Theo đó, Đập Tha La xả lũ vào lúc 8 giờ, Thứ Tư ngày 19/10/2016. Đập Trà Sư xả lũ vào lúc 9 giờ, Thứ Tư ngày 19/10/2016.
Để bảo vệ an toàn cho người, tài sản của người dân vùng hạ du, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang thông báo đến các đơn vị, địa phương và nhân dân biết, có phương án an toàn bảo vệ đê bao sản xuất.
Hai đập Tha La và Trà Sư được xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành từ tháng 5/2000. Nhiệm vụ chính là điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây, ngăn lũ đổ về phía Nam Quốc lộ 91 bảo vệ diện tích lúa Hè Thu, bảo an toàn sản xuất vụ Thu Đông (vụ ba).
Việc xả lũ ở hai đập Tha La và Trà Sư nhằm vận hành linh hoạt, đảm bảo tính an toàn cũng như kiểm soát lũ của hai đập Tha La và Trà Sư đối với vùng Tứ Giác Long Xuyên được tốt hơn.
Trong quá trình mở đập xả lũ, các địa phương trong vùng có yêu cầu đóng đập để bảo vệ an toàn đê bao tiểu vùng thì báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang.
Theo dự báo đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, khu vực hạ nguồn đang tiếp tục lên và dự kiến đạt đỉnh vào ngày 19/10.
Đối với khu vực hạ nguồn, mực nước cao nhất năm tại Long Xuyên (sông Hậu) có thể đạt 2,41m, thấp hơn 0,09m so mức báo động (BĐ) 3; mực nước đầu nguồn tại Tân Châu (sông Tiền) đạt 3,13m (BĐ1 là 3,5m), tại Châu Đốc (sông Hậu) 2,85m (BĐ1 là 3m), tại Khánh An (sông Hậu) đạt gần 4m.
Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, dự báo ngày 20/10, mực nước tại Xuân Tô (kênh Vĩnh Tế) đạt 2,47m (BĐ1 là 3m), tại cầu sắt 13 (kênh Tri Tôn) 1,45m (BĐ1 là 2m).
Sau khi đạt đỉnh, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và khu vực hạ nguồn xuống theo triều, khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên ít biến đổi.