(GD&TĐ) - Ahmady rời quê nhà tại Kabul, Afghanistan, đi tìm một môi trường học tập ở nước ngoài và nơi cậu chọn là Ấn Độ. “Tôi muốn học trong một môi trường hòa bình, lấy tấm bằng Ấn Độ bởi nó có giá ở Afghanistan, sau đó quay trở lại quê hương và phát triển sự nghiệp” – tâm sự của cậu sinh viên 23 tuổi dù đã sang Ấn Độ nhưng vẫn mặc áo bông đen, quần thụng và khăn quàng Afghan truyền thống.
Những thành phố Ấn Độ như New Delhi, Mumbai, Pune, Bangalore và Bhubaneswar thu hút hàng nghìn thanh niên Afghan sang học tập. Hiện có khoảng 5.500 sinh viên Afghan đang học tại nước nước này, trong đó có khoảng 300 nữ sinh.
Sinh hoạt phí thấp, học bổng, sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ, mối quan hệ tốt giữa 2 chính phủ, dễ xin visa và dùng tiếng Anh trong lớp học là những lí do chính hấp dẫn sinh viên Afghanistan tới Ấn Độ - Ahmady giải thích. Tại phía nam thủ đô Delhi có hẳn một khu phố giống như xã hội Afghan thu nhỏ. Ở đây có 2 tiệm bánh, 3 tiệm ăn bán đồ ăn đặc trưng Afghanistan. Khu vực này cũng tập trung các nhà trọ, căn hộ cho thuê với đối tượng đến từ Afghanistan như sinh viên, du khách, bệnh nhân và người tị nạn.
Chỉ những gia đình thật giàu có tại Afghanistan mới trang trải được chi phí du học châu Âu và Mỹ. Một số ít chọn Uzbekistan, Tajikistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Pakistan và Iran từng là điểm du học hàng đầu nhưng thời đó đã qua. Thủ tục xin thị thực vào Iran rất ngặt nghèo trong những năm gần đây, trong khi du học Pakistan lại bị gắn với điều tiếng xấu. “Chính phủ Afghan cảm thấy những người trở về từ Pakistan giống như quân khủng bố, vì thế họ không khuyến khích sinh viên tới đó” – Ahmady cũng cho biết những người có bằng cấp của Pakistan không dễ tìm việc. Trong bối cảnh đó thì du học Ấn Độ là sự lựa chọn giá rẻ và chất lượng.
Mỗi năm, Hội đồng Hợp tác Văn hóa Ấn Độ trao 2.325 học bổng cho sinh viên quốc tế. Trong đó 675 suất dành cho HS Afghanistan, nước được trao học bổng nhiều nhất. “Afghanistan vẫn chưa bước ra được khỏi lịch sử khủng bố và nội chiến. Họ cần đào tạo nhân sự để có thể đưa nền kinh tế đi đúng lộ trình” – tổng giám đốc Hội đồng Hợp tác Văn hóa Ấn Độ nói – “Tăng số học bổng cho Afghanistan là một phần đóng góp của Ấn Độ cho tiến trình đó”.
Nơi tập trung đông học sinh Afghanistan nhất ở Ấn Độ là tại Pune, bang Maharashtra. Không phải mọi chuyện đều suôn sẻ với những sinh viên đến từ Afghanistan, điều mà nhiều sinh viên cảm thấy tổn thương là một số người Ấn Độ nghĩ rằng người Afghanistan đồng nghĩa với phần tử khủng bố.
Ấn Độ cũng đang thu hút nhiều nữ sinh như A Horyan. “Cha mẹ tôi ủng hộ quyết định tới Ấn Độ của tôi. Nhưng không phải cô gái nào cũng may mắn như vậy” – nữ sinh viên 26 tuổi nói. Horyan vừa lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Động vật học tại ĐH Pune. Theo Horyan thì chất lượng giáo dục, đặc biệt là đào tạo chuyên ngành khoa học và kĩ thuật, có sức hút lớn nhất với du học sinh Afghanistan. Horyan lần đầu xin học bổng năm 2008 nhưng không thành. Một năm sau khi kết hôn thì cả cô và chồng tới Ấn Độ. Chồng cô theo học chương trình tiến sĩ và cô theo học thạc sĩ ở cùng một trường đại học.
Horyan cho biết các bộ phim truyền hình nhiều tập phát liên tục hàng ngày tại Afghanistan, vì thế mà cô không bị sốc văn hóa mà cảm thấy dễ gần gũi với con người và cuộc sống tại Ấn Độ
Bảo Chi (Tổng hợp)