Ăn bớt khẩu phần của học sinh là tội ác

GD&TĐ - Tại Hội nghị đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong trường học vừa được tổ chức, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã bày tỏ quan điểm trước thực trạng một số nơi vẫn xảy ra tình trạng khẩu phần ăn của trẻ bị bớt xén.

Ăn bớt khẩu phần của học sinh là tội ác

Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có 28 trường áp dụng thực đơn của chương trình “Bữa ăn học đường” hoàn toàn cho các bữa ăn của học sinh trong tuần. Có 118 trường chỉ áp dụng thực đơn của chương trình này với một số ngày trong tuần.

Tuy nhiên, nhiều trường hiện vẫn ngại áp dụng chương trình “Bữa ăn học đường” vì ngại chế biến một số loại thực phẩm, lo ngại không hợp khẩu vị học sinh. Ngoài ra, một số trường có mức tiền ăn thấp nên khó khăn khi mua thực phẩm.

Tại huyện Ba Vì, các trường học trên địa bàn rất khó thực hiện chương trình bởi ở vùng nông thôn, một số thực phẩm đang rất thiếu, không đáp ứng được. Hơn nữa, kinh phí dành cho bữa ăn của học sinh ở đây còn thấp.

Còn tại quận Hoàng Mai - đơn vị được đánh giá thực hiện tốt nhất việc áp dụng “Bữa ăn học đường”, hiện đã có 10 trường thực hiện hoàn toàn thực đơn này và 7 trường thực hiện một số ngày trong tuần. Qua khảo sát ban đầu, các trường nhận xét món ăn lạ, đẹp mắt nhưng nhiều cháu chưa thực sự thấy thích.

Tại quận Long Biên, hiện có 8/25 trường đã áp dụng thực đơn mới cho tất cả các ngày trong tuần. Có 4 trường áp dụng một số ngày trong tuần. Các trường còn lại còn lại vẫn rất e ngại chưa dám thực hiện.

Tại huyện Hoài Đức, có 25 trường thực hiện bán trú trong nhà trường, có 7 trường tự nấu, 12 trường thuê nấu, 6 trường áp dụng thực đơn dinh dưỡng “Bữa ăn học đường”. Số trường thực hiện thực đơn mới còn ít là do mức ăn trên địa bàn đang rất thấp. Hiện học sinh ở đây chỉ có mức ăn 12.000 đồng và cao nhất chỉ 17.000 đồng nên khi áp dụng thực đơn này rất khó.

Trao đổi về một số khó khăn khiến các trường ngại tham gia “Bữa ăn học đường”, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: Lý do lớn nhất là do các trường chưa muốn thay đổi. Bởi chương trình Bữa ăn học đường đã có sẵn thực đơn, có cách thay thế cho những thực phẩm nếu địa bàn đó khó tìm, có cả số điện thoại nóng sẵn sàng giải đáp...

Các trường phải đảm bảo về chất lượng bữa ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng, đủ calo cho các cháu. Ở khu vực ngoại thành, do số tiền đóng góp còn ít nên lượng thịt, cá ít nên phải tăng rau và tăng cơm. Còn ở khu vực nội thành, cần tính các khẩu phần ăn phù hợp theo mùa, theo thời tiết và theo độ tuổi của các em học sinh.

Trả lời câu hỏi về tình trạng ăn bớt khẩu phần của học sinh diễn ra thời gian vừa qua, ông Tiến cho biết: Để phục vụ ăn uống cho học sinh, trước hết phải đặt cao lương tâm và trách nhiệm của nhà trường bởi liên quan đến sức khỏe và tính mạng của các cháu.

Nếu ăn bớt khiến khẩu phần ăn của các cháu không đủ lượng dinh dưỡng và calo theo yêu cầu hoặc không đảm bảo định lượng, hoặc thực phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, đó là tội ác. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất và các cấp lãnh đạo phải xem xét trách nhiệm của họ trong việc quản lý bởi họ là người trực tiếp quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.