Ấn Độ sở hữu một mô hình GD không bền vững

GD&TĐ - Tại Ấn Độ, người ta đang bàn tán về sự xếp hạng thấp kém của các trường ĐH. 

Học sinh Ấn Độ
Học sinh Ấn Độ

Trong 3 bảng xếp hạng các trường ĐH nổi tiếng thế giới của năm 2013 là Thượng Hải, QS và Times Higher Education (THE), Ấn Độ không có trường nào nằm trong top 200. 

Chỉ có trường duy nhất của Ấn Độ có mặt trong bảng xếp hạng top 500 của Thượng Hải và 5 trường có mặt trong top 400 của QS và THE.

Sự chú ý nhằm vào một trong 2 thử thách quan trọng mà Ấn Độ đối mặt do lượng nhân khẩu của mình, đó là giáo dục và y tế.

Hiện tại, Ấn Độ là nước có số người trẻ tuổi nhiều nhất thế giới. Nhóm dưới 15 tuổi ở Ấn Độ là 410 triệu người, chỉ ít hơn 3% so với toàn bộ các nước phát triển là 199 triệu cộng với 230 triệu người ở Trung Quốc.

Ấn Độ cũng đã tiến hành mở rộng hệ thống giáo dục bậc cao từ đầu thế kỷ này và mở rộng GD tiểu học trong vòng vài thập kỷ qua. 

GD tiểu học đã gần đạt được phổ cập hoàn toàn nhưng đồng thời chất lượng của nó cũng gần chạm đáy tiêu chuẩn toàn cầu. Trong GD bậc cao, với khoảng 20% người theo học, Ấn Độ vẫn ở mức dưới trung bình của thế giới.

Chất lượng đi xuống

Vài thập kỷ nay, những nghiên cứu khác nhau liên tục chỉ ra rằng chất lượng GD Ấn Độ, từ tiểu học đến bậc cao, là một đường xoáy ốc đi xuống.

Những câu nói như: “Các trường ĐH ở Ấn Độ bị điều chỉnh quá nhiều nhưng quản lý kém” đã trở nên nhàm chán vì được nhắc đến nhiều và vấn đề giải quyết ngày càng khó khăn việc mở rộng đã tạo ra một hệ thống GD bậc cao khổng lồ và phức tạp.

Trong hệ thống các trường chi nhánh của Ấn Độ, chương trình học và các khóa học được thiết kế ở cấp độ trường ĐH rất phổ biến. 

Tuy nhiên, việc thiết kế ra bài kiểm tra và đánh giá khóa học lại được xem xét bởi đội ngũ GV khác chứ không phải những người dạy SV hay chính người thiết kế ra khóa học và bài kiểm tra. 

Những nhóm giáo viên khác nhau này hiếm khi hợp tác với nhau. Bất kỳ trường đại học hàng đầu nào, việc thiếu sự hợp tác này là không thể hình dung được.

Về nghiên cứu, một SV có thể theo đuổi bằng tiến sĩ tại một trường ĐH nhưng người hướng dẫn lại ở một trường khác và rất ít có sự hợp tác giữa SV, người hướng dẫn và trường ĐH cấp bằng tiến sĩ.

Chất lượng GD trung học ở Ấn Độ cũng thấp, trong cuộc thi đánh giá năng lực HS PISA 2009, Ấn Độ đứng thứ 73 trên 74 nước và trong cuộc thi PISA năm 2012, HS nước này đã không tham gia thi.

Bất kỳ quốc gia nào cũng luôn lo lắng hơn cho chất lượng GD tiểu học bởi vì nó ảnh hưởng tới số lượng lớn nhất các công dân trong tương lai. 

Tại Ấn Độ, có gần 26 triệu người theo học tại các cơ sở GD bậc cao, trong khi đó chỉ có 180 triệu người ở bậc tiểu học, lẽ ra Ấn Độ nên quan tâm tới GD tiểu học hơn GD bậc cao. 

Trong những năm 50 đến 80 của thế kỷ trước, trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc tập trung vào GD tiểu học thì Ấn Độ lại cố gắng cân bằng cả 2 bậc học này và đều không đạt được mục tiêu phổ cập tiểu học trong những năm 80 hay cải thiện được GD bậc cao.

Mô hình không bền vững

Bằng chứng cho thấy mô hình của Ấn Độ là không bền vững. Sự tự trị và quản lý một cách hợp lý là những yếu tố quan trọng đối với GD bậc cao trên thế giới. 

Tại các trường của Ấn Độ có mặt trong các bảng xếp hạng toàn cầu đều có sự tự trị cao hơn so với các trường khác. Nếu được hưởng quyền tự trị như các trường học hàng đầu thế giới, chắc hẳn chất lượng của trường Ấn Độ sẽ tốt hơn nhiều.

Trừ khi Ấn Độ tiến hành cải cách GD bằng cách tập trung nhiều hơn vào GD tiểu học, cho phép sự tham gia có chất lượng của tư nhân, cho các trường thêm quyền tự trị và có các quy định đồng nhất đối với tất cả các bên tham gia GD bậc cao thì những cơ hội có được sẽ không bị tuột mất.

Theo University world news

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ