Ấn Độ: Nhức nhối giáo dục vùng nông thôn

Ấn Độ: Nhức nhối giáo dục vùng nông thôn

(GD&TĐ) - Đa số người dân Ấn Độ vẫn sống trong những ngôi làng nên chủ đề về GD vùng nông thôn luôn được coi là quan trọng. Một cuộc khảo sát có tên Báo cáo tình trạng GD hàng năm (ASER), cho thấy mặc dù số HS vùng nông thôn đi học tăng lên nhưng hơn nửa số HS lớp 5 không biết đọc một cuốn sách lớp 2 và không làm được các bài toán đơn giản.

Nhiều trở ngại

c
HS trong lớp học của một trường công ở Uttah Pradesh, Ấn Độ

Lý do được chỉ ra trong các cuộc khảo sát là do số phòng học đơn tăng lên để dạy HS nhiều hơn ở 1 lớp. Tại một số nơi, lượng GV và HS ở các trường đều giảm. Đây chỉ là một vài lý do vì sao các trường không thành công trong việc dạy học ở vùng nông thôn Ấn Độ.

Chất lượng và sự tiếp cận với GD là vấn đề đáng lo ngại nhất trong các trường ở nông thôn vì GV ít có sự tận tâm, thiếu SGK và dụng cụ học tập tại các trường. So sánh trường công và trường tư thì trường tư lại trội hơn về chất lượng.

Đa số mọi người sống ở vùng nông thôn đều hiểu tầm quan trọng của GD và biết đó là cách duy nhất để thoát nghèo. Tuy nhiên, do thiếu tài chính nên họ không thể gửi con vào trường tư và do đó phải dựa vào trường công. Hơn thế nữa, tại một số trường công, chỉ có 1 GV cho cả trường. 

Một số trường công ở Ấn Độ lại quá đông HS. Trong một ngôi trường ở làng Arunachal Pradesh, có hơn 300 HS trong một phòng học, phòng học này lại chia thành 3 lớp, mỗi lớp có 100 HS. Trong hoàn cảnh như vậy, GV không thể quan tâm đến từng HS thậm chí ngay cả khi họ sẵn sàng làm việc này.

Không phải ngôi làng nào cũng có trường học, do vậy nhiều HS phải sang làng khác học. Mặt khác, do truyền thống trọng nam khinh nữ, các bậc phụ huynh ở đây không muốn cho con gái đi học, dẫn đến GD vùng nông thôn không đạt được mục tiêu đề ra.

Nghèo đói là một trở ngại. Các trường công không đủ tốt, trong khi đó trường tư lại đắt đỏ. Kết quả là rất nhiều HS không thể hoàn thành THCS, học ĐH hay cao hơn nữa. Tại các làng, tỉ lệ bỏ học ở bậc trung học rất cao. Chỉ những bậc phụ huynh có đủ khả năng cho con học ĐH mới gửi con vào các trường trung học. Nếu bậc phụ huynh không thể gửi con học ĐH thì những nỗ lực trước đó đều bị bỏ phí vì nếu chỉ hoàn thành GD trung học thì con em họ chỉ nhận được việc làm lương thấp và lại rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo như cha mẹ chúng.

Hầu hết sách giáo khoa đều bằng tiếng Anh và vì người dân vùng nông thôn chỉ nói tiếng phương ngữ hoặc tiếng Hindu nên họ gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả là họ không hứng thú với học tập. Mặc dù một số HS vùng làng quê thực sự thông minh, có đầu óc thực tế nhưng sự khó khăn khi đọc sách, thiếu cơ sở vật chất và đói nghèo đều là những trở ngại trên con đường học tập.

Chất lượng GD đáng lo ngại

Những vấn đề liên quan đến chất lượng GD còn trầm trọng hơn sự nghèo đói. HS không được khuyến khích tư duy. Với nhiều HS, vượt qua kỳ thi còn quan trọng hơn có được kiến thức. 

Theo một quy định mới, HS được khuyến khích lên lớp cho dù điểm thi có như thế nào. Trong hoàn cảnh này, đa số HS không chịu học tập và kết quả là chất lượng GD lại giảm sút.

Để biến Ấn Độ thành một quốc gia hùng mạnh, nền GD phải cải thiện chất lượng ngay từ cấp học thấp nhất. Việc học tập phải gây được hứng thú, SGK phải hấp dẫn và đối với HS ở nông thôn, nội dung phải gắn với văn hóa, truyền thống của các em. Lý do các em bỏ học mặc dù được miễn học phí cũng vì việc học không hấp dẫn, điều kiện trường lớp thiếu thốn, GV không tận tâm và nhận lương thấp.

 Hải Yến

(Theo Mapsofindia, AFP)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ