Ăn mặn ảnh hưởng đến tầm vóc trẻ

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần 60% người Việt Nam đang tiêu thụ lượng muối vượt quá khuyến cáo 2-3 lần.

Ăn mặn ảnh hưởng đến tầm vóc trẻ

Theo đó, mức được khuyên dùng chỉ là 5g/người/ngày, nhưng ở nhiều địa phương, điển hình là Nghệ An, trung bình người dân dùng 13g muối/người/ngày.

Ngay cả tại Hà Nội, nơi người dân được tiếp cận với nhiều thông tin nhất, lượng muối sử dụng cũng lên tới 9g/ngày, gần gấp đôi lượng cho phép.

Ăn muối nhiều gấp 2-3 lần lượng cho phép

Thực tế cho thấy, thói quen ăn mặn của người lớn ảnh hưởng khá nhiều đến việc tiêu thụ muối hàng ngày ở trẻ. Cụ thể, trẻ lớn lên ở những gia đình có thói quen ăn mặn thì khẩu vị cũng có xu hướng như vậy.

Nguyên nhân được lý giải là vì khi nấu ăn cho các bé, cha mẹ thường có thói quen nêm nếm gia vị vừa miệng mình vì nghĩ rằng: trẻ cũng giống như mình, phải vừa miệng mới ăn ngon.

Chính vì vậy, khẩu vị của bé sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn và nếu người lớn ăn mặn thì đương nhiên, trẻ cũng sẽ hình thành thói quen này ngay từ nhỏ.

Bên cạnh việc gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, thận hư, tim mạch có vấn đề thì thói quen ăn mặn còn ảnh hưởng đến tầm vóc trong tương lai của trẻ. Nguyên nhân chính dẫn đến những hậu quả là bởi trong muối thành phần natri - nguyên tố có khả năng hấp thụ nước chiếm tới 40%.

Vì thế, khi chúng ta dùng quá nhiều muối, cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng tích nước. Tích nước sẽ gây phù, khiến lượng máu tăng lên và gây ra huyết áp cao.

Huyết áp cao không chỉ gây ra các bệnh về tim mạch mà còn tạo ra áp lực cho động mạch dẫn đến thận, từ đó gây hại cho thận. Không chỉ vậy, natri còn đào thải canxi khỏi cơ thể, khiến chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng. Điều này lý giải vì sao trẻ có thói quen ăn mặn thường thấp còi.

Ăn nhạt khác ăn nhạt hoàn toàn

Thói quen ăn mặn rất khó bỏ, thậm chí sẽ gia tăng theo thời gian. Bởi lẽ, khi đã quen với vị đậm đà, trẻ sẽ thấy nhạt miệng, khó ăn với những món được giảm muối. Thế nên, việc cho trẻ ăn nhạt ngay từ nhỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Theo Tiến sĩ Hồ Thu Mai - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, các bé dù mới sinh ra cũng rất cần muối để cơ thể phát triển toàn diện, bởi trong nước tiểu cũng có muối, nước mắt cũng có muối, mồ hôi cũng có muối, nên nếu không bổ sung hàng ngày thì cơ thể dễ sinh bệnh.

Ăn nhạt và ăn nhạt hoàn toàn là khác nhau. Ăn nhạt hoàn toàn, tức là không nêm nếm một tí gia vị nào vào thức ăn sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, nhưng ăn nhạt theo nghĩa giảm lượng muối đi thì sẽ rất tốt cho sức khỏe của trẻ.

Tuy nhiên, chúng ta cần bổ sung một cách có liều lượng. Chẳng hạn, với trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi, nhu cầu muối chỉ khoảng 1g/ngày. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 1,5g/ngày. Trẻ 4-8 tuổi cần 1,9g/ngày. Trẻ từ 9 đến 13 tuổi: 2,2g/ngày. Vượt quá lượng muối cho phép này, trẻ sẽ gặp nhiều rắc rối về sức khỏe.

Một câu hỏi được đặt ra là, nếu ăn mặn, sau đó chúng ta uống nhiều nước thì có đẩy được lượng muối thừa ra khỏi cơ thể không? Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Hồ Thu Mai cho rằng, việc ăn bao nhiêu muối tương đương với việc trẻ được phép nạp bao nhiêu lượng natri vào cơ thể.

Khi lượng natri vào cơ thể dư thừa, nó sẽ không bị đào thải bởi nước, bởi vốn dĩ đây là phân tử ngậm nước. Uống nước chỉ giải quyết được vấn đề về cảm giác, là đỡ khát mà thôi.

Thực tế, muối không chỉ có trong bột canh, nước mắm mà còn xuất hiện nhiều trong các thực phẩm chế biến sẵn để kích thích vị giác. Bởi thế, với trẻ nhỏ, bạn không nên cho bé ăn quá nhiều bim bim, thịt nguội, thịt nướng sẵn, vì ngoài lý do về an toàn thực phẩm, nó còn là nguyên nhân làm hỏng vị giác của bé.

Để có thể mang lại cho trẻ một bữa ăn bổ dưỡng, ngon miệng, chọn nguyên liệu tươi, sạch luôn là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, gia giảm thế nào cho vừa miệng, có lợi sức khỏe cũng rất quan trọng. Do đó, đừng để món bổ dưỡng trở thành món ăn có hại cho sức khỏe của trẻ chỉ vì sở thích đậm đà của mình.

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ