(GD&TĐ) - Sự nghiệp của đạo diễn Trương Vũ Quỳnh (Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng) gắn liền với mảng phim tài liệu về vùng đất và con người miền Trung - Tây Nguyên. Liên tiếp trong nhiều năm ở thể loại này, anh đã cùng các đồng nghiệp giành nhiều giải thưởng xuất sắc đáng trân trọng. GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện cùng anh về hành trình trên những “chuyến xe phim tài liệu” của anh.
Vùng đất và con người ở miền Trung - Tây Nguyên dường như rất hấp dẫn và ám ảnh đối với anh?
- Miền Trung - Tây Nguyên, trước tiên về lịch sử, địa lý, văn hóa... là vùng đất quan trọng của tổ quốc. Đặc biệt, Tây Nguyên được ví như mái nhà Đông Dương là vùng đất có vị trí chiến lược, chi phối và quyết định không chỉ với miền Trung, Việt Nam mà còn với cả khu vực. Với những nhà báo, không riêng gì anh em VTV Đà Nẵng, miền Trung - Tây Nguyên là miền đất cội nguồn, có sức ám ảnh và hấp dẫn. Đất ấy, người ấy... đã từng là đề tài của bao nhiêu phóng sự, phim tài liệu, phim truyện...
Đặc biệt, đây là vùng đất tập trung nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, có sự đa dạng về văn hóa, ẩm thực, nhiều danh lam, thắng cảnh, các khu bảo tồn thiên nhiên, là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để tác nghiệp trong lĩnh vực truyền hình...
Những đề tài mà anh quan tâm nhất là gì?
- Đề tài của các phóng sự và phim tài liệu thường rất rộng nhưng cơ bản là những gì liên quan đến các vấn đề lớn của vùng đất này: Sự phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, các xung đột văn hóa theo nhiều kiểu, công cuộc xóa đói giảm nghèo và những nỗ lực vượt bậc của miền Trung - Tây Nguyên trong lĩnh vực này, việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong một cuộc sống nhiều vận động và thay đổi...
Thiếu nữ Tây Nguyên |
Những chuyến “phiêu bồng” làm phim, con người miền Trung – Tây Nguyên để lại ấn tượng sâu sắc gì trong anh?
- Hầu hết những người tôi gặp đều để lại nhiều ấn tượng. Đó là chị Mai Thị Trọn ở Sơn Trà – Đà Nẵng, người cán bộ phụ nữ nhỏ nhắn, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, 13 tuổi đã đội mũ tai bèo theo kháng chiến, không chồng con, cả đời âm thầm sống cho những giá trị mà mình đã lựa chọn, không toan tính thiệt hơn với bất kỳ ai. Đó là Tiến sĩ Trương Đình Hiển, nhà vật lý hải dương học, người khai sinh ra các cảng biển miền Trung, người say mê chuyện trò, có thể nói cả ngày về miền Trung.
Đó là thương binh mù Trần Hữu Giáo - dưới chân cầu Nhơn Hội tự nguyện ký đơn giao hàng chục héc ta mặt nước mà mình mày mò gây dựng từ nhiều năm để góp phần cho sự ra đời cây cầu vượt biển ở Nhơn Hội, Quy Nhơn.
Đó là thương binh mù Nguyễn Văn Ánh ở phường Hòa Hải, TP Đà Nẵng tự nguyện giao hàng chục héc ta rừng dương liễu mà ông đã âm thầm lao động cực nhọc trong nhiều năm cùng với gia đình gây dựng để góp sức cho con đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc.
Đó là anh hùng Phạm Dậu, một du kích nổi tiếng đánh trận Vạn Tường và những trăn trở của ông bây giờ về đời sống người dân quanh nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất.
Đó còn là hàng vạn người dân hy sinh nhiều trong chiến tranh bây giờ tiếp tục cống hiến cho sự phát triển chung của vùng đất này; Hay cũng có thể là các nghệ nhân dân gian mà cả hơi thở của họ đã đậm chất núi rừng; Những già làng tâm huyết với sự còn mất của những giá trị cũ; Những thanh niên nông thôn của đồng bào dân tộc ít người năng nổ, làm ăn giỏi; Những cán bộ vùng sâu, vùng xa; Những thầy cô giáo đi gieo cái chữ ở vùng cao...
Anh có thể chia sẻ những kỷ niệm mà anh nhớ mãi trong quá trình làm nghề của mình?
- Mới đây, một buổi trưa, khi tháp tùng bộ đội biên phòng Đăk Nông để có mặt ở huyện Tuy Đức, sát biên giới Việt Nam - Campuchia, tôi gặp những em bé mót củi từ rừng ra, đen nhẻm, tóc cháy nắng, chỉ cặp mắt là trong veo...
Tôi đến bắt chuyện, thấy người lạ, các em sợ sệt, rụt rè, lảng tránh và không trò chuyện... Trời ạ! Tôi đã làm gì mà các em phải sợ đến như vậy? Nhìn lại mình áo quần tươm tất, máy móc, thiết bị, xe cộ rình rang..., dù không gọi tên được cảm giác này nhưng rõ ràng có một cái gì có lỗi.
Chúng ta đã sống như thế nào, chúng ta ăn ở, gần gũi, tin cậy với họ ra sao mà đến nông nỗi ấy (?) Những đứa trẻ con đồng bào các dân tộc thiểu số, bao giờ cũng vậy, trên những nẻo đường bụi bặm và nắng gió cao nguyên, luôn gợi trong lòng tôi tình yêu thương và sự gần gũi. Nhưng lần này, những đứa trẻ ở huyện Tuy Đức khiến tôi thật nhiều nghĩ ngợi.
Tôi cũng gặp nhiều người tốt, chẳng hạn như Rơ Chăm Binl, một người đàn ông Jarai ở Chư Păh tự nguyện theo một cựu chiến binh người quê Thái Bình sau chiến tranh ở lại Tây Nguyên đi chạy chữa cho những cháu nhỏ bị ảnh hưởng chất độc da cam. Tìm anh trên cánh đồng, bỏ công việc gặt lúa dang dở lại cho người vợ, anh đi với nhóm làm phim.
Chiều về, chúng tôi đi bắt cá ở suối, anh tự tay nấu ăn, tối đến cứ cố nhường chỗ ngủ duy nhất trong nhà cho chúng tôi nằm... Đêm ngủ ở nhà anh, trăng sáng, tiếng chó cắn ma xa vắng trong buôn, tôi nằm suy nghĩ thật nhiều về họ, về những ngày xa xăm nghèo đói, đồng bào che giấu cán bộ từ dưới xuôi lên, về những gian nan vất vả hàng ngày của họ trong đời sống...
Rồi hiểu ra, tại sao ai đến đây cũng mê miền đất này, những con người này... Phim làm ra, được trao giải cánh diều của Hội Điện ảnh, anh thấy trên truyền hình. Thế là từ cái làng trên xa ấy, anh gọi điện xuống bảo hôm nào sẽ xuống Đà Nẵng để uống rượu một đêm ra trò. Nói thế rồi thôi, ai làm ruộng nương thay để anh đi uống rượu nơi xa lắc, xa lơ này... Nghĩ mà thương thật!
Với hành trình khá dày dặn trên những“chuyến xe phim tài liệu”, hẳn trong anh rất nhiều ưu tư?
- Miền Trung – Tây Nguyên đã có những phát triển nhiều nhưng đời sống thực sự của người dân nhiều vùng vẫn còn rất khó khăn, vất vả. Riêng Tây Nguyên thì nhiều người nói lắm rồi, người gắn bó với Tây Nguyên như nhà văn Nguyên Ngọc cũng chỉ lo cái lớn nhất: Phát triển bền vững gắn với giữ rừng, giữ cái nôi của văn hóa làng gắn với tổ chức xã hội độc đáo là làng...
Đó là một tổ chức xã hội gần như duy nhất và cũng là cội nguồn của nền văn hóa bản địa. Một khi điều kiện sống thay đổi thì cũng sinh ra lắm chuyện. Đặc biệt, ở vùng cao miền Trung và Tây Nguyên ngày nay, rừng và làng đâu có còn quần tụ như xưa. Làng mới chuyển ra hai bên mặt đường, cuộc sống mới kéo theo biết bao đổi thay về phong tục tập quán.
Đi tới đâu cũng gặp cái hân hoan phấn khởi của lớp trẻ, nhưng đi đến đâu cũng lại gặp nỗi khắc khoải nhớ rừng của người già. Sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa là tất yếu. Nhưng đằng sau nó là cả một vấn đề lớn về xã hội và con người.Có lẽ đó là chuyện lớn nhất, cần quan tâm nhất...
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Vân Ly (Thực hiện)