(GD&TĐ) - Tết là dịp dành cho mọi người, mọi nhà cùng nhau sum họp, vui vầy. Bữa cơm cuối năm là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người lại ôn chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới. Bới thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt không ai là không nhớ đến bữa cơm chiều 30 Tết...
Ấm áp bữa cơm đoàn viên
Trong bữa cơm đoàn viên, người ta không chỉ thưởng thức món ăn ngon mà còn cùng nhau chia sẻ bầu không khí ấm áp của gia đình. Tất cả thành viên trong gia đình, dù đi công tác hay làm ăn xa, đều tụ họp về nhà trong thời khắc quan trọng này.
Ngồi sum vầy trong bữa cơm tất niên chiều cuối năm anh Tuấn không sao ngăn được những dòng cảm xúc vui sướng khi cầm ly rượu chúc sức khỏe bố mẹ, vợ con... Anh nhớ lại hồi anh tạm biệt vợ con, gia đình để đi du học ngành công nghệ thông tin tại Berlin, Đức, thì bé Hoàng Nam - con trai anh mới được tuổi rưỡi. Lúc đó rất nhiều anh em, bạn bè đã khuyên Tuấn không nên đi học trong hoàn cảnh như thế, nhất là con còn quá nhỏ. Nhưng sau khi được sự động viên của vợ, anh đã cân nhắc, sắp xếp việc gia đình lên đường đi học và hẹn vợ con, 5 năm sau anh sẽ về đoàn tụ. Vậy mà, giờ ngồi đây – bên gia đình ấm áp yêu thương anh cứ ngỡ như mới ngày hôm qua...
Bữa cơm tất niên |
Anh Tuấn tâm sự: “Khoảng thời gian đầu khi mới sang, tôi hay có suy nghĩ bỏ cuộc. Bước vào một thế giới khác, mọi thứ bỡ ngỡ, tôi rất chán nản. Những khó khăn trong ngôn ngữ, cuộc sống, những lúc con ốm đau, vợ ở nhà khó khăn... đã tác động đến tôi rất nhiều. Ngoài ra, còn có những khó khăn riêng tư mà tôi khó có thể nói hết như mối quan hệ trong gia đình bị mất đi sự cân bằng khi thiếu đi một người chồng, một người con trai lớn. Tôi hiểu, tôi yêu và tin cô ấy. Càng xa nhau tôi càng yêu vợ tôi nhiều hơn. Khi nhìn thấy đứa con ngoan, tôi rất hài lòng. Một đứa trẻ sống xa bố nhưng khi tôi về nhà, cảm giác đầu tiên là tình cảm của con với bố rất mãnh liệt. Tôi hiểu rằng người mẹ luôn nhắc con về bố. Chỉ có người mẹ mới làm được điều đó. Những Tết trước, khi tôi ở nước ngoài buồn lắm vì không có gia đình. Cái Tết đầu tiên tôi còn nhớ là cả hai vợ chồng đều khóc. Những năm sau đó có quen hơn và cứ vào khoảnh khắc giao thừa thì chúng tôi gọi điện nói chuyện, chúc mừng, chỉ buồn lúc điện thoại không kết nối được thôi. Năm nay đoàn tụ rồi, cả gia đình tôi hạnh phúc lắm.”.
Như nhiều gia đình người Hà Nội, gia đình Bà Hạnh ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tất bật chuẩn bị cho mâm cơm chiều 30 Tết. Từ tối qua, bà đã ngâm gạo nếp và đỗ xanh đồ xôi cúng tất niên. Sáng sớm nay, bà cùng con dâu đi chợ, chọn mua những thứ tươi ngon nhất về làm cơm. Mấy đứa cháu nội, ngoại ríu rít giúp bà nhặt rau, cắt tỉa su hào, cà rốt thành những hình hoa đào cho món canh thập cẩm thêm đẹp mắt. Trên bếp, nồi canh măng hầm xương đang đỏ lửa. Ngoài sân, nồi bánh chưng đã được vớt ra. Những cái đẹp nhất được chọn đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Trong phòng khách, anh con trai cả cùng mấy cháu nhỏ sửa lại cành đào, trang trí thêm cho cây quất mấy dây đèn màu nhấp nháy. Cả căn phòng như sáng bừng lên sắc thắm hoa đào và rực vàng quất chín.
Bà Hạnh chia sẻ: "Mâm cơm chiều 30 Tết trong gia đình người Hà Nội xưa bao giờ cũng đủ các món gồm 3 bát, 4 đĩa. Đến giờ, gia đình bà vẫn làm theo nếp cũ như để lưu giữ không khí Tết cổ truyền trong tâm trí mỗi thành viên gia đình. Thức ăn chúng tôi nấu vẫn giữ theo lối cổ để giữ nét cổ truyền, và giữ hòa khí trong gia đình để vui vẻ ngày 30 cũng như 3 ngày Tết. Ngày 30 vẫn được gọi ngày tất niên, tức là tổng kết lại 1 năm. Cho nên mọi thứ đều phải chuẩn bị rất chu đáo, thức ăn phải làm rất tinh khiết sạch sẽ. Sau khi đã làm xong, chúng tôi đặt mâm cơm lên ban thờ thắm hương tưởng nhớ ông bà, gia tiên rồi cả gia đình mới cùng nhau sum vầy ăn uống.”.
Không thể thiếu mâm cơm cúng tổ tiên ngày 30
Ngày 30 Tết, ở bất cứ gia đình người Việt nào cũng đều tất bật dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua nốt những thứ cần thiết còn thiếu và để về chuẩn bị cho mâm cơm cúng gia tiên chiều 30. Bữa cơm chiều 30 còn gọi là bữa cơm tất niên. Đây là một bữa cơm rất quan trọng để mọi người cùng nhau sum vầy sau một năm lao động vất vả, chia tay một năm cũ để đón năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn. Bởi thế, nó cũng quan trọng như mâm cơm của ngày đầu năm.
Bữa cơm tất niên là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy |
Theo quan niệm của người Việt, bữa cơm tất niên sẽ được tổ chức vào chiều ngày 30 tết, lúc đó mọi công việc chuẩn bị cho ngày Tết đã cơ bản xong, bánh chưng đã được vớt ra và bày biện ngay ngắn trên bàn thờ, nhà cửa cũng đã gọn gàng, sạch sẽ. Ngoài ý nghĩa tiễn biệt năm cũ, việc các gia đình sửa soạn bữa cơm tất niên còn để mời ông Công, ông Táo trở về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc tư gia. Đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình.
Ở một số nơi, chiều ngày 30, trước lúc diễn ra bữa cơm tất niên, các gia đình thường ra mộ thắp hương mời ông bà, tổ tiên về ăn tết cùng con cháu, nhưng cũng có nhiều nơi không có phong tục này mà chỉ thắp hương tại nhà. Có thể nói, bữa cơm tất niên là nét văn hoá, in đậm trong tâm trí người Việt và trở thành sợi dây vô hình, liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng mỗi khi tết đến, xuân về.
Thật ấm áp nếu bữa cơm chiều 30 có đủ 3 hoặc 4 thế hệ cùng ngồi ăn cơm và trò chuyện. Trong khói hương trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ… con cháu thành kính báo cáo với ông bà, cha mẹ những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa…Ông bà cũng không quên nhắc nhở con cháu phải phát huy truyền thống quê hương, gia đình, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng người, trong đó có việc phải đến chúc tết, thăm hỏi những cụ cao niên trong họ.
Cũng giống như ở miền Bắc, mâm cơm cúng của Miền Nam, miền Trung cũng có đủ bốn món: giò, nem, ninh, mọc nhưng khác nhau ở cách chế biến. Ỏe Miền Nam, món ninh là thịt heo hầm với măng tre Mạnh Tông, loại măng được cho là ngon nhất Nam Bộ để gợi cho con cháu nhớ đến tích ông Mạnh Tông trong Nhị Thập Tứ Hiếu. Món kho là thịt heo hay cá lóc kho với dừa xiêm, đây là món ăn gợi phong vị Nam Bộ nhất, nhờ hương vị thơm rất đặc trưng của dừa. Nếu Bắc Bộ cúng bánh trưng thì Nam bộ cúng bánh tét. Dẫu rằng trong cuộc sống hiện đại người ta không có nhiều thời gian để chăm lo cho bữa cỗ trong ngày tất niên như xưa, nhưng không khí ấm cúng, linh thiêng của bữa ăn ngày 30 Tết vẫn không hề thay đổi. Khác với người Bắc, uống rượu trong bữa Tất niên, người Sài Gòn thường chọn bia để lai rai do khí hậu nóng của phương Nam.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Bữa cơm tất niên không phải nghi lễ ngày Tết song đó là phong tục của người dân Việt Nam. Đây không phải là lễ bắt buộc nên có nhiều nhà không có bữa cơm này, song là dịp cần thiết để mỗi gia đình sum họp, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, gặp gỡ những người con cháu ở xa sau một năm. Bữa cơm tất niên là nét văn hoá đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về".
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cảm giác hồi hộp, thiêng liêng, phấn chấn khi được dự bữa cơm tất niên và đón năm mới giữa những người thân yêu trong gia đình chắc hẳn không thể nào quên với mỗi người con đất Việt. Điều đó lý giải vì sao với những người xa quê, xa xứ không được về sung họp, quây quần bên gia đình, quê hương luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết.
Phương Thủy