỹ Sơn Ðông, ông Lê Văn Ý, tên thường gọi Tám Ý là cái tên thân thuộc mà mọi người dân vẫn trìu mến gọi. Với những trẻ em nghèo không có tiền đi học, ông như một ông Bụt. Ông sử dụng tiền lương thương binh hằng tháng để giúp các em học sinh đóng học phí, mua sách vở, áo quần; có em học giỏi được ông tặng xe đạp để đi học. 

Ông tâm sự: Nhìn những trẻ em nghèo không được đến trường, lòng ông day dứt và luôn nghĩ phải làm gì giúp các em được đến trường. "Ðể các em vì nghèo mà phải nghỉ học là chúng ta có lỗi". - Ông bảo vậy.

Cậu học trò đầu tiên được ông giúp là Phan Văn Ẩn ở ấp Chợ Cũ, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc. Nhà nghèo lại đông anh chị em, cuộc sống luôn thiếu thốn. Hằng ngày, Phan Văn Ẩn thường nhịn ăn sáng đi học; bữa cơm trưa, cơm chiều cũng chủ yếu là độn ngô hoặc khoai. Biết Ẩn có ý định bỏ học phụ cha mẹ lo cho các em, ông Tám Ý vừa động viên em tiếp tục đi học vừa dùng tiền của mình dành dụm giúp em mua sách vở và đóng học phí. Khi Phan Văn Ẩn học Ðại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, mỗi tháng ông hỗ trợ 300 nghìn đồng cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Ông còn mua xe đạp cho Ẩn đi học. 

Trở thành kỹ sư, có việc làm ổn định và nhà cửa đàng hoàng ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, Phạm Văn Ẩn không bao giờ quên ơn người đã cưu mang mình, gửi tiền về nhờ mẹ mua một cây vàng để cảm ơn nhưng ông Tám Ý dứt khoát từ chối. Ông nói số tiền đó dùng để lo cho các em đi học. Phan Văn Ẩn xúc động tâm sự: Nếu không có ông Tám giúp đỡ, tôi và các em sẽ không được học hành và có việc làm, cuộc sống ổn định như hiện nay.

Với trường hợp em Bùi Minh Long ở cùng xóm với ông Tám Ý. Vì nhà nghèo, ba mẹ Long muốn em nghỉ học ở nhà làm ruộng. Biết Long là học sinh giỏi toán, ông đến động viên gia đình cho em tiếp tục đi học. Ông giúp đỡ gạo, cho tiền đóng học phí, mua sách vở. Từ những việc làm tận tình của ông Tám Ý mà Long trở thành sinh viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. 

Vào đại học, mọi chi phí tốn kém hơn, gia đình em Long và ông không đủ sức lo. Bao đêm suy nghĩ, ông Tám Ý quyết định xin nhận cháu Long làm con nuôi. Biết ơn ông Tám, Bùi Minh Long cố gắng học giỏi, tốt nghiệp đại học và hiện là Giám đốc Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng cổ phần Việt Á, thị xã Tân An, tỉnh Long An.

Em Nguyễn Văn Tài ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách cũng là một trường hợp đặc biệt được ông Tám Ý giúp đỡ. Học ngành cơ khí chế tạo máy Trường đại học Cần Thơ đến năm thứ ba, gia đình Tài không còn khả năng tiếp tục đóng học phí. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, ông Tám Ý hỗ trợ vật chất cho đến khi Tài tốt nghiệp và được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Biết em rất cần một chiếc máy tính xách tay để soạn giáo án nhưng không có tiền mua, ông Tám Ý dùng đất của mình thế chấp vay ngân hàng 15 triệu đồng và trả dần bằng tiền lương thương binh hằng tháng của mình. 

Với sự giúp đỡ của ông Tám Ý, Tài đã có công việc ổn định, hằng tháng Nguyễn Văn Tài dành dụm để trả tiền cho ông Tám Ý nhưng ông không nhận và khuyên Tài nên dùng số tiền đó giúp các em sinh viên nghèo vượt khó đến trường. Số tiền này được Nguyễn Văn Tài giúp đỡ ba sinh viên nghèo Trường đại học Cần Thơ tiếp tục học tập. Với sự nỗ lực của bản thân và không phụ sự giúp đỡ của ba nuôi Tám Ý, Nguyễn Văn Tài vừa giành được suất học bổng đi học cao học tại Hàn Quốc.

Ðược giúp các em học sinh, sinh viên nghèo đến trường là niềm vui, là hạnh phúc của ông Tám. Khi các em thành đạt, ông vô cùng phấn khởi và thấy việc làm của mình có ích. Bây giờ ông Tám Ý vẫn cần mẫn giúp chín em học sinh, sinh viên nghèo. Cha mẹ cho 2,7 công đất vườn, ông nhường cho người anh ruột, còn mình thì ra cất cái chòi ở cạnh bờ sông Hàm Luông. UBND xã Phú Mỹ ngỏ ý xây tặng căn nhà tình nghĩa, nhưng ông nhường cho ba gia đình chính sách khác khó khăn hơn, rồi sau đó mới nhận.

Anh Nguyễn Văn Thiện, người đưa đò khách từ xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc vượt sông Hàm Luông sang xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành cảm kích cho biết: Ông Tám giúp tôi cái bến bãi đưa rước khách này và bắt viết giấy cam kết nuôi con ăn học đến đại học. Chính ông là động lực giúp tôi gắng nuôi con ăn học. Ðến nay một cháu nhà tôi đang học đại học.

Sáu mươi chín tuổi, người thương binh "tàn nhưng không phế" đã chắt chiu cả cuộc đời mình để ươm mầm tương lai cho đất nước. Năm 2013, ông được ra Thủ đô Hà Nội dự Ðại hội "Người thương binh tiêu biểu".

Theo Nhân Dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ