Ẩm thực từ não động vật

Ẩm thực từ não động vật

Ăn não từ hàng triệu năm trước

Trong thang tiến hóa, động vật có não xuất hiện vào khoảng 500 triệu năm trước. Phần não của chúng đóng vai trò là trung tâm xử lý thông tin và kiểm soát hành động, được tạo hóa ban tặng chức năng học hỏi.

Gạt đi khía cạnh nhận thức vẫn còn nhiều bí ẩn, cấu trúc sinh học của bộ não chỉ đơn giản là tập hợp các mô có tính đàn hồi, bao gồm nước (80%), chất béo (10%) và protein (10%).

Xét trên mặt dinh dưỡng, ăn não không có lợi bằng ăn thịt. Thịt vừa cung cấp lượng protein cao hơn, lại còn một số vi chất quan trọng khác như vitamin B12, vitamin C, sắt, đồng, phốt pho… 

Song kể từ khi mới tiến hóa lên lớp người, nhân loại đã ăn não. Muộn nhất là từ khoảng 2 triệu năm trước, người Hominin (đã tuyệt chủng) sống quanh bờ hồ Victoria, Kenya (quốc gia vùng Đông Phi) đã biết đập vỡ sọ động vật, moi phần não sống ra ăn.

Tại châu Phi, Victoria là hồ nước vĩ đại nhất, khởi nguồn của sông Nile Trắng. Nó có diện tích lên đến 69.000 km². Xung quanh bờ hồ là những cánh đồng cỏ rộng. Ở đó, các nhà khảo cổ phát hiện một số hố xương lớn. Chúng chất đầy xương động vật vừa và nhỏ, được tích lũy trong suốt vài nghìn năm.

Sau khi đếm số xương, người ta phát hiện lượng xương đầu nhiều hơn xương thân. Một số hộp sọ có dấu hiệu bị đập vỡ bằng công cụ.

Có thể vì hết cách

Ẩm thực từ não động vật ảnh 1
Não đóng vai trò là bộ xử lý trung tâm.

Theo phân tích khảo cổ, con người biết ăn thịt từ khoảng 2,5 triệu năm trước. Nhờ sở hữu khối óc thông minh và đôi bàn tay khéo léo, tổ tiên của nhân loại sớm sáng chế ra vũ khí đi săn, thành công bắt được hầu hết các loài thú hoang.

Trước sự chênh lệch số lượng xương sọ và xương thân trong các hố xương động vật quanh vùng hồ Victoria, các nhà nghiên cứu đưa ra 2 giả thuyết. Thứ nhất, vì người Hominin thích ăn não hơn ăn thịt. Mỗi khi săn bắt được động vật quá to, không khiêng vác nổi, họ quyết định chỉ cắt lấy cái đầu.

Thứ hai, vì người Hominin thất bại trong cuộc tranh giành thức ăn với các loài động vật săn mồi. Mặc dù khôn ngoan, thể lực của con người là có hạn. Nếu phải giành giật thức ăn với các loài thú lớn, họ chắc chắn thua cuộc. 

Động vật ăn thịt thì dù có hàm răng to khỏe đến mấy, cũng khó cắn vỡ được xương hộp sọ của con mồi. Chúng bắt buộc phải bỏ lại phần đầu. Người Hominin đã lợi dụng điều đó, lấy cái đầu vẫn còn nguyên bộ não bên trong mang về nhà ăn cho an toàn. Ăn xong, họ ném cái sọ rỗng xuống hố xương.

Ẩm thực từ não động vật ảnh 2
Người cổ đại có lẽ chỉ miễn cưỡng ăn não động vật.

Khi tìm kiếm các công thức chế biến món ăn phổ biến trên Internet, nhà báo Alan Jasanoff (Anh) phát hiện có 73 công thức nấu gan, 28 công thức nấu dạ dày, 9 công thức nấu lưỡi, 4 công thức nấu thận và chỉ có 2 công thức nấu não. 

Tìm hiểu các nền ẩm thực thích ăn não, Jasanoff phát hiện người Hồi giáo thích sử dụng món não trong dịp Lễ Hiến sinh Eid al-Adha. Họ thường dùng não động vật vắt chanh và đầu cừu hấp làm món cúng tế.

Trong tác phẩm điện ảnh Indiana Jones và Ngôi đền Tàn khốc (Mỹ), có cảnh người Ấn Độ múc não từ đầu con khỉ vẫn sống ra ăn. Tuy nhiên, người Ấn Độ có thật sự ăn não khỉ sống hay không thì không rõ.

Bộ lạc ăn não

Có thể thấy, não là thức ăn ít được yêu thích nhất. Nó không chỉ có khối lượng nhỏ, lượng dinh dưỡng nghèo mà còn khiến người ăn cảm thấy không nỡ, ngại ăn. Dù vậy, lịch sử nhân loại vẫn ghi nhận một bộ lạc ăn… não người. Đó là tộc Fore ở Papua New Guinea (quốc gia châu Đại Dương).

Fore là bộ lạc chủ yếu tập trung trong huyện Okapa, tỉnh Eastern Highlands của Papua New Guinea. Họ hiện có khoảng 20.000 cư dân, sống bằng canh tác nương rẫy.

Văn hóa tín ngưỡng tộc Fore quan niệm, cơ thể con người có tất cả 5 phần: Auma (linh hồn), ama (xương), aona (may mắn), yesegi (sức mạnh) và kwela (thịt). Khi con người từ trần, auma sẽ rời khỏi cơ thể, bay tới vùng đất linh hồn. Các thành viên còn sống trong bộ lạc có nghĩa vụ “dọn đường”, để linh hồn người chết thuận lợi đến âm giới.

Đầu thập niên 1950, trong bộ lạc Fore xuất hiện một số người bị bệnh Kuru (Creutzfeldt Jakob disease). Nó là một kiểu viêm não dạng xốp, có khả năng lây truyền. 

Triệu chứng của người bị bệnh Kuru là run rẩy và cười không ngừng, cho đến tận lúc tử vong. Tác nhân lây nhiễm của Kuru là các protein xốp bất thường (protein prion), phát triển trong não, được gọi tắt là Prion.

Prion có kích thước siêu nhỏ, bé hơn virus 100 lần và không bị hệ tiêu hóa của con người tiêu diệt. Khi phụ nữ Fore ăn não bị Prion, họ trực tiếp đưa mầm bệnh nguy hiểm này vào cơ thể mình. Chỉ sau 3 năm, số nạn nhân bị Kuru tăng lên 1.000 người. Lập tức, hủ tục ăn thịt người chết của bộ lạc Fore bị xóa bỏ. Kể từ năm 1960, nó chấm dứt hoàn toàn.

Theo Lithub.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.