(GD&TĐ) - Mùa hè, thức ăn rất dễ ôi thiu. Trong khi đó, ở các hàng thức ăn đường phố, thực phẩm hầu như không được bảo quản gì mà cứ "thiên nhiên" để từ sáng đến trưa, thậm chí đến chiều rồi bán cho thực khách. Chính vì vậy, thức ăn đường phố chứa đựng nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn.
Thức ăn đường phố ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm |
Nguy cơ từ "bàn tay bẩn"
Một lần đi ăn bún mọc dọc mùng tại một hàng ăn trên phố Nguyễn Khắc Cần (Hà Nội), chị Thanh, làm việc tại Quỹ đầu tư IDG, chứng kiến cảnh người bán hàng dùng tay trần để làm tất cả các việc: từ bốc bún, thịt cho vào bát, đến cầm tiền khách đưa và trả lại tiền cho khách. Chứng kiến cảnh đó xong, chị Thanh không nuốt nổi miếng bún nào, đành bỏ cả bát với lý do tự nhiên thấy đau bụng.
Tuy nhiên, hiện tượng trên không phải là cá biệt mà có thể gặp ở nhiều quán ăn vỉa hè. Điều đáng nói là các "thượng khách" khi chứng kiến người bán hàng mất vệ sinh như vậy đều ngại không góp ý thẳng. Người nào thấy ghê thì lần sau không ăn ở đó nữa, còn những người dễ tính, xuê xoa thì không để tâm. Có người còn lập luận: "Người ta bán hàng với cung cách đó bao nhiêu năm nay rồi, nếu khách hàng có vấn đề gì thì họ đã phải đóng cửa hàng từ lâu rồi".
Ở nhiều hàng ăn khác, người bán tỏ ra có ý thức hơn khi đeo găng tay đàng hoàng khi bốc đồ ăn chín để chế biến cho khách. Thế nhưng, như phản ánh của chị Hải (chung cư Linh Đàm - Hà Nội), nhiều người đeo găng chỉ để "làm vì", bởi bàn tay đeo găng đó không chỉ bốc thức ăn chín, mà còn dùng để cầm tiền, cầm nắm những đồ vật khác. "Như vậy, chẳng qua người bán hàng đeo găng tay để tay mình sạch, còn đồ ăn cho khách có bị nhiễm khuẩn như thế nào cũng không quan tâm" - chị Hải bức xúc.
Mới đây, nhân ngày 1/6, gia đình cháu Minh, học sinh lớp 3 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đi ăn ở một cửa hàng trên phố Phan Chu Trinh. Sau khi ăn về mấy tiếng, cháu Minh có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Lúc đầu, bố mẹ cháu nghĩ con bị gió nên đánh gió cho Minh. Nhưng đến khi cháu nôn nhiều, đi ngoài liên tục, bố mẹ cháu mới vội vàng đưa con vào Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bác sĩ cho biết Minh bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm tụ cầu vàng. Bác sĩ giải thích thêm, tụ cầu vàng thường nhiễm từ bàn tay của người chế biến vào thực phẩm, nhất là ở bàn tay có vết thương mưng mủ, gây ngộ độc cho người ăn thực phẩm đó. Trong trường hợp của cháu Minh, tuy cả nhà cùng ăn món đó nhưng chỉ một mình Minh có biểu hiện ngộ độc là do sức đề kháng của cháu yếu hơn bố mẹ.
Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế về tình trạng vệ sinh bàn tay của những người chế biến thực phẩm đường phố, tỉ lệ bàn tay nhiễm vi khuẩn E.coli và các vi khuẩn đường ruột khác, trong đó có khuẩn tả lên tới 70 - 80%. Thực khách nếu ăn thực phẩm được chế biến từ những bàn tay bẩn như vậy sẽ phải chịu nhiều nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì buồn nôn, đau bụng; nặng thì phải vào viện cấp cứu; thậm chí những trường hợp ăn phải chất kịch độc có thể nguy hiểm đến tính mạng, hoặc chịu ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Nếu ai có sức đề kháng kém, nhất là trẻ em, người mắc bệnh mạn tính, sẽ dễ có biểu hiện ngộ độc hơn những người khác.
Cần giáo dục cho học sinh ý thức thường xuyên rửa tay bằng xà phòng |
Cần biết tự bảo vệ
Theo bác sĩ Đỗ Mai Hương - Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương - trẻ em là đối tượng rất dễ bị ngộ độc thực phẩm vào mùa hè do thời tiết nắng nóng khiến sức đề kháng của trẻ giảm sút, thực phẩm lại dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn (E.coli, trực khuẩn lỵ, samonella...). Những học sinh có thói quen ăn quà trước cổng trường, ăn hàng bán rong hay không rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... càng dễ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Như vậy, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, việc nâng cao ý thức cho những người bán thức ăn đường phố và nâng mức độ nghiêm khắc của các chế tài xử phạt là rất cần thiết. Tuy nhiên, quan trọng nhất và cũng dễ thực hiện hơn, mỗi người dân phải biết tự bảo vệ mình khỏi những nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Tiến sĩ Trần Đáng, chuyên gia y tế cho rằng, đôi bàn tay của chúng ta hằng ngày tiếp xúc với quá nhiều thứ, từ cầm nắm vật dụng, bắt tay, hay đụng chạm vào những "nơi tế nhị" của cơ thể. Chính vì vậy, mỗi người cần rèn luyện thói quen thường xuyên rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi cầm nắm các đồ vật bẩn…
Bên cạnh đó, người tiêu dùng không nên dễ dãi với những biểu hiện mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn thực phẩm ở các hàng quán vỉa hè, bởi như vậy nghĩa là coi thường sức khỏe của chính mình và đồng lõa với thức ăn đường phố bẩn. Người dân chỉ nên ăn ở những hàng quán sạch sẽ, có tủ bảo quản thức ăn, thực phẩm chín và sống để riêng biệt, người bán hàng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Điều kiện của thức ăn đường phố sạch - Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn phải bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. - Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm. - Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay tay sử dụng 1 lần. - Người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định; phải được khám sức khỏe và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định. Việc khám sức khỏe và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện. (Theo Thông tư số 30/2012/TT - BYT Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố) |
Vân Hương