Nước chiếm đến 60-70% khối lượng cơ thể. Để điều hòa được lượng nước này đến với các bộ phận trong cơ thể không thể thiếu vai trò của muối. Nó giúp cơ thể kiểm soát khối lượng máu, điều hòa huyết áp, giúp bắp thịt có thể co duỗi... Do đó muối (bao gồm cả muối ăn, nước mắm, bột canh) là một loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày.
Nếu ai không may mắc một số bệnh phải ăn nhạt hoàn toàn thì thật là khổ sở vì sẽ mất đi cảm giác ngon miệng. Tuy vậy, có những người sức khỏe bình thường ép mình ăn nhạt do ảnh hưởng của nhiều bản tin y học kể tội đủ điều về muối ăn không sạch, ăn muối nhiều không tốt cho tim, thận, huyết áp. Họ bị ám ảnh bởi những thông tin đó nên khi nấu nướng không dám nêm “mạnh tay” làm món ăn mất đi vị đậm đà. Tốt đến thế nào về sức khỏe chưa khẳng định được, nhưng điều rõ ràng là món ăn mất đi vị độc đáo, hấp dẫn.
Vấn đề không phải là mặn hay nhạt mà cần phải ăn vừa đủ muối trong bữa cơm. Nếu có hại cho sức khỏe là do nhiều người vô tình tiếp tay nâng cao lượng muối ăn trong thói quen thích ăn mặn mà ít uống nước.
Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại khiến con người ngày càng ưa chuộng các thực phẩm chế biến sẵn với mọi loại gia vị đi kèm, khiến chúng ta nạp vào cơ thể một lượng muối ngày càng cao.
Ăn bao nhiêu muối thì đủ?
Có nhiều cách để món ăn đủ muối, đủ mặn nếu chúng ta biết cách dùng gia vị, thay vì cứ rắc thật nhiều muối cho “sướng tay” mà không nếm. Bạn có thể dùng bột canh, hạt nêm thay thế vì hàm lượng muối trong nó ít hơn, nếu có lỡ tay cũng không sợ mặn.
Hoặc nếu bạn đã sử dụng các sản phẩm đóng gói ăn liền như đồ chiên, bánh mặn, bánh mì, ngũ cốc và rau quả đóng hộp thì nên uống nhiều nước vì các đồ ăn này có rất nhiều muối natri. Việc bổ sung muối cho cơ thể hợp lý là sự kết hợp tinh tế trong ăn uống, nó tùy thuộc vào thời tiết, mức độ hoạt động của cơ thể và thói quen ăn uống của từng người.
Theo các nhà khoa học, người bình thường chỉ nên tiêu thụ 4-6g muối, với người cao huyết áp thì chỉ nên dùng 2-4g muối/ngày.
Bạn nên hạn chế tối đa những loại thực phẩm chế biến sẵn như mì sợi, thực phẩm đông lạnh, các loại dưa chua, khoai tây chiên... Cũng không nên lạm dụng muối khi bảo quản thực phẩm, tốt nhất là chọn những đồ tươi sống. Khi chế biến thức ăn bạn nên cho muối vào sau cùng, để có cảm giác mặn hơn, nhờ đó lượng muối đưa vào cơ thể ít hơn.
Ai không nên ăn mặn?
- Người bị bệnh thận không nên ăn nhiều muối so với người bình thường vì khi ăn mặn thường khát nước khiến thận làm việc nhiều.
- Người bệnh tim: Nếu tim yếu không chuyển được máu về thận để lọc muối và thận không lọc được tốt thì cơ thể sẽ giữ nước lại gây phù.
- Những người hay dị ứng, nổi mề đay cũng không nên ăn mặn vì muối thừa nhiều gây tăng kích thích thần kinh ngoại vi, cơ thể tăng mẫn cảm với chất gây dị ứng.
- Trẻ em, người già và phụ nữ mang thai nên dùng ở tỷ lệ thấp hơn mức bình thường vì nhu cầu cơ thể ít, các cơ quan hoạt động yếu, giảm triệu chứng tim hồi hộp, lòng buồn bực khó chịu (đối với bà bầu), điều này tốt cho thai nhi.